Thái Lan dẫn đầu Đông Nam Á với 35 thương vụ IPO của các công ty và quỹ đầu tư tín thác bất động sản, huy động được 4,2 tỷ USD từ đầu năm nay. Theo sau là Philippines và Indonesia...
Từ đầu năm đến nay, các công ty tại khu vực Đông Nam Á đã huy động được hơn 10 tỷ USD qua các thương vụ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), lần đầu tiên đạt được con số này kể từ năm 2017.
Theo dữ liệu từ hãng kiểm toán Deloitte, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu khu vực với 35 thương vụ IPO của các công ty và quỹ đầu tư tín thác bất động sản, huy động được 4,2 tỷ USD tính tới ngày 15/11. Trong khi đó, Philippines và Indonesia vượt qua Singapore, lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Trong đó, tổng số vốn huy động được qua các IPO từ đầu năm tại Philippines tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2020, còn tại Indonesia tăng gấp gần 6 lần.
THEO ĐUỔI MÔ HÌNH KINH DOANH MỚI ĐÒI HỎI VỐN DÀY
Đại dịch Covid-19 đã khiến các công ty đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư để đa dạng hóa doanh thu và thích ứng với xu hướng chuyển đổi số nhanh chóng.
"Mọi ánh mắt giờ đây đổ dồn vào khu vực Đông Nam Á, với thanh khoản dồi dào của hàng loạt IPO bom tấn”, Tay Hwee Ling, trưởng nhóm cố vấn về các sự kiện đột phá tại Deloitte Đông Nam Á và Singapore, cho biết.
Với Thái Lan, năm 2021 khởi động với IPO khổng lồ của công ty bán lẻ PTT Oil & Retail Business (PTTOR), thuộc hãng dầu mỏ quốc doanh PTT Public Company Limited. Công ty này huy động được 54 tỷ Baht (1,6 tỷ USD) khi lên sàn hồi tháng 2. Tiếp đó, công ty tài chính vi mô Ngern Tid Lor huy động được 38 tỷ Baht qua IPO vào tháng 5. Tới tháng 11, nhà sản xuất và phân phối nội dung truyền thông giải trí The One Enterprise huy động được 4,2 tỷ Baht khi lên sàn.
Theo Nikkei Asia, so sánh với các nước trong khu vực, Thái Lan tương đối vượt trội hơn với các công ty nỗ lực vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng cách đầu tư ra nước ngoài hoặc đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật số tốt hơn.
PTTOR đã phân bổ 13,3 tỷ Baht từ IPO để phát triển mạng lưới trạm xăng, 9,8 tỷ Baht cho hệ thống bán lẻ, 8,5 tỷ Baht cho các trung tâm lưu trữ và phân phối dầu mỏ, và 5-9,5 tỷ Baht đầu tư vào các công ty nước ngoài.
Trong khi đó, bên cạnh việc trả nợ, Ngern Tid Lor dùng tiền huy động được để cải thiện các dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật số của mình. Còn The One Enterprise sẽ đầu tư thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực công nghệ thông tin.
"Các công ty này đang theo đuổi định hướng chiến lược mới đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn và có thể quá rủi ro đối với ngành ngân hàng, như mở rộng ra quốc tế hoặc khu vực, bán lẻ và dịch vụ trực tuyến", Pavida Pananond, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat, nói với Nikkei Asia.
Do đó, huy động vốn qua sàn chứng khoán trở thành lựa chọn khả quan hơn so với các kênh vốn truyền thống như vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu.
ĐỘNG LỰC CHÍNH SÁCH TỪ CÁC CHÍNH PHỦ
Bên cạnh đó, sự bùng nổ IPO của doanh nghiệp Thái Lan cũng xuất phát một phần từ những hỗ trợ về chính sách của Chính phủ. Ngày 20/5, Ủy ban đầu tư Thái Lan cho biết sẽ miễn 100% thuế thu nhập với các công ty mới niêm yết trong một số hạng mục đầu tư, bên cạnh nhiều ưu đãi thuế khác.
Giới phân tích đánh giá, các doanh nghiệp Thái Lan dù dẫn đầu khu vực về IPO nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.
Đầu năm nay, Chủ tịch sàn chứng khoán Thái Lan Pakorn Peetathawatchai cho biết “Chúng tôi muốn có 30-50 IPO trên sàn chứng khoán Thái Lan mỗi năm, huy động khoảng 250 tỷ Baht (7,4 tỷ USD) mỗi năm”. Theo đó, sàn này đã đạt mục tiêu về số lượng nhưng chưa đạt mục tiêu về số vốn huy động.
Tính tới giữa tháng 11, Thái Lan chiếm khoảng 43% tổng số vốn huy động được qua IPO tại khu vực Đông Nam Á, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 63% năm 2020. Trong khi đó, Philippines và Indonesia ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về vốn huy động qua IPO trong năm nay.
Kỷ lục về vốn của Philippines đến từ IPO bom tấn của các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT). Năm 2020, sàn chứng khoán Philippines có IPO đầu tiên của một REIT và năm nay ghi nhận 4 thương vụ khác, huy động tổng cộng 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, IPO 1 tỷ USD của hãng thực phẩm và đồ uống khổng lồ Monde Nissin cũng giúp tổng số vốn huy động qua IPO trên sàn chứng khoán nước này vượt tổng mức 4 năm trước cộng lại.
Còn tại Indonesia, từ đầu năm đến nay, khoảng 43 công ty đã niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Indonesia, huy động tổng cộng 51.160 tỷ Rupiah (tương đương 3,57 tỷ USD) – con số trong một năm lớn nhất lịch sử sàn này. Trong số này, IPO của startup “kỳ lân” khổng lồ Bukalapak dẫn đầu khi huy động được 21.900 tỷ Rupiah hồi tháng 8.
Theo ông Imelda Orbito, trưởng nhóm cố vấn về các sự kiện đột phá tại Deloitte Indonesia, cổ phiếu công nghệ đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư trẻ nước này – nhóm chiếm tới 80% các nhà đầu tư các nhân trên sàn chứng khoán Indonesia.
Thị trường IPO Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục sôi động vào năm 2022 khi một số công ty đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu. IPO thành công của Mitratel, công ty con của tập đoàn quốc doanh Telekomunikasi Indonesia, được cho là sẽ tạo động lực để Chính phủ Indonesia thúc đẩy kế hoạch niêm yết ít nhất 13 công ty quốc doanh khác (hoặc công ty con của những doanh nghiệp này) trong vài năm tới.
Công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, GoTo, được cho là đang lên kế hoạch IPO trong nửa đầu năm 2022. Công này đang đợi những thay đổi quy định sắp tới của Chính phủ Indonesia, cho phép những startup tăng trưởng cao nhưng chưa có lợi nhuận dễ dàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sàn chứng khoán Indonesia cũng dự kiến cho phép niêm yết với những công ty có cấu trúc cổ phiếu hai tầng, theo đó nhà sáng lập có quyền biểu quyết lớn hơn so với nhà đầu tư mới.
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, đầu năm nay, sàn chứng khoán Thái Lan đã điều chỉnh các yêu cầu đối với công ty niêm yết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những công ty trong một số ngành như ô tô thế hệ mới, robot, hàng không, vận tải, du lịch y tế, công nghệ sinh học, công nghệ nano…
Sàn này cũng đang thảo luận với Ủy ban Chúng khoán Thái Lan để xem xét lại quy định niêm yết, vốn nghiêm ngặt hơn với IPO của các công ty nước ngoài hơn so với công ty trong nước.
“Chúng ta sẽ chúng kiến nhiều công ty kỹ thuật số và công nghệ niêm yết tại Thái Lan – một sự khác biệt lớn so với các công ty truyền thống”, Wilasinee Krishnamra, trưởng nhóm cố vấn về các sự kiện đột phá tại Deloitte Thái Lan, nhận định.
Còn Singapore, sau nhiều năm theo sau Thái Lan trên thị trường IPO Đông Nam Á, mới đây đã ban hành khuôn khổ pháp lý mới cho phép các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) – huy động vốn và sau đó mua lại một công ty khác – niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.
Niêm yết SPAC đã giúp Mỹ chứng kiến làn sóng bùn nổ IPO và sàn chứng khoán Singapore đang muốn đạt được những thành công tương tự trong năm 2022.