Dow Jones tăng hơn 550 điểm
Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong ngày thứ Hai (06/12) khi nhà đầu tư bớt lo sợ về biến chủng Omicron. Đồng thời, nhà đầu tư cũng rút khỏi cổ phiếu công nghệ và chuyển sang các cổ phiếu liên quan tới đà hồi phục của nền kinh tế.
Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau:
- Những cổ phiếu gắn liền với quá trình tái hồi phục kinh tế tăng vọt trong ngày 06/12, như năng lượng, công nghiệp và hàng không.
- Nhà đầu tư tiếp tục bán cổ phiếu công nghệ có mức định giá cao tương đối. Những cổ phiếu này đã kéo giảm Phố Wall trong tuần trước.
- Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hồi phục sau khi giảm mạnh trong tuần trước giữa mối đe dọa từ biến chủng Omicron.
- Fed muốn đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ.
- Bitcoin mất 10,000 USD kể từ ngày 03/12, bao gồm cú giảm đột ngột trong ngày 03-04/12. Động thái này cho thấy nhà đầu tư đang né tránh rủi ro.
Tính tới lúc 22h00 ngày 06/12 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 576 điểm (tương đương 1.7%) còn S&P 500 tăng 0.3% và Nasdaq Composite hồi phục 0.9%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ với định giá cao tiếp tục giảm khi nhà đầu tư vẫn còn e ngại rủi ro. Cổ phiếu Nvidia lao dốc 5%, còn Tesla hạ 2%. Microsoft và Alphabet cũng nhuốm sắc đỏ.
Biến chủng Omicron vẫn tiếp tục gây lo ngại cho nhà đầu tư, nhưng mức độ đã thuyên giảm bớt.
“Virus vẫn là một vấn đề. Nhưng kịch bản chính ở đây là ảnh hưởng sẽ chỉ ở mức độ hạn chế”, chuyên gia kinh tế cấp cao Eric Winograd thuộc AllianceBernstein nhận định. “Hy vọng là chúng ta sẽ không phải quay trở lại tình trạng phong toả của thời điểm tháng 3/2020. Chúng ta đã học được cách chung sống với virus này và điều đó đã giúp cho thị trường và nền kinh tế vững vàng hơn. Tôi không cho là biến chủng mới sẽ đảo ngược tiến bộ mà chúng ta đã đạt được”.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell làm xáo trộn thị trường khi báo hiệu sẽ đẩy mạnh quá trình giảm mua tài sản.
Trong phiên điều trần ngày 30/11 trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, ông Powell nói rằng đã đến lúc thôi sử dụng từ “tạm thời” để nói về lạm phát. Ông cũng nói Fed có thể đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản để kết thúc chương trình này sớm hơn dự kiến ban đầu.
Những tuyên bố này của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã góp phần gây ra phiên bán tháo ở Phố Wall cùng ngày. Các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2022 cho dù mối lo về Covid vẫn còn đó. Biến động này của thị trường khiến nhiều người nhớ lại sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ cách đây gần 1 thập kỷ, khi Chủ tịch Fed ở thời điểm đó là ông Ben Bernanke tuyên bố sẵn sàng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế thời khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Chang nói rằng lập trường mới của Fed có thể gây bất lợi cho thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là những cổ phiếu meme như GameStop và AMC, vốn là những cổ phiếu đã tăng bùng nổ nhờ Fed cắt giảm lãi suất về gần 0 và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng mua tài sản nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua sóng gió đại dịch.
Nói cách khác, nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng Fed sẽ rút lại sự hỗ trợ vào đúng lúc nền kinh tế bắt đầu tăng chậm lại. Ngoài ra, trước mắt cũng không còn gói kích cầu nào từ Chính phủ Mỹ.
“Trong vòng 2 năm qua, sự hỗ trợ bằng chính sách tài khoá là chưa từng có tiền lệ. Điều đó sẽ không lặp lại, và hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ cũng sắp thu lại”, ông Winograd nói.
“Nhóm siêu cổ phiếu công nghệ đã tăng mạnh nhờ kỳ vọng môi trường lãi suất thấp kéo dài mãi”, Tom Essayem, Tác giả của Báo cáo Sevens, cho hay. “Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi suất ngày càng tăng và Fed đẩy nhanh quá trình thắt chặt tiền tệ, chúng tôi thấy nhà đầu tư chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ và sang các cổ phiếu gắn liền với đà tăng trưởng kinh tế”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|