Chứng khoán toàn cầu “bốc hơi” 3,700 tỷ USD vì biến chủng Omicron
Vốn hóa thị trường toàn cầu rớt 3.7 ngàn tỷ USD (tương đương 3%) trong tuần trước, giữa lúc biến chủng Omicron tác động tới niềm tin của nhà đầu tư và đẩy dòng tiền rút khỏi các cổ phiếu liên quan tới du lịch và hàng hóa.
Thị trường trái phiếu đang phản ánh kịch bản các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như kinh tế chững lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang tìm hiểu về tác động của biến chủng mới và giá tài sản nhiều khả năng vẫn còn biến động mạnh trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư đã bớt nắm giữ tài sản rủi ro cao trong tuần trước và vốn hóa thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu có lúc rớt 4%-5% so với trước khi thông tin về biến chủng Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Các ngành liên quan tới du lịch như hàng không và khách sạn bị rút vốn mạnh.
Chứng chỉ quỹ ETF U.S. Global Jets – vốn bám sát theo chỉ số về cổ phiếu hàng không trên toàn cầu – tích tắc rớt dưới mức 20 USD, thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
“Dần dần mọi thứ càng khó để trở lại cuộc sống trước dịch, tức bao gồm những chuyến đi công tác thường xuyên”, Soichiro Matsumoto, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Credit Suisse chi nhánh Nhật Bản, cho hay.
Vào sáng ngày 05/12, biến chủng Omicron đã được phát hiện tại ít nhất 15 bang, bao gồm cả Hawaii và New York. Trong bối cảnh biến chủng mới có thể làm chậm quá trình bình thường hóa của nền kinh tế và chuỗi cung ứng, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 bớt 0.4 điểm phần trăm xuống 3.8%.
Trong khi đó, các nước châu Âu cũng đang tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Giới đầu tư lo ngại rằng rắc rối về nguồn cung sẽ càng trầm trọng hơn nếu các nước Đông Nam Á và các khu vực khác tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Thị trường hàng hóa dần trở nên nhạy cảm hơn với khả năng nhu cầu giảm vì sự xuất hiện của biến chủng mới. Hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 13% trong ngày 26/11 vì biến chủng Omicron và chạm mức 62 USD/thùng trong ngày 02/12, thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Công ty nghiên cứu Rystad Energy tại Na Uy dự báo nếu biến chủng Omicron châm ngòi cho làn sóng áp phong tỏa và biện pháp kiểm soát dịch trên diện rộng, nhu cầu dầu có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng 1-3/2022.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm suy giảm vì nỗi lo kinh tế chững lại trong trung và dài hạn với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn vì biến chủng Omicron và điều này càng thôi thúc các NHTW gấp rút siết chặt chính sách.
Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm đang thu hẹp về gần 56 điểm cơ bản trong ngày 02/12, thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Lợi suất của thị trường trái phiếu ngắn hạn đang tăng vì kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao hơn trong tương lai gần, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn lại giảm.
“Tình trạng trên cho thấy thị trường đang không chắc chắn về triển vọng kinh tế”, Takafumi Yamawaki, Chiến lược gia tại JPMorgan Securities Japan, cho hay.
Thế nhưng, thị trường không hoàn toàn bi quan khi nhiều thông tin cho thấy biến chủng Omicron chỉ gây những ca không triệu chứng hoặc ca bệnh nhẹ.
“Nhiều điều chúng ta chưa biết như độc tính của biến chủng mới và thị trường sẽ tăng giảm phụ thuộc vào thông tin mới”, Shogo Maekawa, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho hay.
Triển vọng của chính sách tiền tệ ở mỗi quốc gia đều rất khó lường, trong đó Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tranh luận về việc hoãn nâng lãi suất. Nếu các NHTW đang lo ngại về quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, kỳ vọng về dòng thanh khoản tiềm năng có thể khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận thêm rủi ro.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|