Quy mô nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ vào năm 2033
Quy mô nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033, tức trễ hơn 4-5 năm so với dự báo năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER). Trong khi đó, cũng trong vòng 6-7 năm nữa, người Nhật sẽ không còn là những người giàu nhất châu Á khi bị người Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt qua mặt.
Chính sách kiểm soát chặt các hãng đại công nghệ và các quy định mới về trao đổi dữ liệu xuyên biên giới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại. Ảnh: AP
|
Các tảng đá trì kéo tăng trưởng Trung Quốc
Báo cáo mới nhất của JCER công bố hôm 15-12 cho rằng chính sách kiểm soát chặt chẽ ngành công nghệ cao và các đại công ty của Bắc Kinh đã làm tổn hại tiềm năng tăng trưởng của đất nước này. JCER cũng nói rằng các nỗ lực giảm khí phát thải đang diễn ra tại Trung Quốc cũng như các khối nợ khổng lồ, trong đó có “quả bom nợ” của tập đoàn bất động sản Evergrande, là những tảng đá trì kéo đà tăng trưởng.
JCER ước đoán GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033. Năm ngoái, JCER dự đoán Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028 nếu dịch Covid-19 trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn hoặc trễ hơn chút, vào năm 2029 nếu dịch bệnh diễn ra theo một kịch bản tiêu chuẩn. Trong báo cáo mới, JCER nói rằng thời gian trì hoãn có thể là 4-5 năm trước khi nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ đứng đầu thế giới.
Việc điều chỉnh dự báo được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát các hãng công nghệ và doanh nghiệp tư nhân khác, làm chậm quá trình tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, đầu tư dự kiến sẽ giảm sau khi chính phủ ban hành các quy định tài chính chặt chẽ hơn nhằm hạn chế đầu tư quá mức vào bất động sản.
Dự báo mới nhất cũng góp phần lý giải tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng của Mỹ trong năm nay, với các gói kích thích kinh tế lớn trị giá nhiều ngàn tỉ đô la.
GDP tính theo đầu người trên danh nghĩa của Nhật Bản sẽ bị Hàn Quốc và Đài Loan qua mặt vào năm 2027-2028. Nguồn: JCER
|
Chuyển đổi số chậm làm Nhật Bản tụt hậu
JCER dự báo mức tăng trưởng của 18 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2035 dựa trên phân tích GDP bình quân tính theo đầu người của từng nền kinh tế.
JCER dự báo rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản về mức độ giàu có cá nhân vào năm 2027 và Đài Loan cũng thực hiện cú vượt mặt ngoạn mục đó trong năm tiếp theo. Bởi quá trình số hóa bị trì hoãn trong quản trị chính quyền và các lĩnh vực khác, khiến năng suất của người Nhật bị sa sút.
Đối với sự phân bổ tài sản dọc theo rìa Đông Á, GDP bình quân đầu người tính theo danh nghĩa của Nhật Bản ở mức 39.890 đô la vào năm 2020, cao hơn 25% so với 31.954 đô la của Hàn Quốc và cao hơn 42% so với 28.054 đô la của Đài Loan. Dựa trên năng suất lao động, số giờ làm việc trung bình và tỷ lệ việc làm, JCER hiện nhận thấy Nhật Bản đang bị đẩy xuống vị trí cuối trong nhóm ba nền kinh tế này. JCER dự báo từ nay đến năm 2025 GDP bình quân đầu người sẽ tăng 6% mỗi năm ở Hàn Quốc và 8,4% ở Đài Loan, trong khi tỷ lệ này tại Nhật Bản chỉ 2%.
Sự phân bổ lại thứ hạng của các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được thúc đẩy năng suất lao động ở ba nơi này. Trong những năm 2020 và 2030, năng suất lao động cao hơn ở Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến sẽ đẩy GDP bình quân đầu người lên hơn 4 điểm, trong khi GDP bình quân đầu người của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng dưới 2 điểm.
JCER cho biết việc tăng năng suất lao động sẽ phụ thuộc vào sự thành công của quá trình chuyển đổi công nghệ số.
Hàn Quốc đã hình thành hệ thống nhận dạng quốc gia vào những năm 1960. Người dân Hàn Quốc chỉ cần nhập mã số cá nhân (ID) trên cổng thông tin chính phủ để thực hiện 1.300 loại ứng dụng và dịch vụ. Họ cũng có thể dùng ID để đăng ký dịch vụ internet, mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch khu vực tư nhân khác. Khi chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ tài chính, hơn 90% dân số Hàn Quốc đã nhận được khoản trợ cấp chỉ trong vòng một tháng.
Đài Loan đang tăng tốc chuyển đổi số dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Kỹ thuật số Audrey Tang. Cổng thông tin của chính phủ cho phép người dân đăng ký và nộp đơn ở từng giai đoạn của cuộc đời, từ khi sinh ra đến khi nghỉ hưu và những thời khắc cuối đời. Trang web cũng chấp nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đăng ký trực tuyến để nhận hỗ trợ tài chính thường nhanh hơn 3-5 ngày so với việc đến nơi nộp đơn. Điều này khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi số.
Ngược lại, các giao dịch kinh doanh ở Nhật Bản chủ yếu vẫn thực hiện trên nền tảng analog lạc hậu hoặc thủ tục bàn giấy. Một nghiên cứu so sánh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức do Bộ Nội vụ thực hiện trong năm nay cho thấy: 25% chữ ký và con dấu hanko (con triện) của các công ty Nhật Bản trên hợp đồng và các tài liệu được trao cho các đối tác kinh doanh “hoàn toàn không được số hóa”. Có nghĩa là chữ ký số hay chữ ký điện tử vẫn là cái gì quá mới mẻ ở xứ này!
Nhật Bản cũng tụt hậu trong số hóa các giao dịch tiền tệ, vốn chiếm phần lớn thời gian làm văn thư của doanh nghiệp. Chỉ khoảng 10% công ty nộp thuế và các chi phí công khác bằng phương thức điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn cử nhân viên đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
“Nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng âm kinh niên trong những năm 2030 trừ khi Nhật Bản quyết liệt tăng tốc chuyển đổi số”, JCER khuyến cáo.
Ricky Hồ
TBKTSG
|