PHP - Canh mua trong vùng 24,500-26,500
Cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quan trọng khi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu và đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng, kéo theo thị phần của các cảng này và số tuyến vận tải đường dài ngày càng tăng trong nước. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ngành cảng biển cả nước và Hải Phòng vẫn phát triển tốt
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước tính đạt 299.67 tỷ USD, tăng 17.5% so với cùng kỳ 2020. Song song với đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299.45 tỷ USD, tăng 27.5% so với cùng kỳ 2020.
Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước 11 tháng năm 2021 là 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển là 22,008 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn với riêng cảng biển Hải Phòng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 11 năm 2021 ước đạt 13.83 triệu tấn, tăng 5.97% so với tháng trước và tăng 0.85% so với cùng kỳ năm trước, 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 133.15 triệu tấn, tăng 6.29% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng container hiện đang có mức tăng trưởng khoảng 500,000 TEU/năm. Với tỷ lệ tăng bình quân của hàng xuất nhập khẩu qua khu vực Hải Phòng là 15%/năm, theo dự báo, đến năm 2030, mức tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng có thể đạt 750,000 – 800,000 TEU/năm.
Kim ngạch XNK và Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng trong giai đoạn từ năm 2016-9T/2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong tương lai, ngành cảng biển và logistics sẽ diễn biến tích cực phần lớn là nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng thương mại của Việt Nam, do tác động tích cực của các hiệp định FTA mới ký kết như EVFTA, RCEP và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Xu hướng tăng trọng tải và công suất tàu biển
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và yêu cầu tối ưu hóa hoạt động vận tải biển, ngành vận chuyển container đang có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng gia tăng kích thước tàu, nâng cao công suất trên mỗi chuyến vận tải.
Theo thống kê từ Alphaliner (Tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), trong hai thập kỷ qua, cả kích thước trung bình và tối đa của tàu container đã tăng hơn gấp đôi.
Số lượng đội tàu trên thế giới và kích cỡ trung bình. Đvt: Chiếc
Nguồn: Alphaliner
Khi mạng lưới cung ứng toàn cầu được kết nối liền với nhau, chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Nhu cầu thương mại đường biển nhiều hơn đòi hỏi các tàu lớn hơn, sức chuyên chở của đội tàu buôn toàn cầu đã tăng đều đặn trong những thập kỷ vừa qua.
Theo số liệu đến từ Statista (Công ty chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng của Đức), trọng tải toàn phần của các tàu năm 2021 đã tăng tới 282 triệu tấn và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai nếu lưu lượng hàng hóa vẫn ở mức cao.
Công suất của tàu biển container từ năm 1980 đến năm 2021. Đvt: Triệu DWT
Nguồn: Statista
Cảng nước sâu Lạch Huyện trở thành trọng tâm tăng trưởng chính
Cảng Hoàng Diệu, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, sẽ phải di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ. Với công suất khoảng 10 triệu tấn/năm, việc di dời cảng Hoàng Diệu khiến Cảng Hải Phòng phải chuyển các khách hàng hiện hữu về các cảng Tân Vũ, Chùa Vẽ và tăng áp lực khai thác cho các cảng này, mặt khác là nguy cơ hao hụt khách hàng sang các cảng khác do các cảng này không có lợi thế về giao thông kết nối trực tiếp với đường sắt như cảng Hoàng Diệu.
Cảng Chùa Vẽ, việc cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động khiến cho các cảng nằm sâu ở khúc thượng nguồn sông Cấm như cảng Chùa Vẽ, cảng Hải An, Green Port, Đoạn Xá,… bị hạn chế luồng hàng hải và chỉ có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải dưới 20,000 DWT.
Cảng Đình Vũ, được khai thác bởi công ty con DVP, là một trong những cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam với sản lượng trên 600,000 TEU/năm.
Cảng Tân Vũ, mặc dù nằm ở hạ nguồn sông Cấm, đón nhận xu hướng dịch chuyển của khách hàng từ phía thượng nguồn xuống hạ nguồn, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các cảng lân cận như Nam Đình Vũ, VIP Green… Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển nguồn hàng sang các khu vực nước sâu, gần cửa biển.
Vị trí các cảng chính của PHP
Nguồn: Google Maps
Cảng Lạch Huyện, với việc phát triển của các đội tàu quốc tế siêu trường, siêu trọng ngày càng tăng để đáp ứng lưu lượng hàng hóa khổng lồ. Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng này có thể đi trực tiếp sang Châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển sang nước khác. Cảng nước sâu Lạch Huyện càng trở thành cửa ngõ quan trọng và dự báo sẽ tăng trưởng lớn trong những năm tới.
Chuẩn bị khởi công bến 3 và bến 4 cảng Lạch Huyện
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng số 3, số 4 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 và giao Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 6,946 tỷ đồng.
PHP đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để trong tháng 12/2021 hoặc chậm nhất tháng 01/2022 sẽ khởi công bến cảng. Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100,000 DWT (tương đương sức chở 8,000 TEUs). Nếu công trình khởi công đúng như kế hoạch, PHP sẽ đưa vào khai thác bến số 3 trong tháng 12/2023, hoàn thành bến số 4 vào tháng 6/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Kết quả kinh doanh có phần đi ngang qua các năm
Doanh thu các năm không tăng trưởng đều khiến PHP chưa được kỳ vọng cao. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 1,687 tỷ đồng, tăng 12.8% so với cùng kỳ do thay đổi cơ cấu mặt hàng, lượng hàng hóa thông qua cảng, cùng với đó là hưởng lợi từ lượng hàng hóa vận chuyển tăng cao.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 526 tỷ đồng, tăng 21.87% so với cùng kỳ, đóng góp một phần bởi khoản nhận cổ tức của các công ty có vốn góp và chi phí tài chính giảm nhờ biến động tỷ giá đồng yên Nhật.
Biến động kết quả kinh doanh PHP trong giai đoạn 2016-9T2021
Nguồn: VietstockFinance
Sức khỏe tài chính an toàn - Nợ vay ít
Vốn chủ sở hữu liên tục tăng, nợ vay được giảm tới mức thấp là điểm mạnh của doanh nghiệp khi thể hiện được hiệu quả an toàn trong quản lý hoạt động. Trong giai đoạn tới khi xây dựng bến 3 và bến 4 cảng Lạch Huyện, chúng tôi dự đoán nợ vay có thể sẽ tăng trở lại nhưng vẫn sẽ giữ ở mức thấp nhờ các khoản tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn cao chiếm tới 49% tổng tài sản, đủ để trang trải hoạt động đầu tư trong giai đoạn tới.
Biến động cấu trúc nguồn vốn của PHP
Nguồn: VietstockFinance
Vùng 24,500-26,500 sẽ là hỗ trợ mạnh
Giá cổ phiểu liên tục tạo những con sóng đi ngang trong suốt giai đoạn từ tháng 8 đến nay. Điểm chung là giá đều bật lại sau khi test vùng hỗ trợ Fibonacci Retracement 50%.
Vùng 24,500-26,500 sẽ là hỗ trợ mạnh khi hội tụ các yếu tố hỗ trợ mạnh như đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 06/2021, đáy cũ tháng 12/2021, Fibonacci Retracement 50%...
Chỉ báo dao động Stochastic đã xuống dưới vùng quá bán (oversold). Nếu phân kỳ giá xuống xuất hiện thì khả năng hồi phục sẽ được cải thiện.
Nguồn: VietstockUpdater
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|