Dịch Covid-19 - Chất xúc tác mở ra kỷ nguyên mới cho ngân hàng số
Đại dịch Covid-19 xảy ra làm thay đổi nhiều thói quen của con người, từ tiêu dùng, làm việc đến giao tiếp xã hội. Trong hoàn cảnh hạn chế hoặc không thể tiếp xúc trực tiếp, số hóa được xem như công cụ hữu hiệu giúp cho nền kinh tế tiếp tục lưu thông.
Trên thực tế, cuộc đua ngân hàng số đã diễn ra từ nhiều năm trước, khi công nghệ 4.0 bắt đầu được áp dụng trong mọi lĩnh vực, nhưng trước đại dịch Covid-19 ngân hàng số chưa thực sự bùng nổ như bây giờ. Và đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại một số lĩnh vực kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng.
Có vẻ như trước khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ đón nhận công nghệ số của đại đa số người dân còn khá thấp vì chưa có lý do hoặc điều kiện thúc đẩy họ phải sử dụng công nghệ số thay cho những thủ tục giấy tờ vốn dĩ đã trở thành điều hiển nhiên.
Và khi Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân mới nhận ra tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ qua mạng. Dữ liệu từ Ernst & Young, khoảng 85% người tiêu dùng đã sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng đã mua hàng hóa và dịch vụ trên các kênh mạng xã hội khi đại dịch xuất hiện.
Bùng nổ cuộc đua ngân hàng số
Là trung gian thanh toán của nền kinh tế, các ngân hàng càng phải tăng tốc đẩy nhanh quá trình số hóa để phù hợp với điều kiện dịch bệnh và nhu cầu giao dịch hạn chế tiếp xúc của khách hàng.
Với một giao dịch truyền thống trước đây, khách hàng phải mất thời gian ra ngân hàng và chờ đến lượt để thực hiện giao dịch, thậm chí một số loại giấy tờ và thủ tục rườm rà cũng có thể làm phiền lòng những ''thượng đế''.
Giờ đây, khi công nghệ dần lan tỏa, chỉ cần ngồi tại nhà, khách hàng cũng có thể thực hiện được hầu hết các giao dịch trực tuyến như khi ra trực tiếp tại quầy như mở thẻ online, chuyển tiền, thanh toán mua sắm... Kể cả khi mở tài khoản ngân hàng, trước đây khách hàng bắt buộc phải ra trực tiếp quầy giao dịch thì giờ đây cũng đã có định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) nhằm đơn giản hóa quy trình xác minh khách hàng, giảm bớt thời gian, công sức đến quầy.
Một điểm cộng nữa là khi áp dụng công nghệ số, ngân hàng có thể tận dụng được lợi thế dân số trẻ tại Việt Nam, sử dụng công nghệ nhiều hơn và sẽ thu hút được tệp khách hàng mới đầy tiềm năng. Điều này mở ra cho ngân hàng nhiều cơ hội kinh doanh mới, triển khai được nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới, đáp ứng với nhu cầu và thị hiếu hiện đại của người tiêu dùng.
Tiên phong cho cuộc đua ngân hàng số phải kể đến là LiveBank của TPBank được ra mắt vào đầu năm 2017. Bên cạnh chức năng rút tiền của một ATM truyền thống, đối với LiveBank, khách hàng còn có thể nộp tiền trực tiếp với mức tối đa mỗi lần lên tới 500 triệu đồng. Thông qua hệ thống này, khách có thể nộp tiền mặt vào tài khoản của các ngân hàng khác tại bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ngoài ra, các chức năng như thanh toán hóa đơn, phát hành lại thẻ, tất toán sổ tiết kiệm, đăng ký thẻ tín dụng, bảo hiểm… đều có mặt đầy đủ trên hệ thống ngân hàng tự động này.
Cuối năm 2020, VietinBank và MB cũng góp mặt vào cuộc đua ngân hàng số khi ra mắt R-ATM và Smart Bank. Trước đó, các ngân hàng như VPBank, Agribank, Techcombank cũng đã phát triển hệ thống này.
Tại VietinBank, máy R-ATM cho phép khách hàng nộp tiền với hạn mức 100 triệu đồng/lần (không quá 200 tờ) và không giới hạn số lần nộp tiền trong ngày. Cùng với khả năng nhận diện và phát hiện tiền giả, tiền kém chất lượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), máy R-ATM còn có thể theo dõi, lưu lại hình ảnh số series của những tờ tiền giả, tiền kém chất lượng lưu thông. Qua đó, khách hàng cũng như ngân hàng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, tra soát khiếu nại.
Trong khi đó, Smart Bank của MB được thiết kế theo mô hình O2O (online to Offline và ngược lại). Với diện tích 20 m2 đủ phục vụ tất thẩy các lượt khách hàng như tại quầy giao dịch thông thường. Smartbank MB còn có các khu riêng biệt có chức năng cụ thể như khu Self – service tự phục vụ trang bị hệ thống máy ATM, CRM, máy in thẻ tự động; khu Self – learning tự khám phá sản phẩm dịch vụ; khu ngồi chờ và khu tư vấn khách hàng.
Mới nhất, ngày 17/12, Nam A Bank ra mắt Hệ sinh thái số ONEBANK giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, 24/7, 365+. ONEBANK được giới thiệu sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngân hàng của khách hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần, kể cả dịp Lễ, Tết mà không phụ thuộc vào giờ hành chính để khách hàng chủ động về thời gian.
Tại ONEBANK, khách hàng có thể nộp/rút tiền từ tài khoản của tất cả các Ngân hàng tại Việt Nam bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR và là ngân hàng Việt đầu tiên triển khai dịch vụ này. Song song đó, khách hàng có thể tự trải nghiệm các giao dịch như: Gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản 365+ không giới hạn thời gian - không gian, giao dịch và chuyển chứng từ tự động… Cùng với ONEBANK, hệ sinh thái công nghệ của Nam A Bank đã có Open Banking và Robot OPBA.
Bên cạnh ngân hàng tự động, các sản phẩm ứng dụng ngân hàng số như VCB Digibank, VPBank NEO, VietinBank iPay, My VIB… cũng đang được sử dụng thông dụng trên thị trường. Cuộc đua ngầm về ngân hàng số sẽ ngày càng khốc liệt khi sắp tới có sự góp mặt của các công ty Fintech và Mobile Money.
Khách hàng trải nghiệm ngân hàng số tại Lễ ra mắt Hệ sinh thái số ONEBANK
|
Những con số khẳng định vị thế ngân hàng số trong đại dịch
Tại Hội thảo “Tiến tới quốc gia không dùng tiền mặt” được tổ chức ngày 19/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch trên kênh số. Chỉ từ tháng 3 đến nay, đã có thêm hơn 1.8 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC trong số 110 tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2021, McKinsey thực hiện Khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20,000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.
Hồi tháng 5/2021, NHNN cũng ủng hộ công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng khi ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng dẫn ngành ngân hàng thực hiện chuyển đổi số như một nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam đặt tham vọng tới năm 2030, ít nhất 70% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy 95% tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số hoặc trong quá trình hoàn thiện.
Chia sẻ tại Lễ ra mắt Hệ sinh thái số ONEBANK của Nam A Bank, ông Lê Trung Thành – Giám đốc chuyển đổi số IDG Việt Nam cho biết có thể nhận thấy một ngân hàng muốn thành công đưa hệ sinh thái số thành một phần thiết yếu lan tỏa trong mọi khía cạnh đời sống thì phải đảm bảo được 3 tiêu chí lớn mà người tiêu dùng luôn mong muốn.
Thứ nhất, ngân hàng phải trở nên rất thông minh về vấn đề thu thập quản trị và xử lý dữ liệu khách hàng, làm thế nào luôn đưa ra được những sản phẩm dịch vụ đón đầu thị trường.
Thứ hai, phải luôn luôn đáp ứng được trải nghiệm khách hàng vượt trội, khách hàng có thể là người tiêu dùng, đối tác hoặc khách hàng nội bộ. Và làm thế nào các chuyển đổi số đưa ra được sản phẩm với tần suất nhanh chóng, đáp ứng được mọi kỳ vọng khách hàng. Những xử lý trên các kênh phục vụ khách hàng phải nhanh chóng, thông minh và đa dạng.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái số. Kỳ vọng tất cả đối tác đồng hành với ngân hàng phải đồng bộ về tiêu chuẩn, dịch vụ, cam kết chất lượng, đồng bộ với tất cả triết lý kinh doanh của ngân hàng.
|
Cát Lam
FILI
|