Đã đến lúc cần cân nhắc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị xem xét nâng tỷ lệ sở hữu này một cách phù hợp trong bối cảnh đẩy mạnh triển khai việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như thực hiện mục tiêu chương trình phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 và trong dài hạn.
Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho rằng, đã đến lúc phải nghiên cứu điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
|
Báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam” được CIEM công bố ngày 15/12 cho thấy một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm/gần chạm trần 30%.
Cụ thể, tính đến 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 03/04 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.
Đáng chú ý, giai đoạn từ 2018 đến tháng 6/2021, một số ngân hàng có phát sinh sở hữu của tổ chức nước ngoài như BIDV (1 tổ chức là KEB Hana sở hữu 15%), MSB (8 tổ chức, sở hữu 28.22%), VPB (9 tổ chức sở hữu 13.33%), LVB (1 tổ chức sở hữu 2.1%) và SCB (1 tổ chức sở hữu 4.94%).
“Dù tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong vài năm trở lại đây nhưng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo cho biết.
Theo vị đại diện CIEM, cùng với việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại là sự cam kết lâu dài và chuyển giao kinh nghiệm, năng lực của các cổ đông chiến lược. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao năng lực tài chính hoạt động an toàn, ổn định và có hiệu quả hơn cho các tổ chức tài chính trong thời gian qua.
Trong bối cảnh nhằm tăng cường khả năng huy động vốn của các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các ngân hàng thương mại; đặc biệt là hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại trong các FTA đặc biệt là EVFTA… đại diện CIEM khuyến nghị có thể cân nhắc xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, các nước trong khu vực đã cân nhắc tích cực việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
“Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh tăng và lộ trình thực hiện có sự khác biệt giữa các nước, tùy đặc thù cụ thể và quyết tâm của từng nước”, ông Dương lưu ý và cho rằng cần cân nhắc thêm các biện pháp khác để điều tiết và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại, thay vì chú trọng quá mức vào giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở này, báo cáo của CIEM cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể.
Thứ nhất, Việt Nam cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể.
Thứ ba, Việt Nam cần cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, Việt Nam cần cân nhắc cải thiện khung pháp lý theo hướng hiện đại và mở, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Thứ năm, Việt Nam cần cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại trong các đề xuất (nếu có) về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech…
Nhật Quang
FILI
|