Thứ Hai, 27/12/2021 11:00

Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 3): Những dự thảo còn trên giấy

Ngoài những thông tư, nghị định đã được ban hành chính thức, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn đưa ra một số dự thảo liên quan đến vấn đề của ngành ngân hàng trong năm vừa qua.

* Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 1): Những chính sách xoay quanh Covid-19

* Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan

Lãi suất rút trước hạn tiền gửi

NHNN xem xét ban hành dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011.

NHNN cho biết, dự thảo này để có cơ sở pháp lý cho các TCTD áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn, tạo điều kiện để TCTD phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay; đồng thời để bảo đảm đồng bộ của các quy định pháp luật có liên quan.

Dự thảo nêu rõ: Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi; TCTD và khách hàng phải thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi, vì về bản chất, việc rút một phần trước hạn tiền gửi làm thay đổi về kỳ hạn và lượng tiền gửi theo hướng kỳ hạn của phần tiền gửi rút trước hạn bị thu ngắn và lượng tiền gửi giảm so với số tiền gửi ban đầu của khách hàng tại TCTD.

Dự thảo Thông tư quy định, trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, các TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Đối với trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi: a- Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi; b- Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.

Ngân hàng sẽ không được tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ

NHNN đưa vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015, quy định về hoạt động mua bán nợ của các ngân hàng.

Tại dự thảo, NHNN đã bỏ quy định cho phép các ngân hàng tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ như trước.

Thay vào đó, hoạt động bán đấu giá khoản nợ sẽ chỉ được thực hiện khi bên bán nợ (ngân hàng) thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Quy định này được đưa ra nhằm phù hợp theo Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, tổ chức được phép đấu giá tài sản chỉ bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Về định giá, dự thảo thông tư mới yêu cầu việc định giá khoản nợ phải được thực hiện theo quy định pháp luật về giá. Trong đó, quy định rõ việc ngân hàng thực hiện xác định giá mua, bán nợ theo phương pháp thỏa thuận và giá khởi điểm theo phương thức bán đấu giá.

Cũng tại dự thảo mới, NHNN đề xuất cho phép bên bán nợ được mua lại các khoản nợ đã bán trong trường hợp mua lại theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trước đó, Thông tư 09 quy định bên bán nợ không được mua lại các khoản nợ đã bán.

Theo NHNN, cơ quan này đã có tờ trình Thủ tướng về phương án phục hồi liên quan đến các ngân hàng mua lại bắt buộc. Theo đó, các ngân hàng mua lại bắt buộc được phép mua nợ từ các TCTD tham gia cơ cấu lại, và trong trường hợp phát sinh rủi ro, ngân hàng mua lại bắt buộc được phép bán lại khoản nợ đã mua cho các TCTD tham gia cơ cấu lại.

Một quy định mới được NHNN bổ sung vào dự thảo lần này với mục đích hạn chế tình trạng che giấu nợ xấu của các ngân hàng là việc yêu cầu các TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính TCTD đó hoặc TCTD khác.

Đề xuất này được đưa ra dựa trên phản ánh của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan này cho rằng nên cấm cả việc các TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của TCTD khác nhằm ngăn ngừa phát sinh hiện tượng các TCTD cho vay khách hàng chéo để che giấu nợ xấu.

Ngoài ra, dự thảo cũng chỉ rõ trong trường hợp khoản nợ được bán cho nhiều bên thì việc quản lý khoản nợ cần được các bên thoả thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên, phân chia tài sản bảo đảm.

Trong trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ thì bên bán vẫn phải tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu.. để đảm bảo không làm phát sinh thêm vấn đề có thể gây ra rủi ro đối với các TCTD.

NHNN đề xuất “nâng cấp” Nghị quyết 42 thành Luật

NHNN đề xuất "nâng cấp" Nghị quyết 42 của Quốc hội, vốn sẽ hết hạn vào tháng 8 năm 2022, thành Luật xử lý nợ xấu.

NHNN hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xử lý nợ xấu. Theo đó, NHNN đề xuất trình Quốc hội xây dựng “Luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập” để xử lý nợ của các TCTD.

Cơ sở xây dựng sẽ kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 (do Quốc hội ban hành năm 2017 về xử lý nợ xấu) còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Một lý do quan trọng để trình Quốc hội sớm xây dựng luật xử lý nợ xấu là vì Nghị quyết 42, do Quốc hội ban hành năm 2017, sẽ hết hiệu lực vào 15-8-2022.

Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

“Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong , trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được. Đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng”, văn bản có đoạn.

Bên cạnh đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 sẽ được quy định trong Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các TCTD xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại Luật này với các luật chuyên ngành khác khi Luật này được ưu tiên áp dụng.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan, chủ yếu do việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành và một số quy định tại Nghị quyết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 2): Rủi ro trong hoạt động ngân hàng và chính sách liên quan (21/12/2021)

>   LienVietPostBank chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng (13/12/2021)

>   PVcomBank dành 6,000 quà tặng giá trị gần 1.6 tỷ đồng cho khách hàng gửi tiết kiệm (13/12/2021)

>   Chính sách ngân hàng 2021 (Kỳ 1): Những chính sách xoay quanh Covid-19 (13/12/2021)

>   Bất ngờ được chuyển 50 triệu vào tài khoản, nổi lòng tham ăn ngay quả đắng (13/12/2021)

>   SeABank được The Banker vinh danh Ngân hàng của năm 2021 (13/12/2021)

>   Siêu ưu đãi cuối năm tại Sacombank  (13/12/2021)

>   Người dân cần làm gì để thực hiện đổi thẻ ATM từ sang thẻ chip? (13/12/2021)

>   VNDirect: NIM ngân hàng có thể giảm trong năm 2022 (13/12/2021)

>   Năm 2022, người mua nhà ở xã hội vẫn được vay với lãi suất 4,8%/năm (12/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật