Thứ Tư, 01/12/2021 08:25

Cần tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 30/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS). Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không làm hình thức

“Phiên họp đầu tiên của Ủy ban có ý nghĩa hết sức quan trọng, khởi đầu giai đoạn mới trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về CĐS, với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. Từ xu thế thế giới, thực tiễn đất nước, chuyển đổi số là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, “vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, CĐS đang góp phần vào khôi phục và phát triển KTXH, phòng chống dịch có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng vao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta đã thực hiện việc CĐS, “có những mặt làm được, mặt chưa làm được”. Do đó, tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá, nêu bật những mặt làm tốt để phát huy, chỉ rõ những gì chưa làm được, tìm ra nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó, định hướng, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng cho phù hợp với tình hình, điều kiện của đất nước, để có một chương trình hành động, phương pháp tổ chức công việc thực sự khoa học, hiệu quả, không hình thức, tất cả vì lợi ích chung.

Phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu top 30 thế giới về truy cập số

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. “Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số”. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho CĐS thì sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của CĐS. Đó sẽ là những cú hích quan trọng cho CĐS thành công tại Việt Nam.

“Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Một xã hội số thì điều kiện tiên quyết là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để đạt được điều này. Bộ TT&TT đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để  Việt Nam sẽ vào nhóm đầu top 30 về truy cập số.

Thay mặt cơ quan có bước CĐS mạnh mẽ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, kết quả nổi bật là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng, là tài nguyên quốc gia đắt giá, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển CĐS, kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, Bộ Công an đã và đang phát huy hiệu quả 2 dự án này. Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công an “làm giàu” cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KTXH, phòng chống dịch bệnh.

Cũng là một ngành có CĐS mạnh mẽ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho CĐS ước tính 15,000 tỷ đồng mỗi năm. Chi phí đầu tư nguồn lực hoạt động CĐS trung bình chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động. Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số. Đồng tình với ý kiến Bộ trưởng Tô Lâm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mong muốn thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp, cho phép các tổ chức tín dụng trong hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân để mở rộng lĩnh vực CĐS.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản dựa trên “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”. Đã đến lúc cần chuyển qua trông vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh. Nền nông nghiệp từ thói quen phỏng đoán, ước chừng, cần chuyển qua ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển tải đến người nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý. Nền nông nghiệp từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.

“Trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí làng thông minh dựa trên đào tạo nông dân thông minh, nông dân số vào một trong những mục tiêu trọng điểm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. “Đứng trước đoàn tàu CĐS đang tiến vùn vụt, chúng tôi không chấp nhận để lỡ chuyến tàu, đứng lại sân ga trong tiếc nuối”.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương cho biết, đã tập trung kiện toàn bộ máy thực hiện công tác này; vận hành trung tâm điều hành thông minh. Các địa phương khẳng định quyết tâm tạo bước chuyển biến căn bản về chuyển đổi số thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đứng thứ 3 trong 63 địa phương về chỉ số CĐS năm 2020 (DTI 2020), đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, có tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện CĐS. Do đó, cần có chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Bảo đảm minh bạch, tránh tiêu cực trong quá trình CĐS là rất quan trọng, cần rà soát, có hướng dẫn cụ thể về quản lý chi phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh truyền thông về CĐS.

Người đứng đầu quan tâm thì mọi việc suôn sẻ

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong năm 2022 một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực, sát thực tế, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động CĐS ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Các chủ trương, thể chế, chính sách về CĐS là tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành.

Các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng để cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19; các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021 (01/12/2021)

>   Khảo sát của Standard Chartered: 41% doanh nghiệp toàn cầu có kế hoạch sản suất tại Việt Nam (30/11/2021)

>   Tình hình kinh tế xã hội tháng 11: Nghị quyết 128 đã và đang giúp kinh tế phục hồi (29/11/2021)

>   Tổng giám đốc WTO: Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam là một kỳ tích (29/11/2021)

>   Tư duy 'đóng, mở' (29/11/2021)

>   CPI tháng 11 tăng 0.32% so với tháng trước (29/11/2021)

>   Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022: Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3,900 USD (29/11/2021)

>   Nỗi lo lạm phát (29/11/2021)

>   Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Chống tham nhũng phải không ngừng, không nghỉ' (26/11/2021)

>   Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản lên tầm cao mới sau chuyến thăm tốt đẹp của Thủ tướng Phạm Minh Chính (26/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật