Tư duy 'đóng, mở'
Khi được một bạn phóng viên hỏi làm thế nào để giải cứu doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và giữ chân doanh nghiệp nước ngoài trong một bài phỏng vấn hồi tháng 9, tôi trả lời đơn giản “để cho họ được sản xuất trở lại” và “đừng cho mở ra rồi hai, ba ngày sau đóng lại”.
Vì sao tôi trả lời như vậy? Vì chính tôi đối mặt với vấn đề tương tự ở Anh trong giai đoạn bắt đầu mở cửa trở lại sau kỳ phong tỏa toàn quốc ở Anh vào tháng 4. Trường của chúng tôi sẽ không thể lên kế hoạch gì cho việc giảng dạy đến khi có hướng dẫn cụ thể về chuyện khi nào sẽ được dạy “mặt đối mặt” (mà thực tế là “khẩu trang đối khẩu trang” trở lại).
Chỉ đến khi rất cận khoảng thời gian Lễ Phục sinh, cụ thể là trước gần hai tuần, những hướng dẫn cơ bản mới được đưa ra. Một cuộc chạy nước rút của mấy chục ngàn con người để điều chỉnh (mặc dù có phần đoán được trước). Cũng may mọi việc suôn sẻ. Nhưng chi phí tăng thêm là tất yếu cho tất cả các khoản chuẩn bị về thiết bị mới để dạy trực tuyến sau lễ, hủy các đơn đặt hàng dịch vụ hỗ trợ các sự kiện, hủy vé máy bay của sinh viên…, trong khi phải đẩy nhanh các hoạt động dạy và thi trực tuyến (và tất nhiên là chi tiền cho phía dịch vụ trực tuyến).
Bất định, không đoán trước được chính sách là thứ mà các tổ chức, đặc biệt là tổ chức kinh doanh sợ nhất. Vì mỗi một điều chỉnh là một khoản tiền khổng lồ chi ra để thay đổi. Nếu chính sách thay đổi như kiểu bật, tắt công tắc thì không có doanh nghiệp nào có thể chịu nổi.
Nói vậy để thấy, câu chuyện Hà Nội định thực hiện rồi bỏ quy định cách ly người về từ TPHCM, cũng như câu chuyện TPHCM cho phép quán bar, spa, karaoke… hoạt động trở lại được hai ngày rồi đột ngột dừng sẽ gây tổn hại đến tiến trình hồi phục kinh tế như thế nào.
Hoạt động của doanh nghiệp, kế hoạch di chuyển, làm ăn không phải như cái công tắc điện mà cứ bật, tắt là được. Mỗi lần bật, tắt như vậy đó là “tiền không”, một người bạn làm kinh doanh dịch vụ spa ở TPHCM cho tôi biết. Công ty anh mới chi tiền để chạy quảng cáo mở lại hoạt động kinh doanh, giờ cả anh và đối tác đều chưa biết làm sao. Một số nhân viên của anh vừa mới quay lại TPHCM để làm việc. Giờ anh biết nói sao với họ?
TPHCM là nơi mà kinh tế về đêm, kinh tế phi chính thức hay kinh tế vỉa hè đóng vai trò rất quan trọng trong sự sôi động của thành phố. Nay nền kinh tế đó đang “thở oxy” sau đợt giãn cách xã hội chặt chẽ dài ngày. Và trong các kế hoạch mở của lại nền kinh tế, không biết những người dân đó sẽ hoạt động kinh doanh trở lại thế nào với tư duy “đóng, mở” như vậy.
Tư duy “đóng, mở” nền kinh tế vẫn đang lẩn khuất đâu đó trong các phát biểu về “sản xuất phải an toàn”, cũng như những cách nghĩ vùng xanh mới sản xuất ở giai đoạn đầu mở cửa trở lại. Nay thì cả nơi có tỷ lệ người tiêm hai mũi vaccine cao rồi cũng chưa thể được hoạt động bình thường.
Với tình trạng thiếu vaccine, sự lo sợ các ca bệnh tăng ở nhiều địa phương, cũng như quan điểm “phải an toàn” thì chúng ta rất dễ đi vào trạng thái mở ra rồi số ca tăng lên là lại đóng lại. Những vùng xanh có thể chuyển sang vùng đỏ trong thời gian rất ngắn. Những địa phương đang an toàn, “sợ hãi” người về từ TPHCM rồi cũng có thể gặp trạng thái đó. Lúc đó họ sẽ nghĩ gì khi mà người ta cũng hành xử kiểu “ở đây không bán cho người Sài Gòn” như một nơi nào đó ở Đà Lạt?
Vaccine không phải thần dược. Những nơi đã tiêm đủ hai mũi ở mức trên 70% như châu Âu hiện nay vẫn có số ca tăng mạnh, và một số nước như Áo vừa phải phong tỏa toàn quốc trở lại. Nhưng khái niệm phong tỏa của họ “nhẹ” hơn ta rất nhiều. Họ không cách ly tập trung những người khỏe mạnh, và nhiều hoạt động trong phong tỏa của họ còn bình thường hơn cả ở Việt Nam.
Đây là kinh nghiệm không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam thời gian qua cũng đã cho thấy rõ. Khi nào còn những suy nghĩ chỉ tập trung sợ ca bệnh tăng, thay vì số nhập viện, trở nặng và tử vong, thì rủi ro xảy ra chuyện mở cho hoạt động kinh tế vài ngày rồi lại “quay xe 180 độ” đóng lại là không nhỏ.
Để tránh tình trạng này, cần phải có một cách tiếp cận phù hợp dựa trên nền tảng khoa học và phải vượt qua nỗi sợ Covid vô hình, cũng như nỗi sợ trách nhiệm khi để ca bệnh tăng. Ai nhiễm bệnh thì ở nhà, phần còn lại không dương tính thì phải được xem như người khỏe mạnh mà tiếp tục được sản xuất, kinh doanh, làm việc.
Kinh nghiệm đợt dịch vừa rồi cho thấy việc cách ly tập trung người là F1 và F0 ở TPHCM đã làm kiệt quệ hệ thống y tế như thế nào. Khi chúng ta không có đủ nguồn lực, cách ly tập trung sẽ không còn hiệu quả nữa trong khi nó lại rút đi một nguồn lực thiết yếu cho hệ thống y tế để tập trung chữa trị ca bệnh Covid nặng, và những ca bệnh khác nữa. Bị viêm ruột thừa mà không được điều trị kịp thời cũng gây tử vong trong khi Covid không có triệu chứng ở người trẻ thì rủi ro thấp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường gần đây đã nhấn mạnh “chỉ cách ly trong trường hợp bất khả kháng hay thực sự cần thiết, và đặc biệt không được lạm dụng”. Nó phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều địa phương có vẻ vẫn đang đi ngược lại những quan điểm đúng đắn này, có lẽ là vì những nỗi sợ vô hình nào đó. Sợ virus hay sợ trách nhiệm thì không ai rõ. Nhưng dường như nhiều lãnh đạo không sợ suy kiệt kinh tế.
Không thể chống dịch bất chấp suy kiệt kinh tế vì chúng ta cần tiền để chống dịch. Và ngoài chống dịch ra chúng ta còn phải vận hành nền kinh tế để có nguồn lực chăm sóc cho y tế, giáo dục. Cuộc sống còn nhiều thứ phải lo chứ không phải chỉ có dịch Covid-19. Trầm cảm, tự tử, bất ổn xã hội do giãn cách quá chặt và dài ngày là những nỗi lo khác mà nhiều nước đã đối mặt và phải bất khả kháng lắm họ mới muốn áp dụng giãn cách lại.
Đối với nhiều nước, họ thường khôi phục sản xuất cùng với khôi phục hoạt động dịch vụ ít tiếp xúc, sử dụng công nghệ trực tuyến và dựa vào hệ thống shipper, rồi mới từng bước mở lại các hoạt động kinh tế có nhiều tiếp xúc giữa nhân viên với khách hàng như các nhà hàng ăn tại chỗ, vui chơi, giải trí.
Mỗi bước đi đều có lộ trình, và họ đặt tiêu chí là “không quay xe hình chữ U” chỉ sau vài ngày lên đầu vì làm vậy thì doanh nghiệp sẽ tổn thất rất lớn. Họ có thể trì hoãn các kế hoạch mở cửa các hoạt động dịch vụ nhiều tiếp xúc, như những sự kiện thể thao, âm nhạc, rạp chiếu phim, câu lạc bộ về đêm, chứ họ không chọn cách “thắng gấp” hay “quay xe như vậy”. Khi đã mở rồi thì họ đã phải tính toán kỹ để không mở ra chỉ vài ngày là buộc phải đóng lại. Mà chỉ là trì hoãn lộ trình mở cửa thôi đã bị báo chí chỉ trích là “quay xe hình chữ U” rồi.
Điều quan trọng hơn là ở những nước đó, như nước Anh tôi đang sống, họ cũng chi ra một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn do phải đóng cửa không hoạt động vì quy định chống dịch, dưới dạng các khoản cho vay lãi suất rất thấp hoặc là các khoản tài trợ.
Đây là tiền ngân sách rót trực tiếp cho các ngân hàng, và điều kiện tiếp cận các khoản vay này là vô cùng đơn giản, vì đây là tiền nhà nước rót cho ngân hàng giải ngân giúp qua mạng lưới ngân hàng. Nhờ những giải pháp như vậy, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động được “tiếp oxy” trong suốt 18 tháng thực hiện nhiều lần giãn cách.
Thực hiện những điều này trong điều kiện Việt Nam, có thể thấy là không hề dễ dàng…
Với nguồn lực phân bổ như vậy, với tư duy “mở, đóng”, sợ trách nhiệm, buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu ca bệnh tăng, thì tiến trình mở cửa kinh tế sẽ rất khó khăn. Trong đó, nỗi sợ “mở ra vài ngày rồi đóng lại” là vấn đề đáng lo hàng đầu. Nó không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn gây tổn thất niềm tin của doanh nghiệp và người lao động.
Tính trên phạm vi cả nước, số liệu thống kê cho thấy gần 90% doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch và 1,8 triệu người đang thiếu việc làm.
Nhiều doanh nghiệp không cần giải cứu, họ chỉ cần được hoạt động kinh doanh trở lại, và không bị “đánh úp” bởi những chính sách “đóng, mở” khó đoán.
Hồ Quốc Tuấn- Giảng viên Đại học Bristol
TBKTSG
|