Các ‘đại gia’ đấu giá thắng lớn trong năm 2021
Các nhà đấu giá thuộc nhóm “Big Three” đã đạt doanh thu kỷ lục 15 tỷ USD trong năm nay, do sự gia tăng tài sản toàn cầu và làn sóng nhà sưu tập trẻ lần đầu tham gia cuộc chơi thúc đẩy doanh số bán của tất cả mọi thứ.
Hôm thứ Hai, Christie’s báo cáo tổng doanh thu năm 2021 là 7.1 tỷ USD, cao nhất 5 năm qua. Trước đó, Sotheby’s báo cáo tổng doanh thu 7.3 tỷ USD, kết quả tốt nhất trong lịch sử 277 năm của công ty và Phillips cho biết doanh số bán hàng tăng lên 1.2 tỷ USD trong năm nay, cũng là một kỷ lục của công ty.
“Mọi danh mục đều thể hiện tốt hơn”, Guillaume Cerutti, CEO của Christie’s, cho biết.
Hồ sơ đấu giá cho thấy sự gia tăng tài sản toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, khi Chính phủ sử dụng các gói kích thích, ngân hàng trung ương nới lỏng, giá tài sản tăng vọt và nhu cầu tiêu dùng phục hồi đã tạo ra làn sóng thanh khoản lớn cho những người mua giàu có. Sự bùng nổ trong giao dịch tiền điện tử và chứng khoán trực tuyến cũng tạo ra một thế hệ mới gồm những nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có - những người bắt đầu mua trực tuyến mọi thứ, từ tác phẩm nghệ thuật, xe hơi cổ điển đến hàng xa xỉ, rượu vang, đồng hồ và kim cương.
Tác phẩm đắt nhất được đấu giá trong năm nay là bức “Femme assise pres d’une fenetre” khổng lồ của Pablo Picasso, thu về 103.4 triệu USD tại Christie’s. Cao thứ hai là “In This Case” của Jean-Michel Basquiat, với giá 93.1 triệu USD.
Thúc đẩy tất cả sự phát triển - từ những kiệt tác nghệ thuật đến giày thể thao - là một thế hệ nhà sưu tập mới chưa từng là khách hàng của các nhà đấu giá lớn. Sotheby’s cho biết 44% số người tham gia đấu giá năm nay là người mới, trong khi phân nửa số người mua tại Phillips là những người lần đầu tham gia. Tại Christie’s, 35% tổng số người mua là người mới, với 2/3 tham gia thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. 1/3 người mua mới là những người thuộc thế hệ Y.
Sự nổi lên của các mã thông báo không thể thay thế được (NFT) cũng góp phần vào doanh số bán hàng. Christie’s đã khởi động sự bùng nổ này vào tháng 3 bằng việc bán tác phẩm Everydays của Beeple với giá 69 triệu USD, đưa tổng doanh thu NFT của họ đạt mức 150 triệu USD. Trong khi đó, Sotheby’s báo cáo doanh thu từ việc đấu giá NFT là 100 triệu USD. Họ cũng ra mắt Sotheby’s Metaverse, thị trường mới cho NFT, trong năm nay.
Danh mục hàng xa xỉ, bao gồm đồng hồ, đồ trang sức, rượu vang, túi xách và các món hàng thời trang khác, chứng kiến những bất ngờ lớn nhất về giá cả và nhu cầu. Phillips có một năm thành công nhất trong lịch sử đấu giá đồng hồ khi 100% số lô hàng đưa ra đấu giá được bán sạch với tổng số tiền thu về 209.3 triệu USD.
Sotheby’s và Christie’s đều báo cáo doanh số bán hàng xa xỉ khoảng 1 tỷ USD, do những người giàu đặt giá cao hơn nhiều so với giá trị ước tính của tài sản. Tại Sotheby’s, gần 2/3 số lô hàng xa xỉ được bán với giá cao hơn ước tính. Christie’s có được kết quả trên nhờ bán những chiếc vòng tay của Marie Antoinette với giá 8 triệu USD, cùng một chiếc túi Hermes Himalaya Diamond Kelly trị giá 515,000 USD và một viên kim cương 15 carat màu hồng tím giá 29 triệu USD.
Các nhà đấu giá lớn cũng được hưởng lợi từ hình thức đang phát triển mạnh là “bán riêng”, trong đó tài sản được bán trực tiếp cho người mua mà không cần đấu giá. Doanh thu từ mảng này của Christie’s đã đạt mức kỷ lục: 1.7 tỷ USD, trong khi Sotheby’s đạt 1.3 tỷ USD.
Những người mua giàu có đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Người mua từ châu Á chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng tại Christie’s và 46% số lượng đặt mua các lô hàng có giá trên 5 triệu USD tại Sotheby’s.
“Ngày càng có nhiều nhà sưu tập và một lượng của cải khổng lồ được tạo ra trong năm qua ở châu Á. Hai yếu tố - sự giàu có mới ở châu Á cộng với tính thanh khoản và tiền điện tử - đã giúp ích rất nhiều”, Cerutti cho biết.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|