Xin đừng “thắng gấp, quay đầu”
Chỉ trong thời gian khá ngắn, từ chiều 16 đến chiều 18-11 vừa qua, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều ban hành các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 rồi lại vội vã thu hồi. Việc áp dụng các quy định chống dịch là điều đương nhiên nhưng việc chính quyền ra văn bản rồi thu hồi chỉ trong 48 giờ khiến người dân phải gánh chịu thiệt hại mà lẽ ra vẫn có thể tránh được.
Hồi tuần rồi, một người bạn tôi là nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình nội thất ở TPHCM, đã phải hủy bỏ hợp đồng trị giá gần 40 triệu đồng chụp cho hai khách hàng tại Hà Nội sau khi UBND thành phố Hà Nội hôm 16-11 ra Công điện 23 yêu cầu người đã tiêm đủ liều vaccine về từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, 4) hoặc từ nơi có số ca mắc cao như TPHCM phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú bảy ngày.
Với lịch chụp ảnh chỉ gói gọn trong hai ngày, người bạn tôi không thể dành chín ngày cho chuyến làm việc ở Hà Nội, gồm hai ngày chụp và bảy ngày cách ly. Đó là chưa kể chi phí cách ly bảy ngày tại Thủ đô cũng không ít. Điều đáng nói là khách hàng đã chốt lịch chụp ảnh song song với quá trình thi công nên họ cũng không thể chờ người chụp ảnh cách ly xong bảy ngày sau mới đến chụp.
Quyết định này của thành phố Hà Nội cũng vượt quá quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và đã gây xáo trộn không ít đến kế hoạch làm việc, giao thương, đi công tác của hàng ngàn người.
Các trường hợp tương tự như người chụp ảnh này có lẽ không ít. Thiệt hại đầu tiên của những ai có chuyến bay đến Hà Nội bị hủy là chi phí xét nghiệm đã phải làm trước ngày lên máy bay và có thể cả tiền hủy vé máy bay phải trả cho hãng hàng không. Với chi phí mà mỗi hành khách phải gánh chịu khoảng 300.000-400.000 đồng nhân cho tổng số hành khách phải ngưng bay vì lệnh cách ly ban hành đột ngột của thành phố Hà Nội thì con số thiệt hại trực tiếp không nhỏ chút nào.
Thiệt hại gián tiếp còn lớn hơn nữa, ví dụ như nhiếp ảnh gia nói trên bị mất doanh thu vài chục triệu đồng do không thể thực hiện hợp đồng với khách hàng. Phía người thuê chụp ảnh cũng sẽ phải vất vả tìm dịch vụ thay thế để “chữa cháy” làm đảo lộn kế hoạch, phát sinh thêm chi phí.
Éo le ở chỗ, chỉ 48 giờ sau đó, Hà Nội lại hủy bỏ quy định nói trên. Tối 18-11, UBND thành phố Hà Nội lại ký Công điện 24 về việc triển khai, giám sát xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ các địa bàn có dịch về Hà Nội. Theo đó, Hà Nội dừng việc triển khai cách ly tại nhà người về từ TPHCM được quy định tại Công điện 23 ngày 16-11 của UBND thành phố Hà Nội(*).
Chiều 16-11, UBND TPHCM ban hành quyết định về quy định tạm thời cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke… được hoạt động có điều kiện. Tuy nhiên, đến chiều ngày 18-11, UBND TPHCM ra tiếp văn bản chỉ đạo hoạt động kinh doanh nói trên tạm thời ngưng lại đến khi có thông báo mới.
Trong một ngày trước đó, một số cơ sở dịch vụ này đã chuẩn bị để hoạt động như thuê người dọn dẹp vệ sinh, khử trùng, xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, đặt mua hàng hóa, thực phẩm để hoạt động trở lại. Việc vừa chuẩn bị xong lại bị dừng lại cũng gây thiệt hại cho các cơ sở này.
An toàn trong phòng chống dịch luôn là ưu tiên số 1, đây là điều cần khẳng định. Tuy nhiên, các thiệt hại mà người dân phải gánh chịu cũng là điều mà chính quyền địa phương nên cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra một quyết định nhằm giảm thiểu cho doanh nghiệp, người dân những ảnh hưởng tiêu cực. Trong cả hai trường hợp Hà Nội và TPHCM nói trên, nếu chính quyền không vội vã ban hành các quyết định để rồi phải thu hồi lại, người dân và doanh nghiệp sẽ tránh được các thiệt hại không đáng có.
Song Nghi
TBKTSG
|