Vietstock Daily 24/11/2021: Tiến tới mục tiêu 1,500 điểm
VN-Index tăng điểm ấn tượng trong phiên chiều và hình thành mẫu hình nến White Closing Marubozu cho thấy bên mua đang lấy lại ưu thế. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại có sự sụt giảm so với phiên trước (22/11) và nằm dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 23/11/2021
- Các chỉ số thị trường cùng giao dịch cùng tăng điểm trong phiên ngày 23/11/2021. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 1.13%, lên mức 1,463.63 điểm; HNX-Index tăng 0.9%, đạt mức 448.6 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 840 triệu đơn vị, giảm 30.56% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 35.44%, đạt gần 117 triệu đơn vị.
- Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 226 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 2 tỷ đồng.
- VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 23/11/2021 tương đối giằng co khi tăng giảm liên tục quanh mức tham chiếu. Nhóm Mid Cap và Small Cap tiếp tục giao dịch trong sắc đỏ khiến chỉ số không thể thoát khỏi xu hướng giằng co này. Kết phiên sáng, VN-Index chỉ tăng nhẹ hơn 5 điểm. Bước sang phiên chiều, lực mua trở lại, các nhóm cổ phiếu giao dịch có phần tích cực hơn giúp chỉ số bật tăng mạnh mẽ và kết phiên ở mức điểm cao nhất trong ngày. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng 16.38 điểm, đạt mức 1,463.63 điểm.
- Cùng xu hướng với thị trường chung, VN30-Index cũng kết phiên trong sắc xanh với 16.08 điểm tăng, đạt mức 1,533.12 điểm. Bên mua chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 19 mã tăng, 9 mã giảm và 2 mã đứng giá. Nổi bật trong rổ là SSI khi cổ phiếu này kết phiên trong sắc tím. Các mã KDH, POW, GVR cùng tăng giá ấn tượng với mức tăng trung bình gần 6%. Ở chiều ngược lại, BID, HDB, VPB, CTG là những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất với mức giảm từ 1-2%.
- Về mức độ ảnh hưởng, MSN, GVR, VHM và NVL là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Những mã này góp hơn 7 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, BID, GEX và VPB là những mã có tác động tiêu cực nhất.
- Về nhóm ngành, chế biển thủy sản là ngành tăng mạnh nhất thị trường trong phiên. Các cổ phiếu ANV, IDI và CMX đều đồng loạt tăng trần, FMC và ACL leo dốc với mức tăng trên 5%, VHC tiến tốt 4.96%, ông lớn MPC cũng tăng khá tích cực với mức tăng 2.88%. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau sự sụt giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam tháng 10/2021 đã đạt gần bằng so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch 425.3 triệu USD (giảm 1.5%). Trong đó, thị trường Mỹ đạt 117.7 triệu USD, tăng 19% so với tháng 10/2020, tổng 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 892.7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái; XK tôm Việt Nam sang EU tháng 10/2021 đạt gần 74 triệu USD, tăng 13% so với tháng 10/2020, tổng 10 tháng đầu năm 2021, XK tôm Việt Nam sang EU đạt gần 482 triệu USD, tăng 10.4% so với cùng kỳ năm 2020. Từ nay đến cuối năm, XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng và duy trì đà tăng trưởng đến quý 1/2022. Đây là thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng giá của các cổ phiếu xuất khẩu tôm trong nhóm.
- Cùng với chế biến thủy sản, chứng khoán cũng là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Trong đó, SSI, VND, AGR cùng nhau bật tăng hết biên độ. Các mã khác như SHS, MBS, TVS cũng đều tăng giá tích cực.
- VN-Index tăng điểm ấn tượng trong phiên chiều và hình thành mẫu hình nến White Closing Marubozu cho thấy bên mua đang lấy lại ưu thế. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại có sự sụt giảm so với phiên trước và nằm dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn thận trọng.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Đường Middle vẫn trụ vững
Trong phiên giao dịch ngày 23/11/2021, VN-Index tăng điểm tích cực với mẫu hình nến White Closing Marubozu, qua đó cho thấy bên mua đã chiếm ưu thế trở lại. Chỉ số giữ vững bên trên đường Middle của dải Bollinger Bands.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch sụt giảm dần trong những ngày gần đây và nằm dưới mức trung bình 20 ngày gần nhất. Điều này thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Chỉ báo MACD và Stochastic Oscillator đều đã cho tín hiệu bán nên rủi ro điều chỉnh vẫn còn.
Trong trường hợp chỉ số xuất hiện rung lắc trở lại và rơi xuống dưới đường Middle thì vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021 và đường SMA 50 ngày) sẽ là hỗ trợ quan trọng.
HNX-Index - Xuất hiện mẫu hình Hammer
Trong phiên giao dịch ngày 23/11/2021, HNX-Index xuất hiện mẫu hình nến Hammer sau khi về gần đường Middle của dải Bollinger Bands. Tín hiệu này cho thấy bên mua đã chiếm được ưu thế khi chỉ số về test hỗ trợ.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh so với những phiên trước đó và nằm dưới mức trung bình 20 phiên. Điều này cần phải được cải thiện để chỉ số có thể tăng trưởng bền vững trở lại.
Chỉ báo MACD đã xuất hiện tín hiệu bán. Bên cạnh đó, chỉ báo Stochastic Oscillator đang về gần mức 80. Nếu chỉ báo rơi xuống dưới mức này thì tình hình sẽ không mấy lạc quan.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index đang nằm trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng trong phiên giao dịch ngày 23/11/2021. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ được hạn chế.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/11/2021
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|