Chứng khoán Tuần 15-19/11/2021: Phiên cuối tuần biến động mạnh
Nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap đã không thể tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên. Do vậy, VN-Index đã kết thúc tuần với mức giảm 21.02 điểm, về lại mốc 1,452.35 điểm.
Khối lượng giao dịch tăng mạnh trên cả hai sàn HOSE và HNX cho thấy nhà đầu tư vẫn đang giao dịch rất tích cực trong tuần này (15-19/11). Tuy vậy, VN-Index trong giai đoạn này đang có nhiều rủi ro giảm điểm, nhà đầu tư cần phải thận trọng cho các quyết định đầu tư của mình.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 15-19/11/2021
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 1.19% xuống mức 1,452.35 điểm; HNX-Index giảm sâu ở mức 3.15%, còn 453.97 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số lại có những con số trái ngược nhau, VN-Index giảm tổng cộng 1.43%, HNX-Index thì lại tăng 2.79%
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 1.13 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 11.65% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 191 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 22.47%.
Đà tăng của VN-Index trong thời gian vừa qua có sự hỗ trợ không nhỏ của nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap. Nhưng tuần giao dịch 15-19/11, nhóm cổ phiếu này đã có nhiều phiên giảm giá mạnh, do đó không thể tiếp tục kéo thị trường đi lên, trong bối cảnh sự phân hóa giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa kết thúc. VN-Index khởi đầu tuần với mức tăng nhẹ 0.22%. Nhưng những phiên còn lại trong tuần VN-Index lại giằng co và tăng giảm xen kẽ nhau, giao dịch quanh mức 1,465-1,476 điểm. Trong phiên cuối tuần, VN-Index chứng kiến đợt xả hàng mạnh ở nhiều cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua. Và lại một lần nữa, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc níu giữ VN-Index không bị mất quá nhiều điểm. Thị trường trong phiên cuối tuần có thời điểm giảm hơn 35 điểm, nhưng cuối phiên đã kịp hồi lại đáng kể, để kết phiên với mức giảm 17.48 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 21.02 điểm (giảm 1.43%), về lại mức 1,452.35 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp cho cả tuần, HPG, GAS và GVR là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, tổng cộng gần 17 điểm giảm. Đà kéo lên ít ỏi của BID, HDB hay SSI không đủ để bù đắp những điểm giảm trên.
Nhóm ngành chứng khoán nối dài đà tăng của mình sang tuần thứ 4 liên tiếp, mức tăng cả tuần qua ở mức 8.4%. Cổ phiếu VND, VCI, SHS, HCM hay SSI trong tuần qua đều tăng mạnh trung bình hơn 7%. Toàn bộ 25 mã cổ phiếu trong nhóm chứng khoán trong tuần vừa rồi đều kết thúc cả tuần trong sắc xanh.
Nhóm khai khoáng tuần vừa rồi sau thời gian ngắn tăng nóng đã quay đầu giảm mạnh 8.02%, với sự điều chỉnh của nhiều cổ phiếu liên quan tới dầu khí. Đà giảm này có thể đến từ diễn biến giá dầu giảm trong tuần vừa rồi, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo về tình trạng dư cung sắp xảy ra và khi số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu làm tăng nguy cơ suy giảm nhu cầu phục hồi. Giá cổ phiếu PVD cả tuần giảm 7.17%, PVS giảm 10.77% và PVC sụt giảm 4.38%. Ngoài những cổ phiếu liên quan tới hoạt động khai thác, cổ phiếu phân phối xăng dầu là GAS, cũng đã mất hơn 10% giá trị.
Nhóm vật liệu xây dựng đang cho thấy một bức tranh u ám khi tuần vừa rồi đã liên tục giảm mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu thép. Giá thép toàn cầu đã bắt đầu cho tín hiệu quay đầu giảm, do vậy mà các cổ phiếu thép tại thị trường Việt Nam như HPG, POM, NKG hay HSG đều đồng loạt đỏ lửa. Xét tổng cộng cả tuần, cổ phiếu HPG giảm 12.09%, cổ phiếu POM giảm 9.79%, NKG còn thê thảm hơn khi giảm gần 16%,… Nhóm vật liệu xây dựng trong tuần qua đó đã bị kéo giảm gần 11% giá trị.
Nhóm ngân hàng nếu nhìn cho cả tuần sẽ không có gì đáng chú ý, khi hầu như đứng im tại chỗ với mức tăng 0.05%. Nhưng các cổ phiếu ngân hàng đã đóng vai trò làm trụ đỡ quan trọng giúp VN-Index không giảm mạnh ở phiên cuối tuần. Ở phiên này, chỉ riêng cổ phiếu BID là giảm nhẹ 0.22%, các mã ngân hàng còn lại đều đồng loạt hút dòng tiền đầu tư và tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là HDB, với mức tăng kịch trần. Các cổ phiếu ngân hàng tăng giá tốt ở phiên cuối tuần có thể kể đến như TCB, CTG, TPB, VIB,..
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,057 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 955 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 102 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là TVB và X20
TVB tăng 19.69%: TVB công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, tính lũy kế 9 tháng đầu năm, TVB đã hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Theo đó, tổng doanh thu sau 9 tháng đạt 305 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ và vượt 27% so với kế hoạch năm. Qua đó, TVB đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 12/11, thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng lần lượt 188% và 300% so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam, kết quả kinh doanh khởi sắc cũng là nguyên nhân đã thúc đẩy giá cổ phiếu TVB tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
X20 tăng 32.2%: Đối lập với suy nghĩ dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đà tăng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp dệt may, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của toàn ngành lại cho thấy tín hiệu khả quan. Trong đó, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của X20 cũng khá tích cực khi tăng 44.22% doanh thu thuần và tăng 3.27% lợi thuận ròng so với cùng kỳ 2020. Trong tuần qua, diễn biến giá của cổ phiếu X20 cũng rất tích cực khi tăng hơn 32%, tiến lên mức giá 15,600 đồng/cp.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là NKG
NKG giảm 15.75%: Với diễn biến giá thép xây dựng trên thế giới hạ nhiệt trong thời gian qua, kéo theo đó thì giá các cổ phiếu thép trong nước cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong tuần qua, NKG giảm mạnh hơn gần 16%, xuống còn 42,000 đồng/cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|