Nhịp đập Thị trường 18/11: VN30 giảm do short phái sinh, VN-Index bị vạ lây
VN30 giảm sâu sau ATC, VN-Index đang xanh, chuyển màu đỏ vào cuối phiên chiều nay. Tuy nhiên trên HOSE, diễn biến này chỉ ảnh hưởng chủ yếu lên Large Cap, ngược lại trên 2 nhóm Mid & Small Cap, số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn hẳn số giảm giá.
Đợt ATC khởi đầu trên nhóm VN30 không có chất lệnh nhiều bất thường, ngoại trừ 2 mã HPG (bên bán) và SSI (bên mua). Thậm chí việc chất lệnh trên HPG và SSI cũng không bất thường luôn, nếu liên hệ với khoảng thời gian giao dịch trước đó (HPG đã bị xả bán, còn SSI dư mua trần). Với điểm chỉ số VN30 đang thấp hơn tham chiếu, tình hình đặt lệnh nghiêng nhẹ về phía bán. Tuy nhiên, đến gần sát thời điểm khớp lệnh, lệnh bán ATC đổ ra nhiều hơn, áp đảo lệnh mua ATC, nhất là ở các mã ngân hàng như ACB, MBB, STB, TCB hay VPB.
Lệnh bán đổ vào không ngừng nghỉ và nhiều hơn hẳn lệnh mua cho đến phút cuối. Và khi khớp cuối ngày, VN30 mất thêm 9 điểm so với thời điểm ngay trước đợt ATC, cũng như mất tổng cộng hơn 16 điểm so với cuối ngày hôm qua. Trên nhóm này có đến 23 mã giảm giá, so với 6 mã tăng giá mà thôi.
Khi bước vào đợt ATC, trên bảng giá phái sinh, giá HĐ sắp đáo hạn VN30F2111 bất ngờ thấp hơn đến 8 điểm so với điểm chỉ số cơ sở. Tưởng chừng đây là lỗi GD nào đó, nhưng cuối cùng, tức vào thời điểm HOSE khớp lệnh đóng cửa cuối ngày, giá hợp đồng quay lại mức rất sát với điểm chỉ số VN30.
Môi giới chứng khoán tiếp tục là nhóm ngành nóng nhất sàn HOSE chiều nay, với SSI và nhiều mã khác tăng trần, như AGR, BSI, CTS, TVB hay VIX. VND ngược lại, chỉ tăng có 4.4% dù cũng từng chạm trần ngay từ đầu phiên chiều.
BĐS và xây dựng cũng là 2 nhóm ngành tăng nóng trên HOSE chiều nay, khi có rất nhiều cổ phiếu tăng giá trên 5%, đặc biệt là các mã Mid và Small Cap. Ngược lại, sắt thép, ngân hàng, xăng dầu là các nhóm ngành lớn nhưng lại có nhiều cổ phiếu giảm.
Diễn biến đợt ATC trên HOSE không ảnh hưởng gì đến chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM. Cộng với diễn biến của chính 2 nhóm Mid và Small Cap trên HOSE, dường như sự giảm điểm của VN30 index là nhằm để phục vụ phe short bên phái sinh.
Chỉ số HNX-Index gần như đi ngang suốt phiên chiều và treo cao hơn tham chiếu đến 1,25% vào lúc đóng cửa. Trong số Large Cap sàn này, CEO vẫn không chịu rời khỏi trần, THD và IDC tăng nhẹ, 1 số mã liên quan đến dầu khí giảm giá, nhưng rõ ràng những cổ phiếu nhóm chứng khoán niêm yết nơi đây là lực đỡ lớn cho chỉ số trong phiên chiều, bao gồm BVS, SHS, MBS…
Chỉ số sàn UPCoM có vẻ chịu ảnh hưởng đôi chút từ HOSE trong khoảng giữa phiên chiều, nhưng sau đó bật tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Trên sàn này, có đến 47 mã tăng trần, trong tổng số 220 cổ phiếu tăng giá. Thậm chí nếu tính thêm những mã không tím trần, nhưng tăng từ 10% trở lên thì còn nhiều hơn nữa. Chỉ có điều, đa số những mã tăng hơn 10% hoặc tím này đều là cổ phiếu nhỏ, hoặc rất lạ lẫm.
Hôm nay rõ ràng có lực bắt đáy ở các cổ phiếu nhóm sắt thép, chỉ có điều lực mua không đủ để giúp hồi giá. Không ít cổ phiếu, bao gồm cả các mã hàng đầu như HPG, HSG và NKG đều có mức giá đóng cửa thấp hơn cả cuối phiên sáng. Đặc biệt HSg giảm giá đến 6.1% cũng là mức giảm mạnh nhất trong cả ngày. Khối ngoại bán ròng mạnh ở 3 mã trên có thể là 1 yếu tố dẫn đến giảm giá, tuy nhiên cũng cần chờ thêm đến ngày mai để xác định nhóm này có chịu tác động bởi tin tức tiêu cực nào hay không. Dù sao lượng khớp khủng trên các mã này cũng là yếu tố được coi là tích cực, ít nhất đối với giới PTKT.
Phiên sáng: VN-Index lại lập đỉnh, dù giữa phiên giảm bất ngờ
Xu thế tích cực quay trở lại sau 11h sáng nay, VN-Index tăng cao nhất vào gần trưa và vượt 1.480 điểm. Chỉ số nhóm VN30 dù vẫn dưới tham chiếu, nhưng rõ ràng cũng góp phần đẩy VN-Index. HNX-Index cũng nhân cơ hội tăng cao, trước khi bước vào phiên chiều, có đáo hạn phái sinh.
Diễn biến cuối phiên sáng nay trên nhóm VN30 dẫn đến khó dự báo cho giá đóng cửa của hợp đồng phái sinh chuẩn bị đáo hạn – Vn30F2111. Hiện giá hợp đồng này đag tháp hơn điểm số cơ sở chừng 2 điểm, và trong cả phiên sáng , giá hợp đồng này bám rất sát điểm chỉ số.
SSI đã tăng trần, còn VND thì chưa. Cả 2 đều bị khối ngoại bán ròng, nhưng diễn biến hôm nay dĩ nhiên thuộc về NĐT nội địa. Lượng khớp trên SSI cũng đã tăng đột biến. Đồng thời trong nửa cuối phiên sáng, NĐT cũng lại nổi lòng tham với rất nhiều Cổ phiếu còn lại trong nhóm chứng khoán này, không ít mã tăng hơn 4-5% và hơn như AGR, BSI, BVS, CTS, HCM, SHS, VCI, VIX, WSS…
Sự chênh lệch về mức tăng điểm của VNIndex và VN30 còn đến từ 1 số largecap nằm ngoài nhóm Vn30 như VND, DIG, GEX, DGC…
Nhóm VN30 vẫn có đến 15 mã giảm giá vào cuối phiên sáng, tuy nhiên các cổ phiếu ngân hàng trong nhóm này lại tăng giảm giá khá cân bằng, chứ không còn giảm mạnh như lúc giữa phiên. Ngoài ra, mọi ánh mắt chắc có lẽ vẫn đổ dồn vào HPG, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm này, tiếp sau là GAS. VIC vẫn giữ mức tăng nhẹ 0,7%, có lẽ do thông tin tập đoàn chỉ IPO Vinfast trên đất Mỹ sau 1-2 năm nữa (theo Reuters).
Nhóm BĐS đã có nhiều mã tăng mạnh trong nửa cuối phiên sáng nay, ví dụ như DIG, DXG, HDG, DXS, NDN, ITC, SCR, SGR, QCG, HQC, HAR… CEO vẫn tăng trần, chắc không cần nhắc lại nhiều lần nữa.
Nhóm ngân hàng vẫn phủ nhiều sắc đỏ trên HOSE dù 1 số mã lớn đã dấu hiệu tăng tích cực như BID, HDB hay CTG.
Nhóm xây dựng cũng được coi là tăng nóng, với 54 mã tăng giá, mức tăng bình quân 3,5%, nhưng đa số cổ phiếu lại nằm ở HNX và Upcom. Đã có không ít cảnh báo về sóng đầu cơ FOMO trên những loại cổ phiếu lạ lẫm kiểu này, nhưng rõ ràng sáng nay vẫn có không ít người đổ tiền mua tiếp.
Lực cầu bắt đáy đã có trên nhiều cổ phiếu sắt thép, nhưng có vẻ còn hơi sớm. Đến cuối phiên sáng nay, HPG vẫn giảm hơn 2%, HSG và NKG giảm hơn 4%, 1 số cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn cũng giảm tương tự hay mạnh hơn, như TVN, SMC, TLH hay KMT. Tuy nhiên bất ngờ là số ít mã tăng như SHI hay KVC.
Dầu khí nhà PVN cũng được coi là có diễn biến tiêu cực sáng nay, với đa số cổ phiếu giảm giá, với mức giảm bình quân khoảng 1,5%. Các mã giảm đáng kể là GAS, BSR, DPM, CNG, PGS, PVC, PVG… Giá dầu Brent future hiện đã xuống dưới 80 USD/thùng, dù từng cao hơn 83 USD/thùng trong vòng 5 ngày qua.
11h: Large Cap kéo VN-Index giảm sâu
VN-Index bất ngờ giảm nhanh và sâu, xuống dưới đường tham chiếu sau 10h, rồi sau đó hồi lại về tham chiếu. Tương đồng trên biểu đồ chỉ số nhóm VN30 cho thấy đây chính là nhóm gây ra sự sụt giảm của VN-Index. Tuy nhiên, nhiều chỉ số các sàn châu Á khác sáng nay cũng đỏ trong sáng nay, đây có thể là một yếu tố dẫn đến sự sụt giảm của VN-Index.
Nhóm VN30 đang có đến 20 mã giảm giá, tất nhiên vẫn trừ ra 1 số ít tăng đáng chú từ đầu phiên như SSI, VIC, VRE, POW hay HDB. Cổ phiếu giảm giá sâu nhất nhóm này là HPG, tiếp đến là GAS và MBB. Ngân hàng góp nhiều cái tên trong nhóm giảm giá ở đây.
Nhóm sắt thép có lẽ trở thành tâm điểm của NĐT trong nửa đầu phiên sáng nay, khi rất nhiều mã… giảm giá. Các đại gia như HPG, NKG hay HSG đều giảm mạnh 4-5%, có lúc hơn, như NKG từng giảm gần 6%. Khối ngoại bán ròng trên cả 3 CP lớn này, và đây có thể là yếu tố gây giảm giá. Nhiều mã nhỏ hơn như POM, SMC, TLH… cũng giảm theo. Tuy nhiên có vẻ như lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, và giá nhiều CP nhóm này, kể cả 3 đại gia trên, đã hồi lại không ít vào thời điểm này.
Nhóm ngân hành trên HOSE đến giữa phiên sáng nay có đến 13 mã giảm giá, so với chỉ 3 mã tăng là HDB, STB và MSB. Dù không phải là nhóm có diễn biến tệ nhất, nhưng rõ ràng ngân hàng cũng đang khiến bao NĐT tiếc nuối khi đi ngang hay giảm nhẹ từ đầu tháng đến giờ.
Nhóm Môi giới chứng khoán tiếp tục có diễn biến tích cực, với đa số sắc xanh, tuy nhiên nhiều mã giảm đà tăng, nhường lại cho cuộc đua song mã giữa SSI và VND. SSI đã nâng đà tăng giá lên gần 6%, nhưng VND tăng còn cao hơn, trên 6%. Khối ngoại nhân cuộc đua này mà bán ròng mạnh trên cả 2 mã.
Chỉ số HNX-Index cũng bị vạ lây từ VN-Index, khi giảm về tham chiếu. May mắn là chỉ số không giảm sâu, và vẫn còn được CEO và nhiều Large Cap nhóm chứng khoán nâng đỡ như SHS, BVS, MBS. THD và PVI đã chuyển qua sắc đỏ.
Chỉ số UPCoM-Index dường như.. chả liên quan gì đến VN-Index, khi tiếp tục đi ngang bên trên tham chiếu. Nhóm xây dựng đóng góp nhiều mã nhỏ tăng hơn 10% trên sàn này. Có vẻ như dòng vốn nóng lại tiếp tục đổ vào các cổ phiếu ở sàn Upcom, không chỉ trên nhóm xây dựng, mà còn ở các nhóm như VLXD và nội thất, khai khoáng, vận tải hành khách, môi giới chứng khoán, đào tạo và việc làm…
Mở cửa: Chứng khoán tiếp tục cuộc đua, VIC hút NĐT sau show diễn xe điện
VN-Index mở cửa sáng tăng gần 4 điểm với lực đỡ từ các mã vốn hóa lớn trong các nhóm BĐS, chứng khoán. Không ít mã tăng nóng đầu phiên sáng nay cũng là những mã tăng nổi bật chiều qua. Diễn biến sàn chứng khoán Mỹ đêm qua không ảnh hưởng gì mấy lên sàn chứng Việt Nam sáng nay.
Cuộc đua song mã trong nhóm ngành chứng khoán, SSI và VND tiếp tục nóng khi tối qua SSI ra tin có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 15,000 tỷ đồng, qua việc chào bán thêm cổ phiếu. Sáng nay 2 mã này đã chất lệnh mua ngay từ ATO, đến thời điểm khớp lệnh SSI tăng gần 5%, còn VND tăng gần 4%. Điều quan trọng hơn, cả nhóm chứng khoán đều “hưởng lợi” khi cùng tăng giá. Thống kê 3 sàn, nhóm này có 29/34 mã tăng giá, còn trên HOSE là 14/14 tăng giá.
VIC tất nhiên là thu hút sự chú ý ngay từ sáng sớm, khi doanh nghiệp đã livestream buổi giới thiệu 2 dòng xe điện tại cuộc triển lãm ô tô tại Los Angeles (Mỹ) sáng nay. Tuy nhiên giá cổ phiếu này mở cửa tăng nhẹ dưới 1% (chiều qua đóng cửa tăng 1,6%).
Chỉ số nhóm VN30 đầu phiên chỉ tăng chưa đến 1 điểm. Vẫn có khoảng cách đáng kể giữa chỉ số nhóm này với VNindex, do VN30 không “chứa” 1 số Larga Cap tăng nóng như VCI, VND, DGC, BCM, GEX… Tương quan tăng giảm giá nhóm này khá cân bằng ngay từ đầu phiên, tức có nhiều mã giảm.
Nhóm ngân hàng phân hóa ngay từ đầu phiên, lần này các ngân hàng có gốc nhà nước như VCB, BID sớm tăng nhẹ ngay ATO, nhưng nhiều ngân hàng tư nhân lại đỏ từ sớm.
Chỉ số HNX-Index tiếp tục tăng mạnh hơn hẳn VN-Index ngay từ sớm, một phần do xu thế thị trường chung, một phần khác do CEO tiếp tục bám cứng trần, và THD tăng 2%. Ngoài ra, sau thời điểm ATO bên HOSE, nhiều Large Cap khác của sàn HNX cũng tăng nhẹ loanh quanh 1-1.5% như MBS, PVI, SHS, BVS…
Nhóm BĐS công nghiệp tiếp tục nổi sóng tại ITA, BCM, PHR. Đây cũng là những cổ phiếu tăng mạnh cuối phiên chiều qua. Ngoài ra, đáng chú ý có thêm SNZ.
Nhóm sắt thép tiếp tục suy giảm trên diện rộng sau ATO, khi hàng loạt tên tuổi lớn như HPG, HSG, NKG … giảm giá. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, rõ ràng sắt thép là nhóm có diễn biến tệ nhất, khi so với các nhóm ngành lớn khác trên sàn, cho dù nhiều doanh nghiệp vẫn SXKD ổn định.
Hoàng Nam
FILI
|