Thứ Năm, 18/11/2021 13:20

Thất bại của hệ thống an sinh xã hội

Đỉnh dịch ở TPHCM có thể xem là đã tạm lui nhưng hậu quả của nó quả thật quá nặng nề. Những đứa trẻ mồ côi, những người may mắn thoát chết trong gang tấc, những người tháo chạy khỏi thành phố, những doanh nghiệp phá sản,… Tất cả chúng ta đều thấy bị tổn thương và day dứt với những câu hỏi tại sao lại ra nông nỗi này?

Tôi đã đến các chốt chặn, các cửa ngõ thành phố và xót xa nhìn đồng bào mình bất chấp mọi rủi ro, lũ lượt rời bỏ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để trở về quê. Họ đã rời bỏ nơi mà họ từng cho là “quê hương thứ hai” bằng bất cứ phương tiện gì, từ xe máy, xe đạp, xe ba gác và cả đi bộ.

Hiện nay, dịch đã tạm thời được kiểm soát, các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp cũng đã tái khởi động; nơi thì tiếp nhận được 40-50% công nhân, nơi nhiều nhất cũng chừng 60%, trong khi các ngành dệt may, gỗ, da giày, điện tử cần công nhân cho đơn hàng cuối năm. Vì thế, rất nhiều người đã “khăn gói” quay lại nơi mà trước đó hai tháng họ rời đi.

Trước khi viết bài này, tôi đã hỏi hai người bạn là giáo sư Mela ở Malaysia và giáo sư Nawar ở Indonesia xem ở các thành phố lớn của Đông Nam Á có xảy ra tình trạng tương tự không. Câu trả lời là có người di chuyển ra khỏi các thành phố về các vùng nông thôn, đảo nhỏ nhưng chủ yếu là để tránh dịch, chứ không có chuyện người lao động ồ ạt hồi hương, bởi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở các nước này khá tốt. Lương của công nhân đủ tích lũy dự phòng cho những rủi ro.

Bất cứ quốc gia nào cũng có một hệ thống an ninh xã hội nhằm đảm bảo cho mỗi con người và cả xã hội không bị rơi vào đường cùng. Có thể ví các loại quỹ như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ nhân thọ, quỹ vì người nghèo… như một tấm đệm hơi trong các sự cố hỏa hoạn.

Có thể là so sánh khập khiễng, nhưng nên biết người thất nghiệp của Đức mỗi tháng nhận được 1.000-1.200 eruo, ở Mỹ khoảng 800 đô la… Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan đều có khoản này, đảm bảo để người thất nghiệp sống được với mức sống cơ bản là 10-12 đô la Mỹ/người/ngày. Người thất nghiệp nhận khoản tiền này không phải làm đơn qua xét duyệt bởi nó nằm trong luật định, chính phủ cứ thế mà làm.

Đại dịch cho thấy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta hoạt động kém, không hiệu quả và cơ chế hoạt động rất phức tạp. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên từng nhận định: “Trong đại dịch đã nhận thấy rõ hạn chế, yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong bộ máy mà điều kiện bình thường khó nhìn thấy”.

Đúng là Nhà nước trung ương, cũng như chính quyền các tỉnh thành không có nhiều tiền, nhưng rõ ràng nếu biết huy động các nguồn lực do Nhà nước quản lý vào cuộc đúng thời điểm, đúng mức thì người lao động nhập cư sẽ nhận được nhiều hơn, đủ để mang lại sự an tâm bám trụ. Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá rằng các quỹ đều “có kết dư lớn”.

Năm 2020 Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 89.100 tỉ đồng, Quỹ bảo hiểm y tế kết dư 33.000 tỉ đồng, Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư gần 1 triệu tỉ đồng…; năm 2019 quỹ của Tổng Liên đoàn lao động còn 29.000 tỉ đồng. Những đồng tiền này không phải do các tổ chức nắm quỹ làm ra mà do chính người lao động đóng góp hàng năm, nhưng trong đợt dịch vừa qua đã chi trả ngược lại cho người đóng góp là bao nhiêu?

Mãi đến đầu tháng 10, được sự đồng ý của Quốc hội, Chính phủ trích ra 30.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thật ra, số tiền này không nhiều, chỉ là như muối bỏ biển; đã vậy vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người không nhận được.

Trong hơn hai năm bị dịch bệnh hoành hành, TPHCM đã tung ra ba gói hỗ trợ 587 tỉ đồng; 886 tỉ đồng và 7.300 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có gói hỗ trợ của Chính phủ qua Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Giả sử, một người tại TPHCM được nhận tất cả các gói hỗ trợ với mức tối đa thì cũng chỉ chừng 7 triệu đồng cho bốn tháng. Với số tiền đó, một người độc thân cũng khó bám trụ được, chưa kể trên thực tế còn có nhiều người bị lọt ra khỏi danh sách vì không nằm trong vùng phủ sóng của chính quyền cấp phường.

Trong kỳ họp lần này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét lại các loại quỹ và quy chế hoạt động. Sau đại dịch, Nhà nước và Chính phủ cần xem xét lại để có được một hệ thống an sinh xã hội bền vững, làm thế nào để 100% người lao động tự nguyện mua sự an sinh cho mình và người thân một cách lâu dài, làm thế nào để họ nhận thấy lợi ích và đặt niềm tin vào quỹ.

Ngược lại, quỹ cũng đặt lợi ích của người lao động lên trên hết với tinh thần phụng sự chứ không phải ban phát. Một khi quỹ đủ lớn để chăm lo cho người lao động trong bất cứ tình huống nào thì khi đó an sinh mới đảm bảo cho an toàn, an bình và an dân.

TS. Nguyễn Minh Hòa

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hơn 2.000 người trẻ Hàn Quốc mua chung một tòa nhà (18/11/2021)

>   Nhiều bệnh viện ở TP.HCM điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19 (18/11/2021)

>   Đề xuất 7 nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động (18/11/2021)

>   TP.HCM cho phép xe ôm công nghệ hoạt động lại, phải đáp ứng điều kiện gì? (17/11/2021)

>   Tận dụng cơ hội cơ cấu lại lao động sau dịch COVID-19 (17/11/2021)

>   TP.HCM cho bán thức uống có cồn tại địa bàn dịch đạt cấp độ 1 và 2 (17/11/2021)

>   Ngày 17/11 ghi nhận 9.849 ca mắc COVID-19 (17/11/2021)

>   Vội vã đổi phương án về Hà Nội sau quy định tự cách ly tại nhà (17/11/2021)

>   Ba bài tập luyện não bộ của Stanford giúp bạn luôn sáng suốt (18/11/2021)

>   “Bão” giá sẽ phải đến (17/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật