Thứ Tư, 17/11/2021 10:00

“Bão” giá sẽ phải đến

Háo hức khi được khôi phục lại sản xuất kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới chưa kéo dài bao lâu, doanh nghiệp (DN) lại đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong giai đoạn tăng tốc sản xuất mùa cuối năm.

Chi phí logistics là một trong những nguyên nhân tạo sức ép tăng giá trên toàn cầu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Gồng mình với giá

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, những tháng cao điểm dịch covid tại TPHCM, các DN trong ngành đều nỗ lực cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhưng giá bán vẫn giữ nguyên dù chịu nhiều sức ép do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Trong đó, giá nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng hơn 20%. Song với nguồn hàng dự trữ từ trước các DN vẫn có thể gồng gánh được. Đến nay nguồn nguyên liệu dự trữ hết, DN lại bước vào giai đoạn sản xuất cho mùa cuối năm nên phải nhập nguyên liệu. Nhưng giá nguyên phụ liệu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Đơn cử, bột mì nhập khẩu tăng khoảng 20%, các hương liệu khác cũng tăng giá. Chưa kể giá xăng liên tục tăng sẽ đẩy giá vận chuyển cũng như nhiều chi phí khác sẽ tăng theo. Trước đà tăng giá mạnh như vậy các DN trong ngành khó gồng gánh tiếp được. Có thể giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ tăng khoảng 10%.

Tương tự, các ngành hàng như da giày, nhựa, dệt may… cũng đang phải đối mặt với sức ép lớn từ việc tăng giá nguyên liệu, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân là dịch Covid-19 vẫn đang tác động mạnh đến sản xuất của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính của nguyên phụ liệu cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2021 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cũng cho biết chi phí đầu vào như nhập nguyên phụ liệu hiện đang tăng cao do Trung Quốc cũng có nhiều biến động vì dịch, chi phí logistics cũng tăng. Chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi giá gia công gần như không thay đổi do kinh tế các nước cũng bị ảnh hưởng bởi dịch, người tiêu dùng chưa mạnh tay mua sắm.

Tuy không phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc do nhập thêm từ nhiều nguồn như Thái Lan, Hàn Quốc hay các nước Trung Đông, nhưng theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trước xu hướng tăng giá nguyên liệu trên toàn cầu, ngành nhựa cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện giá nhập nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng mạnh, có những loại như PVC tăng tới 30% so với trước đây. Chưa kể khâu vận chuyển hàng hóa như hàng nhập từ Trung Đông trước khoảng 45-60 ngày về cảng Việt Nam, nhưng nay chậm thêm vài tuần. “Giá đầu vào tăng nhưng đầu ra không thể tăng hoặc chỉ tăng rất ít nên nhiều DN doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm để giữ khách hàng” - bà Mỹ nói.

Trước câu hỏi DN có thể tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt chi phí, với ngành nhựa là chưa thể. Nguyên liệu trong nước hiện mới chỉ cung ứng được 20% và cũng chưa đa dạng, 80% vẫn phải nhập khẩu. Chưa hết tăng giá là xu hướng chung nên nguyên liệu trong nước hiện cũng đang trên đà tăng. Có chăng nếu mua nguyên liệu trong nước thì giảm được chi phí và chờ đợi trong khâu vận chuyển.

Thực tế việc tăng giá nguyên liệu đầu vào không phải đến giờ mới bắt đầu mà đã có từ đầu năm 2021 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Song sau khi trải qua đợt dịch lần thứ 4, cộng thêm đợt “bão” giá này nhiều DN phải gồng mình để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất.

Nhiều mặt hàng chưa phục hồi

Nếu ở mảng xuất khẩu DN phải gồng mình với chi phí đầu vào nhưng vẫn đang tăng tốc sản xuất cho kịp các đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng cho mùa mua sắm cuối năm, ở thị trường trong nước nhiều mặt hàng vẫn chưa phục hồi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết cho đến nay mảng thời trang vẫn chưa phục hồi.

Dony có 2 mảng sản xuất chính phục vụ thị trường xuất khẩu và trong nước. Ở mảng xuất khẩu ngay sau dịch Dony đã tăng tốc hoàn thành đơn hàng cũ và ký kết được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu lớn sang Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản. Ngược lại ở thị trường trong nước vốn là thị trường truyền thống lại đang khá chậm. Các đơn hàng đồng phục cũng như đơn hàng gia công cho các hãng thời trang còn chậm. Hàng năm thời điểm này hầu hết DN đều đang tất bật cho các đơn hàng tết nhưng năm nay vẫn còn yên ắng.

Nhiều ngành hàng cũng lo ngại phải đối mặt với sức mua suy giảm ngay cả những nhóm hàng thiết yếu. Mùa mua sắm cuối năm đến ngay sau khi người tiêu dùng phải trải qua đợt giãn cách dài, nên chắc chắn hành vi của người tiêu dùng cũng đã thay đổi.

Bà Nguyễn Phương Nga, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, cho rằng trải qua dịch bệnh người dân lo lắng đến công việc nên ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm. Người tiêu dùng vẫn sẽ ăn tết nhưng bữa cơm gia đình sẽ có quy mô nhỏ hơn, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến cách trữ thực phẩm, đồ uống ngày tết cũng như cách mua sắm cuối năm cho cao điểm tết.

Để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhất là trong mùa cuối năm, TPHCM sẽ tổ chức chương trình khuyến mại tập trung từ ngày 15-11 đến 31-12. Chương trình do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức sẽ được áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100%, được tổ chức dưới 2 hình thức online và offline. Đối tượng tham gia chương trình là tất cả doanh nhân, thương nhân hoạt động trên địa bàn TPHCM.

Sở Công Thương kỳ vọng với mức kích cầu giảm giá tối đa, người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua sắm từ đó hỗ trợ DN trong quá trình phục hồi sản xuất sau dịch. Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương TPHCM đang kiến nghị chính quyền TP các năm tới cho triển khai chương trình khuyến mại tập trung 2 lần 1 năm, nhằm tạo thói quen mua sắm theo các chương trình khuyến mại của người tiêu dùng. 

TPHCM sẽ tổ chức chương trình khuyến mại tập trung từ ngày 15-11 đến 31-12. Chương trình do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức sẽ được áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100%, được tổ chức dưới 2 hình thức online và offline.

Thanh Dung

Sài Gòn Đầu Tư Tài CHính

Các tin tức khác

>   Hà Nội bắt buộc người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tự cách ly 7 ngày (16/11/2021)

>   TPHCM cho nhiều hoạt động được phép mở lại theo cấp độ dịch (16/11/2021)

>   Ngày 16/11 ghi nhận 9.650 ca COVID-19, 87 trường hợp tử vong (16/11/2021)

>   Ông Phan Văn Mãi: 'TP.HCM hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học trong tuần này' (16/11/2021)

>   Giá nhiều mặt hàng sắp tăng mạnh (16/11/2021)

>   Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: Không cổ xúy lạm dụng bia, rượu (15/11/2021)

>   Ngày 15.11 có 8.603 ca mắc Covid-19 trong nước (15/11/2021)

>   TP.HCM giữ nguyên cấp độ 2, chỉ có H.Cần Giờ nguy cơ dịch Covid-19 cấp độ 3 (15/11/2021)

>   Cảnh báo 2022, giá cả tăng đè nặng lên mỗi người dân (15/11/2021)

>   Năm 2022 tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân (15/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật