Giá nhiều mặt hàng sắp tăng mạnh
Đa số các doanh nghiệp sản xuất đang gặp thách thức không nhỏ trước bài toán xăng, dầu, gas, nguyên liệu tăng giá phi mã. Nhiều mặt hàng tiêu dùng dự kiến tăng mạnh.
"Mặt hàng nào cũng tăng giá, trong đó, dầu ăn là phụ liệu tăng cao nhất, khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến còn tăng cao hơn nữa", bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải - Cofidec thở dài nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết từ thời điểm đầu năm nay giá các loại nguyên phụ liệu đã tăng nhưng gần đây giá bắt đầu tăng vọt khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí.
Thực tế hiện nay, chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc đang và sẽ gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp sản xuất trong ngành lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn kép khi nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng vọt. Ảnh: Phương Lâm.
|
Doanh nghiệp rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan"
Bà Ninh cho biết công ty đang tiếp tục tuyển dụng thêm công nhân vì còn thiếu khoảng 25-30% lao động so với nhu cầu tuy nhiên vẫn rất khó tuyển dụng được. Trong khi đó, chi phí phụ liệu tăng rất cao vẫn là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Vnflour - đơn vị sản xuất và cung cấp bột mì cho các thương hiệu Vifon, Thiên Hương Food, C.P Food,... thừa nhận hiện giá xăng, gas, nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị sau dịch, đặc biệt là giá nguyên liệu.
"Giá lúa mì đã tăng thêm 30-40%, thậm chí có thời điểm lên 50% so với trước. Do đó giá bột mì cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị", bà phân tích.
Theo lãnh đạo Vnflour, tuy khâu vận chuyển vẫn còn một số khó khăn nhưng lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp là giá nguyên liệu đang tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong thời gian tới.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo Viên - Giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre - cũng cho biết hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về nguồn lao động và chi phí nguyên liệu sản xuất tăng cao. "Giá xăng dầu tăng khiến giá tất cả nguyên liệu cũng tăng theo. Lúc này đầu vào tăng mạnh nhưng đầu ra chỉ tăng không đáng kể", bà nói.
Bà Viên cho biết quan điểm của doanh nghiệp vẫn phải giữ giá bình ổn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, không thể tăng giá bán trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh.
Trước áp lực đà tăng giá mạnh, nhiều nhà sản xuất đã phải thông báo tăng giá tới các nhà phân phối, bán lẻ. Ảnh: Duy Anh.
|
Trong khi đó, bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho hay nếu thời gian tới giá nguyên liệu vẫn tăng mạnh bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá.
Hiện, sức mua đang giảm mạnh vì trường học chưa mở cửa, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng hoạt động hạn chế... trong khi tất cả chi phí đầu vào các sản phẩm đã tăng 20-30%, song đơn vị vẫn không thể tăng giá. "Chúng tôi chỉ mong sức mua của thị trường tăng lên để giữ giá ổn định chứ không mong tăng giá khi nhu cầu tiêu dùng quá thấp”, bà nói.
Không chỉ ngành lương thực, thực phẩm cảm nhận được sức nóng của giá nguyên liệu tăng vọt mà doanh nghiệp thép, gỗ... cũng trong tình cảnh lao đao về sự lên giá chóng mặt. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - cho biết đa số các nhóm vật liệu trong ngành tăng mạnh.
"Đặc biệt các mặt hàng sơn tăng rất nhanh do ảnh hưởng của giá xăng, dầu. Từ tháng 10 đến tháng 11, mỗi tuần đều tăng thêm 5%", ông thông tin.
Ông Phương cho biết doanh nghiệp đều phải điều chỉnh giá nhưng rất khó vì thông thường phía doanh nghiệp và khách hàng đều có hợp đồng niêm yết giá từ trước. "Đơn hàng vẫn rất lớn nhưng điều lo ngại lớn nhất của các đơn vị là chi phí sản xuất tăng quá cao. Thậm chí các đơn hàng mới, nhiều nhà máy cũng rất cẩn thận về chi phí", ông nói.
Theo lãnh đạo HAWA, trong thời gian tới khi chi phí sản xuất tiếp tục tăng phi mã, doanh nghiệp phải lựa chọn, thương lượng lại với các nhà cung ứng. "Ngoài ra cũng cần tìm kiếm các đơn vị cung ứng giá rẻ để tiết kiệm chi phí", ông Phương nhìn nhận.
Giá nguyên vật liệu tăng, giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản xuất đồ gỗ tăng lên. Ảnh: Minh Hoàng.
|
Tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm
Trước sức ép của đà tăng xăng dầu, gas, nguyên liệu và để đảm bảo lợi nhuận, các nhà sản xuất, bán lẻ khó có thể chịu phần chi phí tăng cao.
Thực tế thời gian gần đây, giá hàng hóa tăng không chỉ ở nhóm nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất mà ở cả các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cho gia đình đã đồng loạt tăng từ 10-30%. Giá các loại dịch vụ ăn uống cũng tăng 10-15%.
Theo khảo sát của chúng tôi, dầu ăn Happy Koki chai 1 lít đã lên mức 40.000 đồng, dầu ăn Neptune 1 lít 52.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít là 47.000 đồng. So với thời điểm đầu tháng 5, mỗi chai dầu ăn đều tăng giá 3.000-5.000 đồng/chai, tùy loại và đang có xu hướng tăng lên.
Các mặt hàng rau củ, quả, thực phẩm tươi sống cũng tăng gấp 3-4 lần. Đáng chú ý, một số loại thực phẩm thông dụng như xà lách đã lên mức 50.000-60.000 đồng/kg, cải ngọt 44.000 đồng/kg, hành lá 81.800 đồng/kg... Đây là mức giá cao hơn cả thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội vào đầu tháng 7.
Đại diện Aeon Việt Nam cũng cho biết trong thời điểm dịch bệnh từ tháng 8 đến nay giá các mặt hàng thực phẩm đã tăng do chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển đều tăng cao.
"Việc giá xăng, gas tăng mạnh ảnh hưởng nhanh nhất sẽ ở các chợ, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, còn giá các sản phẩm ở siêu thị sẽ phải có quy trình kiểm tra, trao đổi,... có khi 1-2 tháng sau mới tăng giá bán", đại diện siêu thị này cho hay.
Áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm do sự gia tăng mạnh của giá sản xuất trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng.
Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR).
|
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), tính đến cuối tháng 8/2021, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11% so với đầu năm 2021.
VEPR dự báo áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm do sự gia tăng mạnh của giá sản xuất trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng. Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu hồi phục nếu dịch Covid-19 được khống chế.
Theo Bloomberg, tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất vượt xa dự báo của giới quan sát. Đức - nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới - cũng không nằm ngoài xu hướng.
Điều đó có nghĩa là giá của mọi thứ từ thức ăn, xăng đến hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đều tăng lên. Lạm phát sẽ ảnh hưởng ngày càng nặng nề tới túi tiền của người tiêu dùng trong những tháng tới, khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.
Thanh Thương
ZING
|