Thứ Năm, 18/11/2021 20:00

Ba bài tập luyện não bộ của Stanford giúp bạn luôn sáng suốt

Tính sáng tạo cũng giống như cơ bắp. Bạn càng luyện tập nhiều thì khi làm việc bạn càng dễ nảy ra những ý tưởng và giải pháp sáng tạo.

Một trong những cách hiệu quả nhất chính là rèn luyện khả năng nhìn và để ý các cơ hội của não bộ. Bạn sẽ thường xuyên tìm thấy các nhu cầu hay vấn đề tiềm ẩn trong những hoàn cảnh bình thường xung quanh bạn, và một khi đã nhận diện được chúng thì bạn có thể sử dụng kỹ năng tư duy của mình để tìm ra giải pháp cho những vấn đề thật sự quan trọng.

Tại Viện Thiết kế Hasso Plattner của trường Đại học Stanford, các sinh viên được dạy 3 bài tập quan trọng, mỗi bài tập sẽ rèn luyện não bộ theo những cách khác nhau nhằm giúp chúng ta suy nghĩ tốt hơn, nhạy bén hơn và giải quyết vấn đề nhanh hơn:

1. Kỹ thuật mô phỏng

Khi bạn đang cố gắng nghĩ ra một ý tưởng mới mẻ cho một vấn đề cũ, bài tập “mô phỏng” (shadowing) sẽ giúp bạn quan sát một hoàn cảnh và những người bên trong hoàn cảnh đó mà không bị ràng buộc bởi những suy nghĩ mặc định trước đó.

Hãy bắt đầu bằng việc chọn ai đó mà bạn muốn hiểu thêm về cuộc sống của họ, sau đó hãy dành ra một ngày đi theo họ và làm mọi thứ họ làm.

Bạn có thể tìm được nguồn cảm hứng bằng việc “mô phỏng” một chuyên gia “đời thường”. Đó có thể là một nhân viên bảo trì nơi văn phòng bạn làm việc, người biết được những khía cạnh và nhu cầu bí mật của cộng đồng. Hay một ai đó vừa bắt đầu làm việc với nhóm của bạn và có một góc nhìn không thiên lệch về văn hóa làm việc của bạn.

Sau đó hãy suy nghĩ về những gì bạn đã quan sát được vào cuối ngày. Đưa ra thắc mắc và tìm cơ hội để dẫn đến những hành động và thay đổi tích cực:

  • Đâu là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong ngày? Tại sao?
  • Điều gì đã làm bạn ngạc nhiên?
  • Điều gì đã làm bạn sáng tỏ?
  • Sự thật khác với dự đoán của bạn ra sao?
  • Bạn đã phát hiện ra được điều gì liên quan tới mục tiêu của bạn?
  • Bạn có thể làm gì nữa để phát triển ý tưởng của mình?

2. Quan sát

Chính tại thời điểm này, bạn đang xử lý một lượng thông tin cực kỳ lớn. Não bộ liên tục bảo vệ bạn khỏi tình trạng quá tải thông tin bằng cách chọn lọc những gì bạn dung nạp. Nhưng học cách kiểm soát bộ lọc có thể giúp bạn có được sự chú ý tốt hơn và nhìn ra được những gì mà người khác có thể bỏ qua.

Hãy tìm một bức ảnh, tốt nhất là một bức ảnh chụp những cảnh sinh hoạt hàng ngày; những bức ảnh có nhiều chi tiết, nhiều đối tượng và có một chút mơ hồ về những gì đang diễn ra.

Bây giờ hãy trả lời những câu hỏi sau:

  • Chuyện gì đang diễn ra trong bức hình?
  • Bạn đã thấy được điều gì khiến bạn nghĩ như thế?
  • Bạn còn nhìn thấy gì khác nữa?
  • Bạn đã thấy được điều gì khiến bạn nghĩ như thế?
  • Lặp lại, rồi lại tiếp tục lặp lại, cứ như thế.

Có thể bạn sẽ cần đến một cuốn sổ ghi chú và thực hành bài tập này vài lần mỗi tuần. Thực hành thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu thêm về những chi tiết góp phần vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Chính những chi tiết nền mới làm cho thế giới sống động và chân thật, đây là một giá trị mà bạn sẽ muốn đem vào công việc sáng tạo của mình.

3. Tìm hiểu về những giải pháp hiện hữu

Sự mới mẻ lúc nào cũng tuyệt vời nhưng điều đó không đồng nghĩa là bạn phải luôn né tránh việc phát triển tiếp những ý tưởng của người khác. Khi bạn cố tự mình nảy ra những ý tưởng mới, bạn không biết được ngoài kia đã có những gì và thế là những ý tưởng của bạn cũng chưa hẳn là sẽ mới mẻ.

Hãy tìm đến những trường hợp gần tương tự với vấn đề mà bạn đang muốn giải quyết. Người khác đã giải quyết vấn đề tương tự đó, nhưng trong một bối cảnh khác, như thế nào?

Lấy ví dụ bạn là cha mẹ và đang cố nghĩ cách để con cái tập trung hơn trong thời gian học tập. Thử thách phải đối mặt là gì? Sự lặp lại, sự chán nản và xao nhãng. Những hoạt động nào khác cũng có cùng tính chất như thế? Trừ phi bạn là một người đam mê chạy bộ, điều bạn dễ nghĩ đến nhất chính là việc tập thể dục.

May mắn thay, đã có cả một nền công nghiệp khổng lồ chuyên tìm kiếm giải pháp để giúp con người luyện tập tốt hơn. Ví dụ như sự trỗi dậy của phong trào aerobics trong thập niên 1980 hay những lớp dạy đạp xe đạp gần đây.

Sau đó hãy tiến hành một vài nghiên cứu: Đọc các bài báo, phỏng vấn khách hàng hiện tại hay gọi cho một số công ty. Hãy tìm đủ thông tin để có thể giải đáp những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao giải pháp đó lại hiệu quả?
  • Phù hợp cho những ai?
  • Làm sao bạn biết nó hiệu quả?
  • Hiện tại người ta đã làm được gì mà trước đây họ không làm được?

Áp dụng một số phát hiện của bạn vào vấn đề hiện tại. Điều thú vị nhất bạn rút ra được từ việc nghiên cứu là gì? Hãy sử dụng những ý tưởng đó làm tiền đề để khám phá ra những cách thức mới mẻ nhằm giải quyết vấn đề của bạn và lựa chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh của bạn.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   “Bão” giá sẽ phải đến (17/11/2021)

>   Hà Nội bắt buộc người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tự cách ly 7 ngày (16/11/2021)

>   TPHCM cho nhiều hoạt động được phép mở lại theo cấp độ dịch (16/11/2021)

>   Ngày 16/11 ghi nhận 9.650 ca COVID-19, 87 trường hợp tử vong (16/11/2021)

>   Ông Phan Văn Mãi: 'TP.HCM hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học trong tuần này' (16/11/2021)

>   Giá nhiều mặt hàng sắp tăng mạnh (16/11/2021)

>   Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM: Không cổ xúy lạm dụng bia, rượu (15/11/2021)

>   Ngày 15.11 có 8.603 ca mắc Covid-19 trong nước (15/11/2021)

>   TP.HCM giữ nguyên cấp độ 2, chỉ có H.Cần Giờ nguy cơ dịch Covid-19 cấp độ 3 (15/11/2021)

>   Cảnh báo 2022, giá cả tăng đè nặng lên mỗi người dân (15/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật