Tăng gấp đôi thu nhập nhờ chuyển nghề
Martin Yanev thích không gian. Anh đã lấy bằng cử nhân, rồi thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ và trở thành kỹ sư hệ thống hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra anh đang dành nhiều thời gian để viết phần mềm trong công việc này, thậm chí còn tham gia các khóa học lập trình sau giờ làm việc để giỏi hơn. Cuối cùng, cảm thấy quá thích lĩnh vực này nên anh quyết định quay lại trường để lấy bằng thạc sĩ thứ hai về khoa học máy tính.
Anh xem sự thay đổi trên là khoản đầu tư cho sự nghiệp tương lai. “Có nhiều kỹ sư từ các chuyên ngành khác nhận thấy họ cần có kỹ năng về kỹ thuật phần mềm để hoàn thành công việc tốt hơn. Bằng thạc sĩ thứ hai về khoa học máy tính sẽ giúp tôi làm điều mình muốn trong tương lai”, Yanev nói với CNBC.
Sau khi đổi chuyên ngành, trở lại trường học và chuyển đến một nước mới, Yanev có thu nhập tăng gần gấp đôi và hiện kiếm được 70,000 USD nhờ làm kỹ sư phần mềm ở Louisville, Kentucky.
Martin Yanev
|
Yanev tăng gấp đôi thu nhập bằng cách nào
Sau khi có bằng cử nhân, Yanev rời quê hương Bulgaria đến làm kỹ sư hệ thống hàng không vũ trụ ở Southampton, Vương quốc Anh, trong gần 3 năm, với mức lương 40,000 USD/năm.
Đầu năm 2021, Yanev chuyển từ Vương quốc Anh đến Massachusetts để học sau đại học. Vài tháng sau, khi quyết định nộp đơn cho công việc kỹ sư phần mềm, anh tìm trên mạng và thấy một bài đăng trên Indeed cho công việc hiện tại.
Yanev cho biết chiến lược đàm phán lương anh thường sử dụng là lấy mức lương tối đa được quảng cáo rồi cộng thêm một ít. “Nếu một tin tuyển dụng không bao gồm mức lương, tôi sẽ tìm kiếm mức trung bình cho công việc đó ở tiểu bang đó và thương lượng để có mức tối đa”, anh chia sẻ.
Chẳng hạn, trong trường hợp này, khi phải nêu yêu cầu về mức lương, Yanev đã chọn mức cao nhất là 70,000 USD và cộng thêm 5,000 USD để xem họ trả lời thế nào. Sau vài lần đàm phán qua lại, chuyên gia nhân sự cho biết 70,000 USD là mức giới hạn tuyệt đối của họ, vì vậy, Yanev đã chấp nhận. Anh chuyển đến Louisville và bắt đầu công việc mới vào mùa xuân năm 2021.
Yanev cũng kiếm được khoảng 10,000 USD/năm khi dạy các khóa học lập trình trực tuyến, nâng mức kiếm được hàng năm của anh lên khoảng 80,000 USD.
“Tăng từ 40,000 USD/năm ở Southampton lên 80,000 USD/năm ở Louisville là một bước nhảy vọt. Tôi hạnh phúc về điều đó”, Yanev nói.
Sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn như Louisville tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng sống và khả năng chi trả của Yanev. Ví dụ, mặc dù có thể kiếm được nhiều hơn ở một thị trường cạnh tranh như San Francisco hoặc New York, nhưng anh sẽ phải bỏ ra gần 3,000 USD cho căn hộ 1 phòng ngủ. Còn ở Louisville, anh có thể tìm thấy những căn hộ 2 phòng ngủ với giá chỉ khoảng 800 USD.
Các cuộc thảo luận về tiền lương giống như “nói về thời tiết”
Yanev và nhóm của anh rất cởi mở khi thảo luận về mức lương. “Tất cả chúng tôi đều biết ít nhiều về những gì mọi người kiếm được và so với mức trung bình của thành phố thì nó như thế nào. Chuyện đó giống như nói về thời tiết, không có gì lớn”, anh nói.
Mặc dù anh tin vào giá trị của việc minh bạch về lương, nhưng sự cởi mở của anh lại phụ thuộc vào cách công ty và đồng nghiệp nhìn nhận đề tài này.
“Nếu một công ty có khung lương rõ ràng, tôi không thấy có vấn đề gì với việc họ muốn chia sẻ thông tin đó. Nhưng nếu một công ty trả lương khác nhau cho những người ở cùng một vị trí thì trong những trường hợp đó, sẽ không có lợi cho công ty nếu mọi người nói về lương của họ với đồng nghiệp”, Yanev nói.
Nhìn chung, Yanev cho rằng mọi người nên nói về số tiền họ kiếm được và cách thương lượng để được trả công. “Theo tôi, mọi người nên chia sẻ thông tin này vì nó hữu ích cho nhân viên. Thông tin về lương cũng có thể được tìm thấy trên nhiều trang web, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, cập nhật hoặc theo từng khu vực. Tôi nghĩ nhiều người muốn nghe ý kiến từ ai đó trong hoàn cảnh tương tự, giống như cùng năm kinh nghiệm hoặc làm ở một nơi tương tự”.
Mẹo thương lượng tốt nhất của Yanev dành cho những người trẻ, đặc biệt là sinh viên quốc tế như anh, là tận dụng trung tâm nghề nghiệp của trường đại học để tập phỏng vấn, tìm hiểu cách xử lý một lời mời làm việc và quy trình thương lượng.
Mục tiêu lương
Yanev nói lương của anh không nhất thiết phải cao nhưng cũng không được thấp. “Điều đó rất công bằng. Đó chính xác là những gì tôi sẽ nhận được dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Yanev đã học được cách điều chỉnh kỳ vọng tùy thuộc vào nơi anh sống và làm việc. “Sự khác biệt giữa Bulgaria, Anh và Mỹ về mức lương và mức sống rất lớn”, anh nói.
Về cơ bản, anh cảm thấy thoải mái khi sống với 80,000 USD ở Kentucky.
“Tôi có thể tiết kiệm đủ tiền để đạt được các mục tiêu và làm mọi thứ tôi muốn trong 5 năm tới. Trong vài năm tới, mục tiêu của tôi là đến một lúc nào đó kiếm được hơn 100,000 USD/năm. Tôi sẽ cảm thấy thành công nếu làm được điều đó”, anh nói.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|