Thứ Tư, 10/11/2021 21:15

Phải làm gì để “kéo” người lao động trở lại sản xuất?

Chiều ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về thị trường lao động, việc làm và cách thu hút lực lượng lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Trả lời chất vấn về giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần chung, bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng.

Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là người dân hay nói cách khác là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề. Làm sao để có chính sách, vừa tuyên truyền, xây dựng các thương hiệu tốt của các trường nghề, để học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Đối với trường nghề, phải làm sao để khi học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập tốt.

Cuối cùng, Bộ sẽ xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.

Phải làm gì để “kéo” người lao động trở lại sản xuất?

Về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Trong Báo cáo số 177 ngày 8/11 gửi Quốc hội ông đã viết rất kỹ (bốn trang) về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Trong đó, theo Bộ trưởng, có mấy vấn đề quan trọng nhất: Một là, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Ba là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine.

Về giải pháp khắc phục những hạn chế an sinh xã hội lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo như thế nào, cho người yếu thế ra sao, cho người có công thế nào, về nước sạch và vệ sinh môi trường ra sao,… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

 

Điều chỉnh đào tạo nghề để học sinh năm 2 đã có thể nhận lương

 

 

Ngoài ra, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, khôi phục lại thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần đẩy mạnh điều chỉnh đào tạo lao động theo mô hình để học sinh học nghề từ năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được nhận lương theo các quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp phải là đơn vị cần tham gia trực tiếp vào việc đào tạo người lao động.

Nhìn nhận về vấn đề liên kết đào tạo nghề, cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn còn lỏng lẻo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ, tại các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm. Tại Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học. Tại Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề qua trường lớp. Tuy nhiên, khi tuyển lao động từ trường lớp vào làm việc tại doanh nghiệp lại không đáp ứng được nhu cầu công việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Nghịch lý này đã chứng minh mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới bố trí việc làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình sẽ làm công việc cụ thể thế nào sau khi tốt nghiệp.

Bộ trưởng dẫn chứng kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động. Đặc biệt, cần sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động. “Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Minh Hồng

FILI

Các tin tức khác

>   Ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo lừa đảo (10/11/2021)

>   Ngày 10/11 ghi nhận 7.930 ca mắc mới COVID-19 tại 59 tỉnh, thành (10/11/2021)

>   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch mức tiền 1.8-5 triệu đồng (10/11/2021)

>   Trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm chính thức được quản lý giá (10/11/2021)

>   Chính phủ quyết định mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (10/11/2021)

>   Giá xét nghiệm SARS-CoV-2 giảm 30 - 50% (10/11/2021)

>   Sau khi tiếp xúc F0, cần bao lâu thì test mới có kết quả chính xác? (10/11/2021)

>   TP.HCM áp dụng khuyến mại đến 100% (09/11/2021)

>   Ngày 9/11 thêm 8,129 người mắc Covid-19, TP.HCM có 1,276 ca (09/11/2021)

>   Vì sao TP.HCM nóng lòng muốn đón khách quốc tế ngay trong tháng 12? (09/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật