Tận dụng tốt các FTA: Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 600 tỷ USD
Đại diện Bộ Công Thương dự báo năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt xung quanh con số từ 640-645 tỷ USD và duy trì xuất siêu nhẹ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong giao thương quốc tế, điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước ngày càng biết khai thác, tận dụng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Bốc xếp hàng hoá tại Công ty Cổ phần cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
|
Đặc biệt, năm 2021, xuất khẩu của cả nước tiếp tục đứng trước cơ hội tăng tốc nhanh hơn khi tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2021 có khả năng vượt kế hoạch 600 tỷ USD và giữ được mức xuất siêu.
Để hiểu rõ hơn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về nội dung này.
- Xin ông cho biết việc thực thi hai hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo những thuận lợi như thế nào đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Ông Trần Thanh Hải: CPTPP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia và thực hiện trong những năm gần đây. Cái mới ở đây không chỉ thể hiện là với những đối tác mới, ngoài những đối tác truyền thống trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á Thái Bình Dương mà nó còn là mới chỗ là các cam kết trong các hiệp định này thì đều có tầm cao hơn và sâu hơn so với những hiệp định truyền thống chúng ta đã có.
Qua 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có tăng trưởng rất mạnh. Ví dụ, với CPTPP, xuất khẩu sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng là từ 25-30%...
Với thị trường EU, trước đây Việt Nam đã được hưởng quy chế của GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập), nhưng Hiệp định EVFTA đã mở rộng và hàng hóa có thể được hưởng ưu đãi mang tính chất bền vững.
Đáng chú ý, GSP là cơ chế đơn phương và nó sẽ bị rút lại theo thời gian khi nền kinh tế phát triển hơn, nhưng EVFTA là cam kết song phương và các ưu đãi đó có giá trị tồn tại lâu dài, hai bên cùng thực hiện. Do đó, giá trị của Hiệp định EVFTA rất lớn và rõ rệt nhất là với tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua việc cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR-1 hiện nay lên đến xấp xỉ 20%.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng hiện nay thuế suất rất thấp nên các doanh nghiệp có thể không cần xin C/O mẫu EUR1 nhưng vẫn đang hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định này.
Bên cạnh đó, các lô hàng có thị giá thấp dưới 6.000 euro thì doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ, đây cũng là một thuận lợi lớn các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để xin cấp C/O.
- Doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể tự chứng nhận được các mẫu C/O thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Không có thủ tục hành chính gì liên quan đến tự chứng nhận xuất xứ sang thị trường EU, miễn là lô hàng dưới 6.000 euro thì doanh nghiệp có thể tự khai báo xuất xứ lô hàng của mình trên các chứng từ thương mại.
Dù vậy, để có thể là xác nhận xuất xứ của chính lô hàng được chính xác, hoặc để tránh trường hợp bị quy kết gian lận xuất xứ thì doanh nghiệp cần bị các kiến thức cần thiết về xuất xứ hàng hóa, xác định xuất xứ... để đảm bảo rằng lô hàng tự khai báo đó đáp ứng được tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định.
- Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song qua hơn 10 tháng, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ được mức tăng cao. Vậy ông nhận định như thế nào về mục tiêu xuất nhập khẩu 600 tỷ USD trong năm 2021?
Ông Trần Thanh Hải: Tại thời điểm này, có thể dự báo cả năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt từ 640-645 tỷ USD và duy trì một mức xuất siêu nhẹ.
Kết quả này đạt được là thành tựu hết sức to lớn bởi đặt trong bối cảnh năm 2021, Việt Nam chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19 biến thể Delta, đặc biệt, khi COVID-19 đã tấn công thẳng vào khu vực động lực sản xuất hàng hóa ở phía Nam.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi sản xuất sau dịch cũng rất là nhanh chóng và đặc biệt là những ngành thế mạnh mặc dù chịu tác động lớn (như: Dệt may, da giày…) song đà phục hồi hiện nay theo tôi cũng có thể sớm hơn.
Dự kiến từ nay đến cuối năm doanh nghiệp trong những ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch và cùng với những ngành truyền thống đã có thế mạnh như: Điện thoại, điện tử, máy móc linh kiện thì khả năng cả nước sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức khoảng từ 15-25% - con số khá ấn tượng.
- Dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Vậy theo ông, đâu là những khó khăn lớn nhất của hơn một tháng còn lại của năm và chúng ta cần phải làm gì để có thể đạt được mục tiêu như ông vừa nói?
Ông Trần Thanh Hải: Khó khăn của các doanh nghiệp ở đây trước hết là liên quan đến vấn đề về lao động, đặc biệt là với khu vực phía Nam khi mà việc kêu gọi lao động trở lại làm việc hiện nay vẫn còn gặp khó khăn và nhiều doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất do tình trạng thiếu lao động như vậy.
Ngoài ra, hiện nay cũng một phần do tác động của dịch COVID-19, thị trường nguyên liệu của thế giới cũng như logistics gia tăng chi phí.
- Cán cân thương mại của Việt Nam trong 10 tháng vừa qua:
Với COVID-19, chúng ta đã đưa ra quan điểm là thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, vì dịch bệnh chưa hết hẳn nên việc một số địa phương vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở từng nơi, từng lúc là vẫn có, điều này có thể gây ra một tâm lý bất an.
Với Nghị quyết 128/CP và sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, các biện pháp chống dịch ở các địa phương một mặt là để đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, nhưng một mặt sẽ không gây tác động quá lớn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm nhất, để làm sao có thể duy trì được đà sản xuất cũng như là hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông./.
Đức Duy
Vietnam+
|