Thứ Hai, 22/11/2021 06:18

Bít khoảng trống thu hồi tài sản tham nhũng

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đề xuất 2 giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát là luật về đăng ký tài sản và thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 (tính từ 10.2020 - 9.2021) tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Bến Tre) dẫn chứng con số thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 chỉ đạt 5% so với tổng số tiền phải thi hành, trong khi năm 2020 là 43,42%.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại Quốc hội ngày 24.10. Ảnh: Gia Hân

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết tháng 6.2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Ông đề nghị các cơ quan tiền tố tụng, cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc và kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Giải trình về vấn đề này tại Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết thời gian qua, chủ trương, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước là yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. “Thực tế những năm gần đây chúng ta có làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn”, ông Trí nhận định, song cho biết “so với yêu cầu vẫn cảm thấy chưa hài lòng”.

Từ phân tích trước bất cập “không phải dễ gì cứ muốn thu là thu (thu hồi tài sản tham nhũng - PV)”, ông Trí đề xuất 2 giải pháp theo ông là cần thiết và ông cũng đã đề xuất nhiều lần để việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.

Cụ thể, ông Trí đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng luật đăng ký tài sản. Theo ông Trí, hiện nay, Đảng, Nhà nước mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, sở hữu có hợp pháp hay không, có nguồn gốc minh bạch hay không thì “vẫn là khoảng trống rất lớn”. Nếu chưa có luật đăng ký tài sản thì các đối tượng tham nhũng sẽ sử dụng thủ đoạn che giấu, ẩn nấp bằng cách nhờ đứng tên và các cơ quan chức năng “không đụng vào được”. “Mặc dù biết khi không giải trình được nguồn gốc thì rõ ràng là tài sản bất minh, nhưng chúng ta cũng không thu hồi được. Nếu không có luật thì chỗ trống đó vẫn là khó khăn đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát”, ông Trí nói.

Biện pháp thứ 2, ông Trí kiến nghị Chính phủ cần có lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức tốt nhất, đặc biệt là trong xu hướng thanh toán trực tuyến hiện nay. Theo ông Trí, các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng và thu hồi tài sản từ tham nhũng mới tốt được. “Nếu chúng ta có quyết tâm chính trị nhưng không có luật, vừa làm vừa lo, không thu thì không được, nhưng thu không đúng luật, người ta kiện thì rất khó”, ông Trí nói và cho rằng các cơ quan tiền tố tụng như thanh tra, kiểm tra muốn kê biên, phong tỏa nhưng muốn xác định đó có đúng là tài sản bất minh không thì phải có thời gian xác minh. “Trong quá trình chúng ta đang xác minh thì họ tẩu tán mất rồi”, ông Trí nêu hiện trạng, và cho rằng để thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả, cần giải quyết bằng các biện pháp đồng bộ, trong đó, căn cơ là phải có hành lang pháp lý.

Lê Hiệp

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Có nên nới trần nợ công, thâm hụt ngân sách để “cứu” nền kinh tế? (18/11/2021)

>   Đẩy mạnh thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới (18/11/2021)

>   Giảm thuế nhập khẩu hãm đà tăng giá nguyên liệu (17/11/2021)

>   Tạo không gian tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng (17/11/2021)

>   Cần kéo dài các chính sách hỗ trợ thuế, lãi vay (17/11/2021)

>   Đẩy mạnh thu thuế phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple, sàn thương mại điện tử (16/11/2021)

>   Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đến hết tháng 6/2022 (16/11/2021)

>   Thỏa thuận thuế toàn cầu có giúp Việt Nam thu thuế các 'ông lớn'? (16/11/2021)

>   Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (16/11/2021)

>   Thu thuế 1.000 tỉ đồng/năm từ thương mại điện tử (15/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật