Vừa rục rịch phục hồi, ngành hàng không lại lao đao vì giá xăng dầu leo thang
Giá xăng dầu tăng mạnh đang đe doạ sự phục hồi vừa manh nha của ngành công nghiệp hàng không từ đáy sâu của đại dịch Covid-19...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
|
Gần đây, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đạt mức cao nhất 7 năm, làm dấy lên những lo ngại về chi phí của các hãng bay trong bối cảnh nhu cầu đi lại mới chỉ bắt đầu gượng dậy sau 18 tháng gần như tê liệt vì các hạn chế chống dịch.
Tờ Financial Times dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) và Platts cho biết giá xăng hàng không đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, đạt mức 750 USD/tấn.
Tuần trước, Delta Air Lines nêu rõ vấn đề chi phí xăng dầu khi hãng hàng không Mỹ này cảnh báo khả năng rơi vào thua lỗ trong quý 4 năm nay. Quý 3 vừa qua mới là quý thứ hai Delta Airlines đạt lợi nhuận kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
“Giá xăng dầu tiếp tục tăng, gây áp lực lên khả năng sinh lời của chúng tôi”, CEO Ed Bastian của Delta Air Lines nói.
Các hãng hàng không thường đẩy chi phí gia tăng về phía hành khách bằng cách tăng giá vé, nhưng ngành này hiện đang hoạt động trong một môi trường có độ bấp bênh cao, với lượng hành khách còn thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Trong bối cảnh như vậy, một số hãng hàng không đang cố gắng kích thích nhu cầu bằng cách đưa ra mức giá vé thấp.
Tệ hơn, nhiều hãng bay đã từ bỏ việc phòng hộ (hedge) cho nhu cầu nhiên liệu tương lai của mình khi thị trường dầu lửa lao dốc chóng mặt vào năm ngoái. Vì lý do này, các hãng trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước đợt tăng giá năng lượng mạnh mẽ hiện nay.
Hãng Ryanair thiệt hại 300 triệu USD trong tài khoá 2020 vì áp dụng mức độ phòng hộ cao đối với giá nhiên liệu và các hợp đồng phòng hộ này trở nên thừa thãi khi giá dầu thậm chí giảm dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử sau khi đại dịch xuất hiện.
“Hầu hết các hãng hàng không đều thua lỗ trầm trọng từ việc phòng hộ nhiên liệu trong năm ngoái, vì nhu cầu lao dốc trong đại dịch Covid và các hãng lại nắm trong tay những hợp đồng buộc họ phải nhận dầu với mức giá cao hơn nhiều so với giá dầu giao ngay”, nhà phân tích Mark Simpson thuộc Goodbody nhận định.
“Bởi vậy, hầu hết các hãng đều thu hẹp hoặc đóng các hợp đồng phòng hộ nhiên liệu, dẫn đến việc họ rơi vào thế bị động khi giá nhiên liệu leo thang chóng mặt gần đây”.
Một trong số ít những hãng hàng không còn giữ trạng thái phòng hộ lớn đối với giá nhiên liệu là hãng easyJet. Hãng này đã ký các hợp đồng chốt giá xăng máy bay ở mức 550 USD/tấn cho 55% nhu cầu dự kiến trong năm 2022.
“Chúng tôi đang ở trong một vị thế thuận lợi hơn nếu so với các hãng khác”, CEO Johan Lundgren của easyJet phát biểu.
Tuy nhiên, CEO của một hãng hàng không châu Âu nói rằng ông không hối tiếc về quyết định từ bỏ phòng hộ giá nhiên liệu, rằng sau một đợt giá dầu leo thang thường là một đợt giảm sâu có thể khiến các hãng có trạng thái phòng hộ lớn bị thiệt hại nặng nề.
Dữ liệu từ HSBC cho thấy các hãng hàng không có khả năng hấp thụ những đợt biến động mạnh của giá xăng dầu trong nhiều thập kỷ qua, nhưng điều đó cũng dẫn tới tỷ suất lợi nhuận của các hãng trồi sụt theo.
IATA mới đây đã điều chỉnh dự báo thua lỗ của ngành hàng không toàn cầu, trong đó nhận định ngành này sẽ lỗ khoảng 12 tỷ USD trong năm 2022, giảm 78% so với mức lỗ dự báo của năm nay. Theo IATA, mức lỗ năm 2021 của các hàng không nghiêm trọng hơn dự báo ban đầu, ước tính lên tới 51,8 tỷ USD. Con số dự báo trước đó của IATA là 47,7 tỷ USD.
An Huy
VnEconomy
|