Thứ Ba, 19/10/2021 10:00

Kinh tế Trung Quốc chao đảo vì khủng hoảng năng lượng và nhà đất

Bom nợ khổng lồ trong ngành bất động sản và cuộc khủng hoảng năng lượng càng khiến nền kinh tế Trung Quốc "rung lắc".

Kinh tế Trung Quốc ảnh 1

Theo New York Times, các nhà máy thép tại Trung Quốc đang chật vật vì bị cắt điện. Tình trạng thiếu hụt chip cũng cản trở quá trình sản xuất ôtô. Những công ty bất động sản mua ít vật liệu xây dựng hơn. Lũ lụt còn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở miền trung bắc Trung Quốc.

Tất cả đều gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.

Hôm 18/10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố nền kinh tế nước này tăng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh từ mức 7,9% của quý trước.

Sản lượng công nghiệp - trụ cột tăng trưởng của Trung Quốc - sụt giảm nghiêm trọng, nhất là vào tháng 9.

Kinh tế Trung Quốc ảnh 2

Bom nợ khổng lồ trong ngành bất động sản và cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nền kinh tế Trung Quốc lao đao. Ảnh: New York Times.

Nền kinh tế trì trệ

Một trong hai điểm sáng của nền kinh tế là xuất khẩu vẫn tăng mạnh. Các hộ gia đình, nhất là những gia đình khá giả, tiếp tục chi tiền tại nhà hàng và sử dụng các dịch vụ khác.

Tính đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa tung ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn.

"Những bất ổn trong môi trường quốc tế đang gia tăng. Sự phục hồi của nền kinh tế trong nước chưa ổn định và đồng đều", ông Fu Linghui - phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - bình luận.

Tuy nhiên, chính những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc là một phần thách thức đối với nền kinh tế. Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập, trấn áp các doanh nghiệp.

Mục tiêu của Bắc Kinh là bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt các công ty công nghệ và ngăn chặn đầu cơ bất động sản cũng ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế.

Người lao động sống tiết kiệm hơn. Rất khó để kiếm tiền.

Ông Yang Qingjun, chủ cửa hàng tạp hóa trong một khu công nghiệp ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc cũng giới hạn việc tiêu thụ năng lượng để đối phó với những lo ngại về biến đổi khí hậu. Hiện tại, tình trạng thiếu điện đang làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp.

"Nền kinh tế đang trì trệ", ông Yang Qingjun, chủ cửa hàng tạp hóa trong một khu công nghiệp lâu đời ở Đông Quan, chia sẻ. "Việc cắt điện đã khiến các nhà máy cắt giảm hoạt động và dừng trả lương làm thêm giờ", ông tiết lộ.

"Người lao động sống tiết kiệm hơn. Rất khó để kiếm tiền", ông Yang than thở.

Đô thị hóa từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Những căn hộ khang trang nằm trong các tòa nhà cao tầng hiện đại ra đời, trở thành nơi ở cho hàng trăm triệu người. Sản lượng thép và xi măng của Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới.

Nhưng giờ, hố nợ khổng lồ của ngành bất động sản đã trở thành mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế. China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - đang chao đảo vì cuộc khủng hoảng tiền mặt.

Kinh tế Trung Quốc ảnh 3

Ước tính có tới 30 triệu bất động sản chưa có người mua tại Trung Quốc, tương đương với nơi ở của khoảng 80 triệu người, gần bằng dân số Đức. Ảnh: CNN.

Hàng loạt dự án của China Evergrande bị dừng thi công vì tập đoàn chưa trả tiền cho nhà cung cấp. Một số công ty địa ốc khác cũng không thể thanh toán trái phiếu cho các trái chủ.

New York Times cảnh báo rằng điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn cho thị trường nhà ở. Nếu các nhà đầu tư bán toàn bộ căn hộ ra thị trường, giá nhà có khả năng giảm sâu.

"Một số chủ đầu tư đã gặp phải những khó khăn nhất định. Điều này có thể ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng, khiến họ trì hoãn mua nhà", ông Ning Zhang - chuyên gia kinh tế cấp cao của UBS - bình luận.

Các quan chức muốn gửi thông điệp rằng không có công ty nào quá lớn để sụp đổ. Do đó, những nhà đầu tư và trái chủ cần cảnh giác hơn đối với các công ty nợ nần như China Evergrande.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần đảm bảo rằng các nhà cung cấp, nhà thầu, người mua nhà và nhà đầu tư nhỏ lẻ không mất trắng vì tai nạn của China Evergrande.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng

Do tình trạng thiếu điện lan rộng khắp miền đông Trung Quốc trong những tuần qua, các cơ quan quản lý đã cắt điện đối với những hoạt động sử dụng nhiều năng lượng. Điều này giáng thêm đòn vào sản xuất công nghiệp, vốn bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng lao dốc.

Trong tháng 9, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,1% so với một năm trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Cục Năng lượng tỉnh Chiết Giang đã cắt giảm điện đối với 8 ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, xử lý nguyên liệu thô thành các vật liệu công nghiệp như thép, xi măng và hóa chất.

Các ngành công nghiệp này tiêu thụ gần một nửa lượng điện, nhưng chỉ chiếm 1/8 sản lượng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc cắt giảm điện vẫn có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu công nghiệp và lan rộng trong chuỗi cung ứng.

Những nhà máy lắp ráp trong các ngành sử dụng ít điện hơn, chẳng hạn sản xuất ôtô, không đối mặt với việc cắt điện. Nhưng họ gặp phải những thách thức khác.

Việc giới hạn tiêu thụ năng lượng giáng thêm đòn vào sản xuất công nghiệp, vốn bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng lao dốc. Ảnh: New York Times.

Các đợt bùng phát virus ở Đông Nam Á đã làm gián đoạn nguồn cung cấp phụ tùng ôtô. Cùng với đó là tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.

Hôm 15/10, Volkswagen tiết lộ sản lượng của công ty đã sụt giảm do tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng và các vấn đề khác của chuỗi cung ứng. Công ty không đủ ôtô để giao cho khách hàng và đại lý.

Trong nhiều tháng, các nhà kinh tế đưa ra cùng một dự đoán. Đó là tốc độ tăng trưởng nhanh của xuất khẩu Trung Quốc không thể kéo dài. Nhưng họ đã sai.

Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trong 3 quý đầu năm. Kể từ khi nước này thoát khỏi đại dịch hồi đầu năm ngoái, đất nước đã duy trì thế mạnh về xuất khẩu.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người mắc kẹt tại nhà. Các hộ gia đình đổ xô vào những mặt hàng như hàng điện tử tiêu dùng, đồ nội thất, quần áo và các mặt hàng mà Trung Quốc sản xuất với số lượng lớn.

"Chúng tôi có nguồn cung rất mạnh, nhưng nhu cầu vẫn còn yếu. Vì vậy, các công ty phải xuất khẩu", ông Tu Xinquan tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Quốc tế ở Bắc Kinh bình luận.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Sắp bước sang 2022, loạt thách thức vẫn đeo bám kinh tế toàn cầu (19/10/2021)

>   Lạm phát tăng mạnh, NHTW New Zealand có khả năng nâng lãi suất lần 2 trong tháng 11 (18/10/2021)

>   GDP Trung Quốc tăng trưởng 4.9% trong quý 3, yếu hơn dự báo (18/10/2021)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 (18/10/2021)

>   ‘Sống chung với COVID-19’ trở thành xu thế toàn cầu (17/10/2021)

>   Đông Nam Á dẫn đầu phân khúc thương mại điện tử (16/10/2021)

>   Gặp khó đủ đường, kinh tế Trung Quốc có thể sụt tốc mạnh (16/10/2021)

>   NHTW Trung Quốc: Rủi ro từ Evergrande vẫn có thể kiểm soát được (16/10/2021)

>   Cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ xuất phát từ Trung Quốc? (23/10/2021)

>   Trung Quốc siết chặt kiểm soát, giá nhà đất lao dốc (14/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật