GDP Trung Quốc tăng trưởng 4.9% trong quý 3, yếu hơn dự báo
GDP quý 3 của Trung Quốc tăng trưởng ở mức đáng thất vọng 4.9% khi hoạt động công nghiệp tăng trưởng yếu hơn dự báo trong tháng 9/2021.
Ngày 18/10, Tổng Cục Thống kê Trung Quốc cho biết GDP tăng trưởng 4.9% trong quý 3 so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 5.2%, theo các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Sản lượng công nghiệp tăng 3.1% trong tháng 9/2021, thấp hơn dự báo 4.5%. Tuy vậy, doanh số bán lẻ lại tăng mạnh hơn kỳ vọng, tăng trưởng 4.4% trong tháng 9/2021, trong khi các chuyên gia dự báo tăng trưởng 3.3%.
Các khoản đầu tư cho tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng yếu hơn dự báo, tăng 7.3% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức 4.9% trong tháng 9/2021. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 cao hơn rất nhiều, ở mức 14.6%.
Theo CNBC, 10 ngân hàng đầu tư lớn đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc khi tình trạng thiếu điện và nỗ lực giảm bớt đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản gây thêm áp lực cho tăng trưởng. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng cũng đang ảm đạm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thị trường bất động sản ảm đạm
Bắc Kinh ra tay siết kiểm soát đối với thị trường địa ốc nhằm ngăn ngừa rủi ro tài chính, khiến hoạt động xây dựng sụt giảm mạnh và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản ở công ty bất động sản khổng lồ Evergrande.
Cuộc khủng hoảng nợ Evergrande cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với lĩnh vực bất động Trung Quốc nói chung. Tổng doanh số của 100 công ty phát triển bất động sản Trung Quốc giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, tháng thường là giai đoạn cao điểm về doanh số bán nhà hàng năm.
Từ đó, ảnh hưởng được cho là có thể lan rộng ra khắp nền kinh tế bởi theo ước tính của Goldman Sachs, ngành bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm khoảng 1/4 GDP Trung Quốc.
Với việc dòng tiền siết lại, các công ty bất động sản Trung Quốc có thể phải cắt giảm đầu tư mới. Tốc độ tăng trưởng đầu tư bất động sản có thể giảm còn 9.5% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 10.9% trong tháng 8 – theo các chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát.
Khủng hoảng thiếu điện
Các nhà máy ở Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm sản xuất do thiếu điện từ nửa sau của tháng 9, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch vào năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất suy giảm thay vì tăng trưởng.
Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu mạnh và lượng tiêu thụ điện tăng trong tháng 9 lại cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thiếu điện đối với hoạt động sản xuất công nghiệp có thể khác nhau ở từng ngành.
Tiêu thụ điện của công nghiệp chế biến tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn mạnh cho dù thiếu điện – các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định.
Sự thận trọng từ người tiêu dùng
Biến chủng Delta bắt đầu gây ra những đợt bùng dịch ở Trung Quốc kể từ giữa tháng 7. Nhà chức trách phải triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát sự lây lan, ngay cả khi chỉ có một vài ca nhiễm được phát hiện, bởi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược triệt tiêu Covid. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng.
Cuối tháng 8, các địa phương ở Trung Quốc bắt đầu nới lỏng biện pháp chống dịch, nhờ đó doanh thu bán lẻ có khởi sắc trong tháng 9. Theo kết quả khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI), hoạt động dịch vụ tháng 9 cũng phục hồi mạnh hơn dự báo. Các chuyên gia được Bloomberg khảo sát dự báo doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng 3.5% trong tháng 9, so với mức tăng 2.5% trong tháng 8.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|