Thứ Hai, 18/10/2021 09:06

Vì sao người mua nhiều hợp đồng bảo hiểm ở Hải Phòng bị khởi tố hình sự?

Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố hình sự đối với một cá nhân tại Hải Phòng mua nhiều hợp đồng bảo hiểm và bị tố giác gian dối. Vậy theo quy định của pháp luật, tội trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý ra sao?

Một người có thể tham gia một hay nhiều hợp đồng nhân thọ để bảo vệ cho một đối tượng bảo hiểm dựa trên nhu cầu và điều kiện tài chính của mình. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Được biết ông Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987, thường trú tại Hải Phòng) bị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 9 công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ gửi đơn đến cơ quan công án tố giác có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Sau khi cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra cũng cho biết đã thông báo đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bên tố giác và người bị tố giác.

Theo thông tin của báo Tuổi Trẻ Online, bên tố giác vụ việc nêu trên đã cung cấp thông tin và bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp. Từ cuối tháng 9-2019 đến đầu tháng 11-2019, ông Khánh đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm và đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Ông Khánh đã che giấu thông tin mình đã bị bệnh, che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác việc mình đã có nhiều yêu cầu mua bảo hiểm và đã mua được hợp đồng bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Sau khi mua bảo hiểm, ông Khánh đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm. Theo Tuổi Trẻ Online, cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, ông Khánh đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu khoảng 4 tỉ đồng. Nếu không kịp thời điều tra làm rõ, số tiền các công ty bảo hiểm sẽ phải tiếp tục chi trả có thể lên tới trên 20 tỉ đồng.

Hiện Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án và chưa có kết luận chính thức.

Trao đổi thông tin với chúng tôi, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Hiện nay, pháp luật không quy định về giới hạn số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà một người có thể tham gia. Vì vậy, một người có thể tham gia một hay nhiều hợp đồng nhân thọ để bảo vệ cho một đối tượng bảo hiểm dựa trên nhu cầu và điều kiện tài chính của mình. Trong trường hợp một người mua từ hai bảo hiểm nhân thọ trở lên thì khi có rủi ro xảy ra người đó sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo tất cả các hợp đồng”.

Theo ông Hùng, tại Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản. Như vậy, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng bảo hiểm trùng chỉ áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm hiểm tài sản. Còn bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng bảo hiểm con người nên không áp dụng quy định chi trả như trên. Do đó, một cá nhân được phép mua nhiều bảo hiểm nhân thọ khác nhau, nếu rủi ro xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng đó thì sẽ được bảo hiểm chi trả và thanh toán theo từng hợp đồng riêng biệt đúng như thỏa thuận mà không liên quan đến sự tồn tại của các hợp đồng khác (cùng một quyền lợi bảo hiểm), việc trả tiền ở các hợp đồng bảo hiểm là hoàn toàn độc lập.

Về nội dung hành vi khai báo gian đối để trục lợi bảo hiểm bị xử lý như thế nào, khi nào thì bị xử lý hành chính, khi nào thì bị xử lý hình sự? Ông Hùng cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.

Do đó, hành vi khai báo gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thì có thể bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, ngày 28-8-2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, hành vi này chỉ áp dụng đối với hành vi cá nhân, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, còn người mua bảo hiểm sẽ không bị xử phạt hành chính.

Đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường của người mua bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm (theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000).

“Hành vi khai báo gian đối để trục lợi bảo hiểm trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Có thể phải chịu với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, ông Hùng nói.

Vân Ly

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Nhiều lao động ngỡ ngàng vì... không được hỗ trợ thất nghiệp (14/10/2021)

>   TP.HCM: Hơn 25.000 người lao động đã nhận gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (13/10/2021)

>   BHXH TP.HCM xác nhận cho hơn 457.000 lao động hoãn việc, nghỉ không lương để nhận hỗ trợ (08/10/2021)

>   Hơn 340,000 doanh nghiệp được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (05/10/2021)

>   Tạo thuận lợi nhất trong quy trình chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 116 (29/09/2021)

>   Người dân nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ như thế nào (28/09/2021)

>   PVI - Giá nào là hợp lý? (28/09/2021)

>   Đề xuất 7 nhóm chính sách sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm (14/09/2021)

>   Sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm: Bước đi tích cực cho sự phát triển dài hạn (10/09/2021)

>   TP.HCM: BHXH thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19 (10/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật