Thứ Ba, 26/10/2021 18:20

Sớm giải quyết 'điểm nghẽn' lưới điện truyền tải

Xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới thì nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD) để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030. Con số này sẽ là 1,42 tỷ USD nếu phát triển theo phương án phụ tải cao.

Nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD) để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030.

 

Đầu tư, hiện đại hóa lưới điện có tín hiệu tích cực

Giai đoạn 2016-2020, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện 500-220 kV so với phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh đạt khá cao, đạt khoảng 70-90% so với yêu cầu quy hoạch. Trong đó có nhiều công trình lưới điện trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam, các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm đã được đưa vào vận hành.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tới cuối năm 2020, tổng khối lượng các đường dây từ cấp điện áp 110 kV trở lên của hệ thống điện đạt 51.322 km, trong đó khối lượng đường dây ở cấp điện áp 500 kV đạt 8.527 km, ở cấp điện áp 220 kV đạt 18.477 km và ở cấp điện áp 110 kV đạt 24.318 km.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác vận hành lưới điện, tuy nhiên, việc tăng cường đầu tư, hiện đại hóa lưới điện đã có những tín hiệu tích cực, giúp chỉ tiêu tổn thất điện năng của toàn hệ thống điện năm 2020 đạt khoảng 6,42%.

Chỉ số thời gian mất điện bình quân khách hàng trong năm (SAIDI) đã giảm mạnh từ 2.281 phút vào năm 2015 xuống 356 phút vào năm 2020, vượt chỉ tiêu được giao (400 phút) trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Có thể thấy, mặc dù ngành điện đã có nhiều nỗ lực đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, nhưng vẫn tồn tại một số trạm biến áp 500 kV cấp điện cho các trung tâm phụ tải miền Bắc và miền Nam; một số đường dây và trạm biến áp 220 kV tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ bị đầy tải hoặc quá tải. Tại một số thời điểm, nguồn năng lượng tái tạo đã phải cắt giảm công suất để bảo đảm vận hành hệ thống điện ổn định.

Nguyên nhân do nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn khiến tốc độ phụ tải tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng chậm tiến độ của nhiều công trình lưới truyền tải cũng đã ảnh hưởng tới việc huy động nguồn điện.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá, lưới điện truyền tải cơ bản bảo đảm việc vận hành hệ thống thông suốt và an toàn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, thời gian đầu tư để đưa các công trình lưới điện vào vận hành ngày càng bị kéo dài nên hệ thống điện truyền tải vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan tới công tác vận hành và bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện vẫn chưa bảo đảm dự phòng theo tiêu chí N-1, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên khi có sự cố nguồn, sự cố lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện cũng gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hạn chế, không còn bảo lãnh Chính phủ, các thủ tục vay vốn trong và ngoài nước ngày càng phức tạp.

Đặc biệt, nhiều công trình lưới điện quan trọng dự kiến đóng điện giai đoạn 2021-2025 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn còn đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi như: Đường dây Nam Định - Thanh Hóa - Quỳnh Lập - Quảng Trạch, Dung Quất - Krong Buk - Tây Ninh, Vân Phong - Bình Định, Thuận Nam - Chơn Thành. Các dự án này đều đang tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng tới vận hành hệ thống điện.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục xảy ra và kéo dài.

Huy động vốn giải quyết 'điểm nghẽn' lưới điện

Để giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra phương án giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần thêm khối lượng xây dựng mới 49.050 MVA, cải tạo 34.200 MV trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 11.988 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 67.513 MVA, cải tạo 32.747 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 15.643 km đường dây 220 kV.

Khối lượng đầu tư, cải tạo lưới điện 500, 220 kV này sau khi rà soát giảm nhiều so với phương án phát triển lưới điện truyền tải trong Tờ trình 1682/TTr-BCT trước đó.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỷ USD). Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hằng năm cần khoảng 1,42 tỷ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.

"Đây là khối lượng đầu tư tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.

Ngoài việc cần bổ sung thêm hạ tầng truyền tải, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho rằng cần bổ sung thêm những "kỹ năng mềm" thiết thực như: Nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, tăng cường năng lực dự báo; phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu rất lớn về nguồn vốn cho ngành điện, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển cũng như các bộ, ban, ngành tìm kiếm thêm các gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.

Thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn theo các hình thức khác bên cạnh vay vốn ODA, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tổ chức đánh giá, xếp hạng tín dụng quốc tế để có thể tiếp cận nguồn vay quốc tế mà không cần có sự bảo trợ của Chính phủ.

Với chương trình phát triển lưới điện đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương cho biết, để bảo đảm hệ thống điện được vận hành an toàn, việc triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo được Bộ chú trọng.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện bảo đảm việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500 kV, 200 kV...

Phan Trang

 

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   Giữ chân FDI bằng logistics (26/10/2021)

>   Hạn chế ảnh hưởng của “quả bóng nợ” BOT, BT giao thông (26/10/2021)

>   Dữ liệu mở – hoa hồng và gai nhọn (26/10/2021)

>   Có 208 vụ điều tra phòng vệ thương mại liên quan hàng xuất khẩu Việt (26/10/2021)

>   Tranh cãi xung quanh Quy hoạch điện 8 (26/10/2021)

>   Chính phủ yêu cầu rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công (25/10/2021)

>   Cần giải pháp cấp bách hạn chế lao động bị thiếu hụt (25/10/2021)

>   Sớm có quyết sách khắc phục 'nạn' thiếu lao động tại TP.HCM (25/10/2021)

>   Dựng “Cổng an sinh doanh nghiệp”, tại sao không? (24/10/2021)

>   Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục kiến nghị mở hãng hàng không chuyên biệt (24/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật