Thứ Ba, 26/10/2021 06:43

Tranh cãi xung quanh Quy hoạch điện 8

Bộ Công Thương khẳng định, Quy hoạch điện 8 đã đánh giá một cách toàn diện những tác động đối với việc đảm bảo an ninh cung cấp điện khi xem xét tỷ lệ giảm dần khác nhau của các nguồn điện than. Tuy nhiên, 10 liên minh, tổ chức đại diện cho hơn 200 nhà khoa học Việt Nam không đồng tình và cho rằng bản quy hoạch này đi ngược xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Tranh cãi xung quanh Quy hoạch điện 8

Quy hoạch điện 8 hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện.

Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) đã được Hội đồng Thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua vào đầu tháng 10/2021. Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và chính thức gửi tờ trình lên Chính phủ.

KHẮC PHỤC MẤT CÂN ĐỐI NGUỒN ĐIỆN

Từ thực tế về việc mất cân đối giữa các nguồn điện, Bộ Công Thương cho biết Quy hoạch điện 8 đã hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, phát triển cân đối, hài hòa công suất nguồn trên từng vùng, hướng tới đảm bảo cân bằng nguồn - tải nội vùng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nhằm giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện.

Quy hoạch điện 8 đã có nhiều nội dung thay đổi phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế. Bộ Công Thương khẳng định, đề án tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Để đảm bảo cấp điện phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045, Quy hoạch điện 8 đã thực hiện dự báo phụ tải dựa trên các cơ sở dữ liệu về phát triển kinh tế - năng lượng của 30 năm quá khứ (1990-2020); các mục tiêu và kịch bản phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra tại Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm.

Dự báo phụ tải Quy hoạch điện 8 thực hiện với ba phương án, tương ứng với ba kịch bản tăng trưởng GDP từng giai đoạn tới năm 2045 đề ra tại Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với chương trình phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện 8, điện năng sản xuất và nhập khẩu các giai đoạn đều đáp ứng nhu cầu điện dự báo.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện truyền tải tại Quy hoạch điện 8 cũng được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao; khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.

Bộ Công Thương cho biết tổng công suất các nguồn điện sẽ tiếp tục được rà soát thêm trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8 để phù hợp với khả năng giải tỏa công suất của lưới điện và khả năng vận hành an toàn của hệ thống điện.

NHIỀU HIỆP HỘI, TỔ CHỨC CHƯA ĐỒNG TÌNH

Trong tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu đã không đồng tình và đề nghị xem xét cẩn trọng Quy hoạch điện 8.

Tâm thư nêu rõ, theo đề án mới đệ trình, Bộ Công Thương sẽ tăng thêm khoảng 20.000 MW điện than mới, nâng công suất điện than từ khoảng 21.000 MW hiện nay lên 40.899 MW vào năm 2030 và tiếp tục tăng thêm khoảng 10.000 MW điện than trong giai đoạn tới 2045.

Với lộ trình này, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm 68%-69% trong sản lượng điện quốc gia vào năm 2030, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất toàn cầu.

"Tổng sản lượng điện sạch của quốc gia vào năm 2030 theo dự thảo mới chỉ đạt 13,5%. Bản quy hoạch này cũng đi ngược xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu".

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng 2/3 công suất điện than dự kiến xây dựng mới ở Việt Nam sẽ không khả thi vì không thể tiếp cận được nguồn vốn và như vậy sẽ trở thành các dự án “treo”, đồng thời sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.

Do đó, bản quy hoạch này đang tạo ra những hệ lụy có hại cho chính ngành điện, đặc biệt, sẽ đặt đất nước vào thế bất ổn tiềm tàng khi đặt cược an ninh năng lượng vào sự bập bềnh của giá nhiên liệu than và khí đang dao động và ngày càng đắt đỏ do nguồn cung bị thu hẹp.

Trong khi đó, 10 liên minh nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế thời điểm này có nhiều cơ hội thuận lợi cho Việt Nam để phát triển đột phá theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các đối tác phát triển như EU, Hoa Kỳ, WB, UNDP, UK... cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng. Mặt khác, công nghệ năng lượng sạch đã cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch và liên tục cải tiến đi kèm và ngày càng có nhiều đột phá vượt sức tưởng tượng.

Trong khi, cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và người dân cùng chính quyền địa phương cũng bày tỏ tiếp tục tạo đột phá chính sách để phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

CẦN NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN, KHOA HỌC

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các ý kiến này là chưa phù hợp do thiếu phân tích cụ thể, rõ ràng, nhìn nhận theo kiểu phong trào, lấy định hướng của các nước phát triển để áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.

Quy hoạch điện 8 vẫn kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo một cách phù hợp theo định hướng của Đảng và Chính phủ, tránh bị những bất cập của phát triển “quá nóng” năng lượng tái tạo vừa qua cản trở, gây bất ổn trong vận hành hệ thống và thiệt hại cho các nhà đầu tư, khi không thể phát điện theo khả năng công suất nhà máy.

Trên thực tế, việc phát triển nguồn điện cần phải đồng bộ với hệ thống lưới điện truyền tải và hệ thống điện thông minh để tích hợp các nguồn điện khác nhau. Để đầu tư hệ thống đó, cần một lượng vốn khổng lồ, mỗi năm hàng chục tỷ USD, trong khi đó nguồn lực của đất nước còn có hạn.

Mặt khác, các nhà đầu tư tư nhân chỉ tham gia đầu tư vào những lĩnh vực nhiều tiềm năng, lợi ích của họ hơn là quan tâm đến các yếu tố xã hội, đặc biệt là giá điện.

Vấn đề xã hội hoá lưới điện truyền tải cũng đã từng nêu ra nhưng nhận được rất ít sự quan tâm của các nhà đầu tư và chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư thực hiện vài chục km (chiếm tỷ lệ không đáng kể trong hệ thống) để phục vụ chuyển tải tối đa nguồn điện cho chính các nhà máy của họ.

Khi nhu cầu tiêu thụ điện không cao, dẫn đến thừa nguồn ở một số thời điểm, phải cắt giảm công suất, một số doanh nghiệp đã vội lên tiếng đổ lỗi cho hệ thống. Hoặc khi không có cơ chế khuyến khích, nguồn năng lượng tái tạo cả chục năm nằm im, những tiếng nói “hội đồng” đòi hỏi phải có cơ chế. Khi có cơ chế, nguồn năng lượng tái tạo bùng nổ thì lại quay lại mang ý trách cứ “phá vỡ quy hoạch”.

Trong một xã hội dân chủ, văn minh, các ý kiến đồng thuận hay trái chiều là điều cần thiết nhưng phải nhìn vào thực tế và mang tính xây dựng. Năng lượng là an ninh quốc gia, do đó việc phát triển các nguồn điện nói riêng hay cả hệ thống điện nói chung cần xem xét khách quan, toàn diện, khoa học và ở nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô.

Quan trọng hơn phải phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết; đảm bảo sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

Nguyễn Mạnh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Chính phủ yêu cầu rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công (25/10/2021)

>   Cần giải pháp cấp bách hạn chế lao động bị thiếu hụt (25/10/2021)

>   Sớm có quyết sách khắc phục 'nạn' thiếu lao động tại TP.HCM (25/10/2021)

>   Dựng “Cổng an sinh doanh nghiệp”, tại sao không? (24/10/2021)

>   Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục kiến nghị mở hãng hàng không chuyên biệt (24/10/2021)

>   Dự báo kim ngạch XNK năm 2021 vượt 600 tỷ USD (23/10/2021)

>   Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu: Nhìn từ trò chơi mua bia (23/10/2021)

>   Doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát gần 3.000 tỉ đồng không được trả lại tiền cọc (22/10/2021)

>   Khởi tố nguyên Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty lâm nghiệp Bình Thuận (22/10/2021)

>   Thách thức mới của ngành gỗ (22/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật