Thứ Tư, 27/10/2021 16:18

Sau năm 2026, sẽ đột phá đường sắt đầu tư lớn, có tuyến tốc độ cao Bắc - Nam

Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giai đoạn 10 năm tới nhu cầu vốn lên tới 240.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn cho đường sắt vẫn phải chờ sau năm 2026, trong đó có cả tuyến tốc độ cao Bắc - Nam, trước mắt vốn đầu tư ưu tiên cho đường bộ cao tốc.

Sau năm 2026, sẽ đột phá đường sắt đầu tư lớn, có tuyến tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ GTVT dự kiến sau năm 2026 sẽ ưu tiên vốn cho đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh đường sắt cao tốc của Nhật Bản.

Theo Quy hoạch đường sắt vừa được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030 sẽ thực hiện cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có và đầu tư 9 tuyến mới.

Các tuyến mới theo quy hoạch gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (làm trước đoạn Hà Nội - Vinh dài 281km và Nha Trang - TPHCM dài 370km); Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Vành đai phía Đông Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng); Hà Nội - Hải Phòng; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Biên Hòa - Vũng Tàu; TPHCM - Cần Thơ; TPHCM - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành.

Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 cho cả nâng cấp đường sắt cũ và đầu tư tuyến mới khoảng 240.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026 được phê duyệt, vốn ngân sách dự kiến bố trí cho đường sắt chỉ hơn 15.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,7% tổng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho lĩnh vực giao thông (tổng vốn cho giao thông giai đoạn này trên 336.475 tỷ đồng).

Trong đó, dự án đường sắt đầu tư mới chỉ hơn 3.600 tỷ đồng, vốn cho chuẩn bị đầu tư 584 tỷ đồng, số vốn còn lại là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang.

Năm 2021, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt được bố trí qua Bộ GTVT là 4.121/42.996 tỷ đồng (chiếm khoảng 9,6% tổng vốn cho giao thông). Trong đó, hơn 1 nửa (2.821 tỷ đồng chi cho công tác bảo trì hàng năm).

Điều này cho thấy, trong 5 năm tới, vốn cho đường sắt rất hạn chế, tập trung nâng cấp đường sắt hiện hữu, không đầu tư thêm đoạn đường mới nào. Theo Bộ GTVT, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn tới chủ yếu cho đường bộ để hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Sau năm 2026 mới ưu tiên vốn cho đường sắt, trong đó có thể từ năm 2027 sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phù hợp với thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án này.

Với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi. Thủ tướng đã lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo này.

Được biết, Bộ KH&ĐT (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) mới ký hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập của nước ngoài để tiến hành thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phục vụ công tác thẩm định của Hội đồng. Khi được Hội đồng thông qua, Chính phủ sẽ đưa dự án này ra xin ý kiến Quốc hội. Nếu Quốc hội thông qua, các bước thủ tục tiếp theo để có thể khởi công được dự án cũng mất vài năm.

Trong dự thảo báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về đầu tư cho hạ tầng đường sắt, Bộ GTVT cũng kiến nghị Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong đó, có thể sử dụng dư địa trần nợ công còn lại để có hình thức vay phù hợp, bảo đảm không tác động đến phân bổ ngân sách cho các địa phương, vùng miền. Đồng thời, bộ này cũng kiến nghị huy động nguồn lực của các địa phương có dự án đi qua để tham gia đầu tư dự án.

Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư cho đường sắt từ ngân sách trung ương chỉ đạt 18.657/227.841 tỷ đồng (chiếm khoảng 8% tổng vốn cho giao thông); tổng vốn bảo trì đường sắt hơn 13.267 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong 5 năm vừa qua, chỉ có thêm 1.989 tỷ đồng từ huy động cho đầu tư phương tiện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong khi huy động vốn từ xã hội cho đường sắt chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng trong 5 năm.

Lê Hữu Việt

Tiền phong

Các tin tức khác

>   TP.HCM dự chi 9.000 tỷ đồng xoá sổ "nhà ổ chuột" tại bờ Nam Kênh Đôi (27/10/2021)

>   Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sân bay Phan Thiết cho Bộ Quốc phòng (26/10/2021)

>   Làm thế nào để ngân hàng mở "hầu bao" cho dự án BOT giao thông? (25/10/2021)

>   Vì sao tuyến metro số 1 tiếp tục xin lùi đích tới 2024? (25/10/2021)

>   Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 12 lần lỡ hẹn, chưa biết ngày về đích (25/10/2021)

>   5 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM 'đội vốn' trên 80 nghìn tỷ đồng (23/10/2021)

>   TP.HCM khởi động 'đô thị dưới lòng đất' (23/10/2021)

>   Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP (22/10/2021)

>   Sẽ phát triển 10 khu đô thị dọc tuyến Metro số 1 (20/10/2021)

>   Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những công trình thế kỷ nào? (20/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật