Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 12 lần lỡ hẹn, chưa biết ngày về đích
Ngoài phá kỷ lục về thời gian thi công (11 năm), đến nay Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng là dự án có thời gian vận hành thử nghiệm kỹ nhất: 3 năm. Tuy nhiên, dư luận vẫn không biết khi nào tàu có thể khai thác thương mại.
Đường ùn tắc do nhiều xe cá nhân, trong khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ vận hành kỹ thuật rồi lại xếp bãi đỗ. Ảnh: Tr. Đ
|
Có mặt tại ga Cát Linh (ga đầu tuyến đón khách và cũng là Trung tâm chỉ huy các đoàn tàu) trong những ngày qua, PV ghi nhận thực tế, thay vì cảnh tàu ra vào ga và hành khách đi lại như mục tiêu đầu tư đã chỉ ra, thì toàn ga đã xây dựng xong nhiều năm nay đang bị bỏ không, toàn bộ là cảnh vắng vẻ, bên trong các nhà điều hành phủ bóng tối. Nhiều máy móc, thiết bị tiền tỷ như hệ thống kiểm soát, bán vé tự động, cầu thang cuốn nằm phủ bụi, mạng nhện giăng. Tại một số khu vực như cổng ra vào, hành lang đi lại cho hành khách tại ga đang bị biến thành kho chứa đồ, biển quảng cáo; bãi đỗ xe…
Hệ thống 12 ga tàu cao (tầng trên) dọc tuyến từ phố Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) cũng đã xây xong từ nhiều năm nay. Một số thiết bị đắt tiền như cầu thang cuốn cũng đang bỏ không đội mưa gió. Dự án đến nay đã chậm đi vào vận hành 6 năm nhưng khi chúng tôi đến các ga này, phóng viên ghi nhận, các cửa ra vào, lên xuống đều bị quây rào, đặt biển cấm xâm nhập. Tại ga Thanh Xuân, Thượng Đình, Phùng Khoang… hệ thống thành cầu thang cuối và mái che đang có hiện tượng bị xuống cấp, hoen gỉ nhiều vị trí.
Trao đổi với chúng tôi, cả đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT - chủ đầu tư) đều cho biết, hiện dự án đã thi công xong đến 99%, chỉ còn khoảng 1% liên quan đến hồ sơ kỹ thuật và chủ đầu tư cùng các bên liên quan đang hoàn thiện.
Với thời hạn trả nợ 9 năm (từ 2016 đến 2025) theo cam kết, hiện chỉ tính riêng khoản này, mỗi năm phía chủ đầu tư đã phải đề nghị Bộ Tài chính chi 650 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trung bình 1,8 tỷ đồng/ngày.
Về nội dung này, Bộ Tài chính vừa cho biết, Bộ đã phải chi tiền để trả khoản này từ năm 2016 đến nay.
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 nhà ga trên cao. Dự án được khởi công tháng 10/2011 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015. Đến nay, dự án đã trải qua 10 năm thi công với 12 lần lỡ hẹn. Mức đầu tư phê duyệt ban đầu của dự án là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), đến nay đã điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), tăng 57%. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Tàu Cát Linh – Hà Đông chạy thử không tải và có tải đều đảm bảo an toàn nhưng không thể chạy thật. Ảnh: Tr. Đ
|
Tuy chưa hoàn thành nhưng hiện nay dự án đã phải trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng vay vốn với ngân hàng Trung Quốc. Do dự án chưa bàn giao cho thành phố Hà Nội (đơn vị sử dụng, trả nợ) nên đại diện Chính phủ vừa xin ý kiến Quốc hội để Bộ Tài chính chi tiền trả khoản nợ hằng năm đến hạn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm
Ngoài khoản vay chính để có tổng số tiền 868 triệu USD thực hiện dự án bị đội giá đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư đã phải vay bổ sung khoản 250 triệu USD từ Ngân hàng Eximbank (Trung Quốc). Với thời hạn trả nợ 9 năm (từ 2016 đến 2025) theo cam kết, hiện chỉ tính riêng khoản này, mỗi năm phía chủ đầu tư đã phải đề nghị Bộ Tài chính chi 650 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trung bình 1,8 tỷ đồng/ngày. Về nội dung này, Bộ Tài chính vừa cho biết, Bộ đã phải chi tiền để trả khoản này từ năm 2016 đến nay.
12 lần “vỡ tiến độ"
Lần 1: Ngày 2/9/2014: Không hoàn thành dự án theo lời hứa với Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đi kiểm tra công trường trước đó
Lần 2: Tháng 6/2015: Không hoàn thành theo tiến độ dự án và phải điều chỉnh thời gian
Lần 3, 4, 5, 6,7,8: Không hoàn thành tiến độ lần lượt vào các mốc thời gian: tháng 6/2015; tháng 12/2015; tháng 9/2016; 12/2017; 2/9/2019; Tết Kỷ Hợi 2019
Lần 9: Ngày 25/1/2021: lỡ hẹn trước Đại hội Đảng lần thứ XIII
Lần 10: Ngày 31/3/2021: lỡ hẹn theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ
Lần 11: Ngày 30/4/2021: được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn giao thông toàn quốc của Chính phủ nhưng không thực hiện được.
Lần 12: Tháng 6/2021: không thể bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội vận hành theo kế hoạch
|
Về lâu dài, đại diện Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội cho biết, Bộ GTVT đang hoàn thành thủ tục bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội, làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để thành phố trả theo phương án tài chính của dự án.
Đề cập tiến độ dự án, đại diện Chính phủ cho biết, công trình đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể. Tuy nhiên, tàu vẫn chưa thể chạy thương mại do những văn bản, hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện nên Hội đồng kiểm tra Nhà nước chưa có ý kiến đánh giá cuối cùng.
Liên quan đến trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Theo đại diện Chính phủ, Bộ GTVT phải nêu nguyên nhân dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc thì với vai trò là chủ đầu tư (Bộ GTVT), đại diện là Ban Quản lý dự án đường sắt phải chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành dự án.
Dự án lại có tiến độ mới
GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, từ hình thức lựa chọn đầu tư đến thiết kế triển khai dự án có quá nhiều bất cập, dẫn đến hậu quả là Nhà nước vừa lỗ xét về kinh tế vừa lỗ về hiệu quả đầu tư và uy tín, niềm tin với nhân dân.
Chỉ ra một số bất cập GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, thứ nhất là về hình thức đầu tư, Bộ GTVT lựa chọn hình thức đầu tư EPC, tuy nhiên thực tế lại không xây dựng định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật để thi công, quản lý. Do vậy, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị liên quan không biết dựa vào đâu để đôn đốc, giám sát nhà thầu.
Về hình thức thi công, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho hay: Thông thường các dự án đường sắt đô thị tại các nước phát triển là đi ngầm, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng có phương án đi ngầm, song không hiểu sao sau đó dự án lại chọn đi nổi. Đi nổi rất dễ thi công và tất cả được thể hiện ở mặt đất nên có thể tính toán chính xác chi phí dự toán. Dự án đã đội giá lên 57% là rất không bình thường.
Về ký hợp đồng, là dự án phục vụ vận tải hành khách, phải sử dụng đầu máy, toa xe, thiết bị kỹ thuật để vận hành nhưng không hiểu sao, trong hợp đồng giữa Bộ GTVT với tổng thầu Trung Quốc lại không có nội dung đảm bảo an toàn đoàn tàu. Đến khi dự án tiến hành nghiệm thu, chuẩn bị đưa các đoàn tàu vào hoạt động cơ quan nhà nước mới phát hiện không có nội dung này và yêu cầu bổ sung. Có thể việc ký hợp đồng bổ sung này chưa xong nên tàu mới chưa thể chạy.
Đại diện Hội đồng nghiệm thu nhà nước (NTNN) cho biết, lý do chưa thể đánh giá nghiệm thu dự án do còn thiếu hồ sơ kỹ thuật có liên quan. Cụ thể, ban đầu Tổng thầu Trung Quốc thiết kế hồ sơ thi công tổng thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do dự án nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế, đặc biệt là hạng mục (gói thầu) các ga trên cao, khu đề-pô…, sau đó hồ sơ kỹ thuật lại không được quan tâm xử lý kịp thời thức tổng thể, dẫn đến bị chậm hoặc nhiều hạng mục chưa có hồ sơ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến Hội đồng NTNN không có đủ cơ sở để nghiệm thu, đưa dự án đi vào hoạt động.
Ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định, Đại diện cơ quan Thường trực Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (NTNN) cho biết, với các nội dung còn thiếu sót về hồ sơ của dự án, đại diện Hội đồng NTNN đã làm việc với Bộ GTVT, đề nghị bổ sung sớm nhất, giúp các đoàn tàu có đủ căn cứ để chạy thương mại.
Cho ý kiến về tiến độ hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa cho biết, đây là dự án trọng điểm, cấp bách nên trong cuộc họp về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản vừa qua, Bộ GTVT đã có kế hoạch hoàn thành dự án trong năm 2021.
|
Anh Trọng
Tiền phong
|