Vì sao tuyến metro số 1 tiếp tục xin lùi đích tới 2024?
Rất nhiều khó khăn, vướng mắc của dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) đã được UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Theo báo cáo của UBND TP, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án metro số 1 đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện trong quý 3/2021, khai thác thương mại từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, các gói thầu của dự án đều đang chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc.
Tuyến metro số 1 tiếp tục xin lùi đích tới năm 2024. Ngọc Dương
|
Covid-19 kéo lùi tiến độ dự án
UBND TP.HCM cho biết những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công dự án.
Cụ thể, nhân sự tham gia thi công tại công trường giảm mạnh, đặc biệt trong quý 2 và quý 3 do việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài có tâm lý e ngại khi nhập cảnh vào Việt Nam làm việc do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cách ly tập trung khi nhập cảnh, đã ảnh hưởng đến việc nhập cảnh và các nước cũng hạn chế đi lại...
Chưa kể, các nhà thầu đã đệ trình các khiếu nại liên quan đến dịch Covid-19 dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực và cung cấp vật tư; hủy đặt tàu, lưu kho và bảo dưỡng phát sinh cho đoàn tàu đầu tiên tại Kasado. Theo đó, các nhà thầu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch Covid-19. Việc không thể làm việc trực tiếp với các nhà tài trợ và đối tác nước ngoài cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, kéo dài thời gian thảo luận giải quyết các vấn đề của các dự án, đặc biệt công tác thu xếp vốn đầu tư.
Đặc biệt, do dịch bùng phát tại TP.HCM, thiết bị, vật tư không thể vận chuyển và nhập cảng, chuyên gia không nhập cảnh kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công dự án. Các khó khăn về nguồn nhân lực thi công tại chỗ, các biện pháp hạn chế Dự án chỉ có thể thi công các hạng mục trong tình trạng cầm chừng.
Để duy trì công trường, nguồn nhân lực tại chỗ, phải ứng chi phí nguyên vật liệu, thiết bị từ nguồn tài chính của các nhà thầu trong bối cảnh không thể triển khai thi công bình thường, không thể tăng tốc cho dự án dẫn đến khó khăn trong công tác phục hồi thi công ngay lập tức sau khi tình hình dịch bệnh được ổn định và tiến hành trạng thái “bình thường mới". Vì vậy, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tàu về tới TP.HCM nhưng vẫn chưa hẹn ngày lăn bánh. Ngọc Dương
|
Giải ngân vốn ODA "nhỏ giọt"
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, lũy kế giải ngân vốn ODA cấp phát đến nay là 10.341 tỉ đồng, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là 3.991,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án chỉ là 1.704,6 tỉ đồng (đạt 43% nhu cầu).
Hiện nay, UBND TP.HCM đang rà soát, xác định chính xác số liệu lũy kế giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương của dự án, số liệu quyết toán của Bộ Tài chính, số vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương để Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung đủ vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương theo đúng quy định của luật Đầu tư công và trên cơ sở số liệu chính xác của dự án
Ngoài ra, nhằm đảm bảo đủ vốn để triển khai hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục cần thiết để xúc tiến thỏa thuận vay số 4 với phía JICA. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chuyên gia của JICA không thể sang Việt Nam đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thảo luận, đàm phán với phía JICA.
Với các khó khăn nêu trên, UBND TP.HCM đánh giá việc hoàn thành thi công dự án trong năm 2021, đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị với vai trò là chủ đầu tư của dự án cùng các nhà thầu đã tính toán, dự kiến thời gian hoàn thành thực hiện và thi công tuyến metro số 1 vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Hà Mai
Thanh niên
|