'PC-Covid không hẳn là phiên bản Bluezone đổi tên'
Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia đã trả lời những vấn đề được đặt ra với ứng dụng PC-Covid, và khẳng định app này không hẳn là phiên bản Bluezone đổi tên.
PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng chống dịch của người dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, app phát sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho người dùng.
Tại buổi tọa đàm về giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 chiều 1/10, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia đã trả lời những vấn đề được nhiều người đặt ra với ứng dụng PC-Covid.
Vì sao cập nhật PC-Covid từ Bluezone?
Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm, việc xây dựng ứng dụng mới hay cập nhật từ ứng dụng sẵn có đã được đưa ra phân tích, thảo luận nhiều lần. Việc tạo ứng dụng mới có thể đơn giản hơn là cập nhật từ ứng dụng cũ, bởi để cập nhật được nhà phát triển phải làm việc trực tiếp với kho ứng dụng về những thay đổi trong bản mới.
Người dùng đã cài ứng dụng Bluezone có thể cập nhật trực tiếp lên PC-Covid qua các kho ứng dụng. Ảnh: TA.
|
Tuy nhiên, việc cập nhật từ app cũ sẽ có ưu điểm lớn là quá trình "trong suốt" với người dùng. Các ứng dụng như Bluezone, NCOVI đã phát triển trước đó sẽ thông báo và tự động cập nhật lên phiên bản PC-Covid, do đó người dùng không phải tải thêm app mới và gỡ app cũ khỏi smartphone của mình.
Đại diện Trung tâm cho biết ứng dụng Bluezone có lượng cài đặt lớn nhất, đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều địa phương. Do đó, Trung tâm quyết định cập nhật trên nền tảng Bluezone.
"Nếu người dân đang dùng hiệu quả mà bắt họ gỡ đi, dùng ứng dụng mới thì không thỏa đáng lợi ích của họ", đại diện Trung tâm chia sẻ.
Đại diện nhóm phát triển cũng cho biết thực tế PC-Covid được bổ sung nhiều tính năng so với Bluezone trước đó, như mẫu tờ khai sức khỏe mới của Bộ Y tế. Do đó, sẽ không thỏa đáng nếu cho rằng PC-Covid chỉ là phiên bản Bluezone đổi tên.
"Hàng ngày nhóm phát triển đều phải họp với đội kiểm duyệt ứng dụng của Apple để giải thích vì sao chúng tôi lại cập nhật app mới trên nền app cũ. Vì thế, việc lên App Store bị chậm trễ 8 ngày", đại diện Trung tâm cho biết.
Vì sao thông tin trên PC-Covid sai sót, còn thiếu nhiều?
Trong ngày đầu hoạt động, nhiều người dùng phản ánh thông tin cá nhân bị sai sót trên app PC-Covid. Việc xác nhận bằng OTP hay đồng bộ dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo chia sẻ của Trung tâm, với số lượng người dùng và dữ liệu trên các nền tảng, khó tránh khỏi việc ứng dụng có những sự thiếu ổn định trong thời gian đầu hoạt động.
Ban đầu, Trung tâm cho rằng cần từ 5-7 ngày ứng dụng mới ổn định, liên thông dữ liệu chính xác. Trong ngày đầu tiên, đã có 1,7 triệu lượt truy vấn hệ thống. Do đó, đội ngũ kỹ thuật vẫn liên tục cải thiện hiệu năng.
"Đến hôm nay ứng dụng vẫn còn một số trục trặc nhỏ, nhưng so với lúc mới lên kho thì đã được cải thiện", đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia giải thích.
Nhiều người dùng bị sai thông tin trên ứng dụng PC-Covid trong ngày đầu sử dụng. Ảnh: TA.
|
Đại diện Trung tâm cũng cho biết trong tuần tới, ứng dụng sẽ có tính năng phản ánh sai sót thông tin, góp ý cho ứng dụng.
Trạng thái của "thẻ Covid-19" màu xanh hay đỏ trên ứng dụng sẽ phụ thuộc thông tin vào dịch tễ, ghi nhận trên hệ thống và được Bộ Y tế ghi nhận. Bên cạnh đó, màu sắc cũng có thể linh hoạt, thay đổi tùy vào quy định, chiến lược của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch vào từng thời điểm.
Trả lời câu hỏi của Zing, đại diện Trung tâm đồng ý rằng nên có cách kết hợp giữa thẻ xanh trong phần mềm và các chứng nhận bản cứng như giấy tiêm chủng, vì hiện tại có trường hợp dữ liệu chưa đồng bộ.
Người không có smartphone, mất Internet phải làm như thế nào?
Với những người dân không sử dụng điện thoại thông minh, có thể khai báo trực tiếp trên nền tảng website hoặc nhờ người khác đăng ký trên ứng dụng thay cho mình. Sau đó, người dùng in mã QR được cấp và mang theo khi di chuyển.
Đối với trường hợp không có mạng Internet, ứng dụng PC-Covid có cơ chế lưu dữ liệu đệm, tải mã QR về để có thể sử dụng khi không có kết nối mạng.
Những ứng dụng cũ sẽ ra sao?
Trong thời gian tới, PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch Covid-19. Những chức năng của các ứng dụng đã ra đời trước đó sẽ được tích hợp trên app mới này. Nhiều ứng dụng còn lại có thể phục vụ cho mục đích khác.
Cụ thể, ứng dụng Bluezone được cập nhật lên thành PC-Covid trong phiên bản mới nhất. Việc quét thông tin cá nhân trên app VNeID có thể sử dụng mã QR trên PC-Covid.
Các chức năng khai báo y tế, hiển thị thông tin tiêm chủng, F0 khỏi bệnh của Sổ sức khỏe điện tử hay Y tế HCM cũng được tích hợp vào PC-Covid.
Tính năng của các app trước đó sẽ được tích hợp vào PC-Covid.
|
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia, các ứng dụng phòng, chống dịch do địa phương triển khai vẫn tiếp tục hoạt động. Theo Bộ TT&TT, đơn vị đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an để người dân chỉ cần một app duy nhất cho phòng, chống dịch, không cần tải thêm.
Trong buổi chia sẻ với báo chí, đại diện Trung tâm cũng cho biết ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được giữ lại, bởi app này giống như một sổ y bạ điện tử của người dân. Chức năng của app không chỉ là phòng dịch Covid-19.
“Sổ sức khỏe điện tử không chỉ liên quan đến Covid-19 mà còn hỗ trợ tiêm phòng, theo dõi nhiều bệnh khác. Trong khi đó PC-Covid chỉ thực hiện chống dịch. Đó là lý do phải có hai app”, đại diện Bộ TT&TT chia sẻ.
Tại sao cần bật kết nối Bluetooth?
Ở phiên bản phát hành ngày 30/9, ứng dụng PC-Covid yêu cầu người dùng bật tính năng Bluetooth khi khởi chạy lần đầu. Nếu không chấp nhận, app sẽ không chạy được.
Việc này không đồng nhất với thông tin ban đầu của Trung tâm, cho biết app PC-Covid sẽ không bắt buộc dùng Bluetooth để sử dụng. Trong buổi chia sẻ ngày 1/10, đại diện Trung tâm ghi nhận góp ý của Zing, và cho biết phiên bản cập nhật tiếp theo sẽ không bắt buộc sử dụng kết nối Bluetooth khi khởi chạy.
Đại diện Trung tâm cũng cho biết PC-Covid áp dụng 3 phương thức truy vết, trong đó có truy vết tiếp xúc gần bằng kết nối Bluetooth Low Energy như ở ứng dụng Bluezone, kiểm soát ra/vào bằng mã QR, và tin học hóa các hình thức truy vết truyền thống.
Nếu không bật Bluetooth, app không hỗ trợ truy vết tiếp xúc gần, nhưng vẫn có thể dùng 2 phương thức còn lại.
Bên cạnh đó, đại diện Trung tâm cũng khẳng định dữ liệu cá nhân của người dùng chỉ phục vụ cho mục đích chống dịch. Dữ liệu được xóa định kỳ theo quy định của Bộ, và sẽ được xóa hẳn sau khi dịch bệnh kết thúc.
Tuấn Anh Xuân Sang
Zing.vn
|