Từ 1.10, kinh tế TP.HCM mở cửa ra sao?
Dự kiến từ ngày mai 1.10, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại TP.HCM sẽ được mở với các tiêu chí thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Dự kiến các quán ăn từ ngày 1.10 chỉ được phép mở bán mang về. Ảnh: Độc Lập
|
Chợ đầu mối, tiệm cắt tóc, tạp hóa mở cửa trở lại
Theo dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế, TP.HCM sẽ cho phép các doanh nghiệp (DN), cá nhân sản xuất, kinh doanh được sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có “thẻ xanh Covid” tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.
Riêng đối với trung tâm thương mại; siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán lẻ; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi); chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống; cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch hoạt động tối đa 50% công suất. TP.HCM tiếp tục tạm dừng các hoạt động như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, bán hàng rong, vé số dạo...
Các phương án mở cửa lại kinh tế của TP.HCM dựa trên những tiêu chí an toàn chung mà Bộ Y tế quy định thì các tỉnh xung quanh cũng nên đưa ra phương án tương tự, chỉ có thêm vài quy định mang nét đặc thù của địa phương đó
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển
|
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng dự thảo này đã được TP lấy ý kiến nhiều lần từ các hiệp hội, tổ chức và các quận, huyện nên đến nay cơ bản đã có tiếp thu, chỉnh sửa nhiều quy định. Chẳng hạn, dự thảo đã nói rõ chỉ xét nghiệm Covid-19 đối với nhóm nguy cơ cao hoặc khi cần thiết; bỏ quy định yêu cầu các DN, cá nhân phải xét nghiệm 3 ngày/lần hay 7 ngày/lần. Điều này cho thấy TP.HCM sẽ trao trách nhiệm đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình hoạt động, sản xuất cho cả người dân lẫn DN, chỉ kiểm tra, giám sát với các tiêu chí hướng dẫn chung. Quy định này hoàn toàn phù hợp vì sự an toàn trong dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào ý thức, tinh thần trách nhiệm của toàn bộ người dân và độ tiêm phủ vắc xin. Người dân cần chấp hành tốt quy định 5K hay bản thân DN cũng xây dựng lại quy trình đảm bảo sản xuất để an toàn, phù hợp với tình hình mới.
Dù vậy, ông Chu Tiến Dũng cũng cho rằng hiện vẫn còn tranh cãi về việc quy định cho phép người dân lưu thông giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận nên cần xem lại. Nếu không có giải pháp cụ thể thì các DN tại TP.HCM sẽ gặp khó về nguồn lao động và ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, nhiều người lao động và nhà đầu tư vẫn lo lắng về tình hình dịch bệnh của TP.HCM. Do đó, cần phải có những kế hoạch để tiếp tục khẳng định đây là thành phố năng động, an toàn để thu hút lại lực lượng lao động và các nhà đầu tư trong ngoài nước.
“Quan trọng nhất là các quy định của TP đều dựa trên bộ tiêu chí an toàn của Bộ Y tế. Vì vậy, cần thiết phải sớm ban hành bộ tiêu chí chung đó để TP sớm có hướng dẫn và từng bước mở cửa lại hoạt động, khôi phục kinh tế”, ông Chu Tiến Dũng nói thêm.
Dọn dẹp để chuẩn bị mở lại showroom đồ nội thất trên đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM. Ảnh: Độc Lập
|
Chưa có tính liên kết vùng
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định dự thảo mở cửa của TP.HCM từ ngày 1.10 đang theo chiều hướng diễn biến tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của DN và người dân. Đáng nói, dự thảo về việc phục hồi kinh tế của TP.HCM còn khá thận trọng và thiếu sự phối hợp liên kết vùng với các địa phương kế cận. Chẳng hạn như quá nhiều tiêu chí cho mỗi ngành nghề. Riêng việc chưa cho phép người dân đi lại tại TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ tiếp tục gây cản trở cho hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều DN tại TP.HCM nói riêng và cả các địa phương này.
“Trải qua thời gian dài chống dịch, người dân TP.HCM về cơ bản đã nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch. Hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu chủ quan, coi thường sức khỏe, để dịch bùng phát trở lại thì còn nguy hiểm và tốn kém hơn rất nhiều lần. Thêm vào đó, tỷ lệ tiêm vắc xin của TP.HCM đã đạt khá cao. TP tiến tới bình thường mới thì nên có những bước tiến chủ động, mạnh dạn. Nếu quá thận trọng hoặc thụ động thì sẽ rất khó thích nghi”.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM
|
“Bình Chánh thuộc TP.HCM giáp ranh với Long An thì tại sao phải cấm người dân qua lại? Về nguyên tắc phòng chống dịch thì Bình Chánh hay Long An không có gì khác nhau. Tương tự, vùng ven của TP.HCM giáp với Bình Dương và bình thường có nhiều hoạt động giao thương, sinh hoạt thì cũng như nội vùng. Vì vậy, các phương án mở cửa lại kinh tế của TP.HCM dựa trên những tiêu chí an toàn chung mà Bộ Y tế quy định thì các tỉnh xung quanh cũng nên đưa ra phương án tương tự, chỉ có thêm vài quy định mang nét đặc thù của địa phương đó”, ông Hiển đặt vấn đề và cho rằng nguyên tắc chung là để nền kinh tế tự do vận hành. Đã hình thành cơ chế kinh tế vùng thì cần có thống nhất quy trình mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong thời kỳ bình thường mới để hỗ trợ lẫn nhau, cùng hồi phục kinh tế nhanh nhất.
Đồng quan điểm, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM, cho rằng nếu TP.HCM mở cửa mà các tỉnh, thành khác vẫn còn thận trọng thì sẽ rất khó cho TP. Các hoạt động giao thông, giao thương, chuỗi cung ứng, sản xuất liên tỉnh, liên vùng chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại, thậm chí tiếp tục gián đoạn. Tuy vậy, dù các tỉnh, thành khác chưa mở thì TP.HCM vẫn phải giữ quan điểm tự vận động mở cửa nhưng phải linh hoạt, phù hợp với tinh thần chung là thích ứng, sống chung với Covid-19.
ĐỒ HỌA: VĂN NĂM
|
Quán hủ tiếu, quán phở... nằm chờ
Dự thảo quy định giai đoạn đầu mở cửa, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán lẻ hàng hóa các loại; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi (trừ trường hợp địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán ăn uống tại chỗ). Anh Nguyễn Hoàng, chủ hệ thống buffet “123K Nướng ngon” với 4 chi nhánh tại H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12 cùng quán hủ tiếu nam vang Ngon Quán (Q.10), cho rằng giả sử quy định ban hành chính thức thì ngày 1.10 cũng chưa kịp mở lại quán hủ tiếu để bán mang đi, bởi sau hơn 4 tháng đóng cửa, bàn ghế đã hư hỏng cần được sửa chữa. Hơn nữa, các chợ truyền thống chưa hoạt động thì việc mua nguyên phụ liệu cho bếp vẫn khó và giá vẫn cao hơn trước. “Nói chung là vẫn tiếp tục chờ xem các quy định chi tiết”, anh Hoàng chia sẻ.
TS Trần Quang Thắng cũng cho rằng lực lượng tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, buôn bán hàng rong chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM. Trong giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, đây cũng là những đối tượng chịu tổn thương lớn nhất, mất sinh kế, dựa hoàn toàn vào trợ cấp của ngân sách TP. Nếu tiếp tục ngưng hoạt động buôn bán của họ, ngân sách bỏ ra để đảm bảo an sinh, đời sống cho nhóm đối tượng này sẽ rất “khủng khiếp”. Do đó, cần tạo cơ hội cho họ nhanh chóng tự lực cánh sinh, trở lại cuộc sống bình thường.
Theo TS Thắng, TP.HCM nên tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán hàng rong để họ sớm hoàn thành đủ 2 mũi vắc xin. Đối với những người bán hàng rong đủ điều kiện có thẻ xanh, có thể cho phép buôn bán trở lại trong thời gian giới hạn (chỉ bán ban ngày), sau đó nới dần ra. Đối với hàng quán, các hộ kinh doanh cá thể, không nhất thiết áp dụng chỉ bán hàng mang về trên toàn TP. Những khu vực nào đã xanh, đã an toàn, nhà hàng nào đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn dịch bệnh, hệ thống đề phòng tốt thì cho phép bán tại chỗ, kèm theo các điều kiện như chỉ nhận khách đã có thẻ xanh, giới hạn số lượng người, đảm bảo có vách ngăn, quy tắc 5K...
Hà Mai
Thanh niên
|