TP.HCM từ 1/10: Người dân không tự ý đi lại liên tỉnh, bỏ giấy đi đường
Liên quan vấn đề người dân rời thành phố về các địa phương khác, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình lưu ý người dân phải di chuyển theo tổ chức và không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác.
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong buổi họp sáng 30/9. Ảnh: Thu Hằng.
|
Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết: "Sau ngày 30/9 sẽ không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân”, ông Bình làm rõ. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn phải kiểm soát dịch bệnh.
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở...) hoặc cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng "Y tế HCM" thể hiện lịch sử tiêm vaccine.
Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
TP.HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
"Người đi xe cá nhân sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh. Người dân được mở rộng việc tham gia giao thông để tiếp cận các điều kiện tốt hơn. TP.HCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP.HCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai) sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng phương tiện chung", ông Bình nhấn mạnh.
Tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Khi làm chỉ thị này, lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên 2 mũi vaccine để không trở nặng khi bị nhiễm.
TP.HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP.HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
TP.HCM sẽ kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường
Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố kiểm tra, giám sát.
"TP.HCM không cấp giấy đi đường nhưng tuần tra, kiểm tra. Ở các chốt kiểm soát, công an hoàn toàn có thể kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Nếu chưa đủ điều kiện về vaccine thì chưa được tham gia lưu thông và sẽ bị nhắc nhở", ông Bình nói.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thành phố sẽ sử dụng biện pháp kiểm soát khác thay giấy đi đường trước đây đối với người dân đủ điều kiện lưu thông. Công an TP duy trì 12 chốt chính giáp ranh các tỉnh, địa phương TP.HCM và các chốt phụ. Tổng cộng có 51 chốt phụ với sự phối hợp công an địa phương kiểm soát người ra vào TP.
Theo đại tá Quang, sau 30/9, Công an TP sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, Công an TP sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất, ngẫu nhiên trên đường.
Đại tá Quang cho hay trong thời gian ứng dụng PC-Covid chưa được cập nhật, đồng bộ và đưa vào sử dụng, người dân có thể trình giấy xác nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi, hoặc người là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày có giấy xác nhận cũng được lưu thông.
“Nếu không thể ứng dụng công nghệ, Công an TP sẽ ứng dụng những thứ thủ công để làm sao tạo điều kiện cho người dân lưu thông”, đại tá Quang nói.
Trong thời gian tới, đại tá Quang cho biết Công an TP.HCM có thể thành lập một số chốt lưu động, tổ chức kiểm tra cả test nhanh y tế khi cần thiết.
Về vấn đề tâm lý người dân có mong muốn về quê, rời thành phố, đại tá Quang lưu ý người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân.
“Với 51 chốt của TP, nếu người dân cùng kéo về các tỉnh sẽ gây ra ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của chuỗi cung ứng hàng hóa. Công an TP.HCM sẽ phối hợp công an các địa phương để kiểm soát, xử lý. Nếu người nào cố ý, tự ý rời thành phố làm lây lan dịch bệnh có thể xử lý hình sự”, đại tá Quang nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình khẳng định thành phố không vì lý do nào đó mà cấm cản người dân rời địa bàn. Việc kiểm soát này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho tất cả người dân. Mỗi tỉnh thành có mức độ phủ vacicne và dịch bệnh khác nhau. Do đó, người dân có nhu cầu về quê phải di chuyển theo tổ chức để tránh xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh.
Về thắc mắc nhiều người TP.HCM đang bị kẹt ở các tỉnh làm thế nào để về lại thành phố, ông Bình cho biết người dân có nhu cầu cần gửi đơn lên Sở Giao thông Vận tải TP để xem xét. Thành phố chưa có bộ tiêu chí hay quy định cho việc đưa đón này mà đang thực hiện giống như tổ chức đưa đón công nhân, lao động ở các tỉnh về.
Nhật Quang
FILI
|