Nghị quyết về thích ứng an toàn mới: Nhiều hoạt động được mở theo cấp độ dịch
Ngày 11/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị quyết của Chính phủ ban hành “Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Chính phủ quy định trong trường hợp nâng cấp độ dịch, địa phương phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân
|
Mục tiêu đặt ra của nghị quyết là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn; các địa phương có dịch bắt đầu lộ trình thích ứng an toàn; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong năm 2021.
Theo đó, quy định phân loại 4 cấp độ dịch. Cấp 1 là vùng nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình (màu vàng); cấp 3 là nguy cơ cao (màu cam) và cấp 4 là nguy cơ rất cao (màu đỏ).
Có 3 tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch là tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.
Chính phủ quy định trong trường hợp nâng cấp độ dịch, địa phương phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp để có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Những hoạt động được phép mở trong trạng thái bình thường mới
Trong nghị quyết, Chính phủ quy định rõ hoạt động của từng loại hình tương ứng với từng cấp độ dịch.
Nếu dịch ở cấp độ 1 sẽ được tổ chức các hoạt động trong nhà, ngoài trời không hạn chế số người; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh cùng vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động (riêng đường hàng không và đường sắt theo quy định riêng).
Bên cạnh đó, ở cấp độ 1, các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…
Hoạt động thể dục thể thao được phép hoạt động ở nhiều cấp độ
|
Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.
Ở cấp độ 2, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng cùng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… sẽ được tổ chức hoặc hoạt động nhưng hạn chế hoặc có điều kiện.
Riêng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc… sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.
Ở cấp độ 3 sẽ không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện với vận tải hành khách công động đường bộ, đường thủy nội địa; hoạt động bán hàng rong, vé số.
Hoạt động giáo dục hoặc đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… sẽ hoạt động hạn chế.
Khi dịch có nguy cơ rất cao ở cấp độ 4, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức/ hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.
Tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các địa phương sẽ quyết định biện pháp hành chính phù hợp bao gồm quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người.
Chính phủ cho phép địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Theo nghị quyết Chính phủ ban hành, chủ tịch tỉnh là người được quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Nghị quyết này được ban hành cũng đồng nghĩa với việc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng.
Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn các biện pháp tại quy định này thì chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế và Thủ tướng. Cùng với việc ban hành nghị quyết, Chính phủ giao rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ nói chung sẽ ban hành hướng dẫn mới hoặc cập nhật, sửa đổi các hướng dẫn đã có, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đảm bảo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của mình.
Các bộ ngành cũng cần kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch cho các địa phương. Chính phủ giao các địa phương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua.
Nhật Quang
FILI
|