Phục hồi kinh tế TPHCM: Cần gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ lớn
Ngày 1-10, UBND TPHCM ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND về “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM”, theo tinh thần “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa phải an toàn”, tạo nhịp để từ tháng 11 có thể chuyển sang điều kiện bình thường mới.
TPHCM đã từng bước trở lại thời kỳ bình thường mới.
|
Trao đổi với chúng tôi, Ts. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhận định TPHCM có lợi thế để tin tưởng mở cửa kinh tế sẽ bảo đảm được an toàn. Tuy nhiên, để TPHCM xác lập lại vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam và cả nước, không thể chỉ dùng giải pháp thông thường, cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mạnh hơn.
Phóng viên: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc TPHCM áp dụng Chỉ thị 18, nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế từ ngày 1-10?
Ts.Trần Du Lịch: - Trước hết phải nói rằng, UBND TPHCM xây dựng Chỉ thị 18 phục hồi kinh tế theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn thích ứng với sự tồn tại của dịch Covid-19 trong giai đoạn mới là nỗ lực rất lớn. TP đã trải qua 120 ngày giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau, trong đó gần 80 ngày áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, ai ở đâu ở yên đó.
Đây là giai đoạn các hoạt động kinh tế hoàn toàn gãy đổ, hầu hết DN đều ngưng hoạt động, đặc biệt gần 250.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, lực lượng tạo nên sự sinh động của kinh tế TPHCM, hầu như tạm ngưng hoạt động.
Thực tế, đến ngày 30-9, sức chịu đựng của nền kinh tế TP, sinh kế cũng như tâm lý người dân và những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, việc làm… được đánh giá đã đến đáy, không thể tiếp tục kéo dài việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt nữa.
Tuy nhiên, khi ban hành Chỉ thị 18, TPHCM cân nhắc rất kỹ theo những tiêu chí an toàn về phòng chống dịch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch. TP đặt vấn đề an toàn, ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, trong điều kiện mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế một số ngành, lĩnh vực có thể kiểm soát được, theo nguyên tắc an toàn đến đâu mở dần đến đó, không tạo sự đột biến vượt khả năng phòng chống dịch.
Sau những ngày đầu thực thi Chỉ thị 18, có thể thấy tình hình về phòng chống dịch tương đối cải thiện ở tất cả các mặt, số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm đáng kể, số người xuất viện cao gấp 2-3 lần so với số người nhập viện, số tử vong cũng giảm nhiều.
TP có lợi thế để nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế là tỷ lệ hoàn thành vaccine mũi 1 trên địa bàn gần như đạt mức bao phủ toàn dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó phần lớn người có bệnh nền, người lớn tuổi đều đã được tiêm 2 mũi.
Điều kiện quan trọng nhất để sống chung với dịch là tiêm vaccine, nên có thể tin tưởng TP mở cửa kinh tế sẽ bảo đảm được an toàn. Tới nay, TP vừa kiểm soát được dịch tốt, vừa có tín hiệu của một cơ thể đang lấy lại sức sống. Đó là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 18 liên quan đến việc mở lại các hoạt động kinh tế cũng mới ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thể gọi là mở rộng.
Thí dụ, TP cho mở cửa hàng ăn uống nhưng chỉ bán mang về, cho người dân đi lại nhưng kiểm soát rất kỹ điểm đến, đặc biệt tập trung phương pháp phòng dịch căn cơ là người dân phải chấp hành 5K, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ những điều kiện an toàn mới được mở cửa…
Những điều này được TP kiểm soát khá kỹ theo bộ tiêu chí từng ngành, từng lĩnh vực, trong các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh… Tới đây, việc bao phủ vaccine và yêu cầu chấp hành quy tắc 5K sẽ là 2 công cụ quan trọng để bảo đảm mở cửa kinh tế an toàn.
- Thưa ông, sau khi thực hiện Chỉ thị 18, DN đi vào hoạt động liệu có thiếu công nhân, khi lượng lớn người lao động (NLĐ) trở về quê trong những ngày qua?
- TPHCM tập trung nguồn lao động từ hầu hết địa phương trong cả nước. Đặc biệt, TP có thị trường lao động chung với các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Vì vậy, sau 120 ngày giãn cách xã hội một số lao động đã trở về quê, số khác đang ở các địa phương do việc hạn chế đi lại chưa thể đến TPHCM. Do đó đã có những dự báo khi mở lại các hoạt động kinh tế TP sẽ thiếu lao động, phải có tính toán để đưa lao động trở lại.
Hiện nay nguồn lao động của TPHCM có 3 dạng. Thứ nhất, số lao động làm việc trong 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện TP đang tính toán mở lại sản xuất đến đâu sẽ thu hút lao động đến đó. TP cũng có phương án phối hợp với các địa phương đưa lao động trở về DN, đồng thời ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine cho NLĐ nhóm này để DN an tâm trong vấn đề mở cửa.
Thứ hai là lao động dịch vụ. Khu vực dịch vụ đóng góp 62% tổng sản phẩm nội địa của TP, các hoạt động dịch vụ phần lớn dựa vào lao động nhập cư. Lĩnh vực này được đánh giá có khả năng thiếu lao động do việc trở về của NLĐ còn khó khăn, vì nhiều địa phương chưa tiêm vaccine cho NLĐ để họ đủ điều kiện quay về TPHCM hoạt động. Tuy nhiên, việc mở cửa này làm từng bước nên nhu cầu lao động ở lĩnh vực này cũng ở mức độ hạn chế, chưa phải nhiều.
Thứ ba rất đặc biệt ở TPHCM là lao động tự do. Hiện phần lớn nhóm này chưa được phục hồi hoạt động, nên sau ngày 1-10 một số người đã đi ra khỏi TP. Tôi nghĩ trong phương án phục hồi kinh tế, TPHCM sẽ có giải pháp để thu hút lại lực lượng lao động cho tất cả ngành nghề, lĩnh vực.
- DN phục hồi sản xuất lúc này rất cần tiền, trong khi chính sách tài khóa mở rất hẹp, chính sách tiền tệ gần hết dư địa. Vậy TPHCM lấy nguồn từ đâu hỗ trợ DN, thưa ông?
- Có thể nói, TPHCM chịu tác động bởi dịch Covid-19 về kinh tế lớn nhất nước. Trong quý III cả nước tăng trưởng âm hơn 6%, TPHCM âm gần 25% và nhiều lĩnh vực, nhiều ngành gãy đổ.
Để phục hồi TP cần những giải pháp hỗ trợ DN mạnh hơn giải pháp chung của cả nước, trong đó quan trọng nhất là dòng vốn cho DN, đặc biệt với những DN hiện không có điều kiện để vay do nợ quá hạn. Điều này rất quan trọng.
Còn chính sách miễn thuế không có ý nghĩa, vì phần lớn DN gãy đổ và rất cần dòng tiền mới để hoạt động. TP có thể nghiên cứu nhiều phương diện để hỗ trợ DN phục hồi. Ngoài ra, các biện pháp đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh chi ngân sách để kích thích tổng cầu nền kinh tế, cũng là cách tạo dòng vốn hỗ trợ DN.
Về nguồn tiền, TP có thể đề nghị Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương vượt khung. Vì khi TP phục hồi trở lại, khả năng trả nợ rất cao.
Hoặc TP có thể tính toán đến các nguồn khác như đấu giá quỹ đất, nguồn vốn cổ phần hóa… để tạo nguồn riêng bổ sung gói hỗ trợ DN, bên cạnh các gói Chính phủ hỗ trợ chung cho cả nước. Ngoài ra, một số thủ tục hành chính liên quan đến DN phải cải cách để DN chỉ lo tổ chức lại sản xuất, không phải khổ về thủ tục.
- Có ý kiến cho rằng trong thời kỳ bất thường, chính sách vẫn bình thường là điều bất bình thường. Quan điểm ông thế nào?
- Quan điểm thời kỳ bất thường phải có chính sách bất thường hay là chính sách đặc thù, đặc biệt mới vực dậy được kinh tế trong giai đoạn tới là rất đúng. Bởi kinh tế TPHCM đã giảm rất sâu, rất mạnh và một số lĩnh vực gần như gãy đổ. Trước mắt giai đoạn từ nay đến cuối năm, TP phải có những giải pháp đủ mạnh để giúp những DN đang bám trụ dần dần hồi sinh trở lại.
Trong giai đoạn tới, khi chuyển sang thời kỳ bình thường mới, vấn đề an toàn, phòng chống dịch là điều kiện để DN hoạt động. Vì vậy, những giải pháp hỗ trợ DN phải bao gồm cả ổn định và kiểm soát được dịch, để bám sát quan điểm của TP là DN mở cửa sẽ không đóng lại.
Về các chính sách liên quan đến tài khóa tiền tệ như đã nói ở trên, chắc chắn phải có những gói hỗ trợ. TP phải tính toán gói chung đủ mạnh, đủ lớn để vực dậy DN, đặc biệt từ năm 2022, tập trung trong nửa đầu năm.
- Theo ông, giải pháp tổng thể phục hồi kinh tế TPHCM sẽ như thế nào cho những tháng còn lại của năm 2021 và 2022?
- Tôi nghĩ rằng nếu trong tháng 10 việc kiểm soát dịch tốt, 2 tháng cuối năm TP có thể mở rộng hơn các hoạt động kinh tế để tạo điều kiện cho những DN có khả năng mở lại hoạt động sản xuất hoàn toàn có thể tổ chức mở rộng quy mô hoạt động của họ.
Đồng thời, TPHCM cần chương trình trung hạn trong 4 năm 2022-2025 để phục hồi kinh tế. Chương trình trung hạn này gồm nhiều nội dung, trong đó nội dung rất quan trọng là gói hỗ trợ về tài chính.
Một nội dung nữa là tập trung tăng nguồn ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu, để có nguồn tài trợ đầu tư công, tăng các công trình đầu tư công. Làm được như vậy, TP sẽ từng bước xác lập lại vị trí vai trò của mình, một đầu tàu kinh tế ở khu vực phía Nam và cả nước.
Điểm nữa cũng phải nhìn nhận, kinh tế TPHCM không phải của riêng TP mà liên quan đến kinh tế vùng và cả nước, nên rất cần sự phối hợp chỉ đạo chung của Chính phủ để khai thông toàn bộ hoạt động giao lưu kinh tế cả nước, kể cả kinh tế đối ngoại, để TPHCM có thể trong bối cảnh đó phát huy vai trò của mình.
Vì hiện nay toàn bộ chuỗi cung ứng của cả nước bị tắc nghẽn. Một điều may mắn là TPHCM và 3 tỉnh lân cận là Long An, Bình Dương, Đồng Nai có chương trình phối hợp tương đối đồng bộ về giải quyết những vấn đề chung trong phục hồi kinh tế.
Nhưng tôi nghĩ không chỉ 4 địa phương này mà cần có sự chỉ đạo của Trung ương liên quan đến những vấn đề chung, bối cảnh chung của cả nước, liên quan đến hướng phục hồi kinh tế của cả nước, đến phương pháp an toàn phòng chống dịch, sống chung với dịch trong tương lai.
Định hướng đó rất quan trọng đối với quá trình phục hồi kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Như vậy đến khi cả nước có độ phủ về vaccine tương đối cao, chúng ta sẽ có thể sống chung với dịch Covid-19 như nhiều nước đang áp dụng.
- Xin cảm ơn ông.
Để TPHCM xác lập lại vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam và cả nước, không thể chỉ dùng giải pháp thông thường, cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mạnh hơn.
|
Yên Lam
ĐTTC
|