Thứ Hai, 11/10/2021 08:47

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ mạnh tay, địa phương mới hết cát cứ

Đại biểu Quốc hội cho rằng lo ngại của các địa phương là chính đáng nhưng nếu không mở cửa giao lưu thì không thể phục hồi, phát triển kinh tế.

Chính phủ phải mạnh tay, địa phương mới hết cát cứ ảnh 1

“Việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo trong cuộc họp ngày 9/10 với 63 tỉnh, thành phố.

Nhưng chỉ một ngày sau, người đứng đầu Chính phủ phải ban hành một công điện hỏa tốc yêu cầu một số địa phương chấn chỉnh vì không thực hiện chỉ đạo.

Khư khư đóng cửa, làm sao phục hồi kinh tế?

Trước tình trạng một số địa phương tiếp tục giữ tư duy cát cứ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh giải pháp duy nhất là Chính phủ ra tay và phải mạnh tay, khi đó, các địa phương mới chấm dứt tình trạng cát cứ, chia cắt.

“Chính phủ cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của bộ ngành, địa phương nếu công điện chỉ đạo của Thủ tướng không được thực hiện nghiệm, đặc biệt trong việc mở đường bay và các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy. Phải xử lý trách nhiệm một cách rạch ròi, cụ thể như vậy thì mới chấm dứt tình trạng mỗi nơi làm một nẻo”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Nếu cứ khư khư đóng cửa trong mỗi tỉnh thì từ nay đến cuối năm, tình hình phát triển kinh tế và việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ chắc chắn không đạt được.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Theo ông Hòa, mỗi địa phương đều có tinh thần cảnh giác và kiểm soát dịch rất cao. Tỉnh thành nào cũng lo ngại việc mang mầm bệnh từ nơi khác đến địa phương mình.

Họ cũng lo nếu mở cửa khiến dịch lây lan và bùng phát sẽ làm ảnh hưởng cục diện chung ở địa phương. Chia sẻ với những lo ngại này nhưng vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh “mỗi tỉnh không thể tự đóng cửa mãi”.

Ông Hòa cho rằng nếu không giao lưu, quan hệ với các địa phương khác thì không thể mở cửa trở lại để phục hồi và phát triển kinh tế. Vì vậy, dù lo ngại trên là chính đáng, các tỉnh, thành phố cần hành động vì lợi ích chung của cả nước.

Chính phủ phải mạnh tay, địa phương mới hết cát cứ ảnh 2

Nhiều hành khách có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM để chờ làm thủ tục bay trong ngày đầu tiên thí điểm mở lại các đường bay nội địa. Ảnh: Chí Hùng.

Nhấn mạnh yếu tố liên kết vùng rất quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất và phát triển kinh tế, đại biểu Phạm Văn Hòa nói tính cát cứ, riêng biệt theo từng địa phương sẽ phá vỡ cấu trúc liên kết này, đó là bước thụt lùi trong sự phát triển chung.

“Tất cả văn bản, quy hoạch, đề án tính có tới yếu tố liên kết vùng. Vì thế, nếu cứ khư khư đóng cửa trong mỗi tỉnh thì từ nay đến cuối năm, tình hình phát triển kinh tế và việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ chắc chắn không đạt được. Có chăng chúng ta chỉ đạt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát được dịch Covid-19”, ông Hòa nhận định.

Theo vị đại biểu Quốc hội, tâm lý chung của mỗi địa phương hiện nay đều muốn làm sao cho an toàn trước dịch bệnh, còn kinh tế có thể phục hồi sau. Song mục tiêu chúng ta theo đuổi là mục tiêu kép, khi dịch đã dần ổn định thì phải tính ngay tới các giải pháp phục hồi kinh tế, khôi phục các đứt gãy vì nếu để đứt gãy quá lâu sẽ không còn khả năng phục hồi.

Ông Hòa cho rằng các địa phương nên mở cửa một cách có điều kiện. Ví dụ với hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc giao thông đi lại, người tiêm đủ vaccine và có xét nghiệm âm tính cần được tạo điều kiện hơn. “Cốt lõi là Chính phủ phải chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống, thống nhất trên toàn quốc”, ông Hòa nhắc lại.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng Chính phủ cần quyết đoán, quy định rõ việc gì địa phương phải làm và cho phép địa phương linh hoạt, sáng tạo nhưng không đồng nghĩa với việc được quyền tự quyết định.

“Tự chủ là chủ động triển khai sao cho đạt hiệu quả tốt nhất chủ trương của Chính phủ, chứ không phải tự chủ là không làm hoặc làm sai”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cần đầu mối ban hành quy định thống nhất

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhìn nhận đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy việc di chuyển, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.

Để khắc phục hậu quả của đại dịch, việc quan trọng đầu tiên là phải nối lại các đứt gãy đó. “Muốn vậy phải có điều kiện, và một trong những điều kiện là đảm bảo vaccine, thuốc điều trị và hệ thống y tế”, ông Ngân nói.

Chính phủ phải mạnh tay, địa phương mới hết cát cứ ảnh 3

Muốn sống thích ứng, an toàn với dịch đòi hỏi phải đủ điều kiện mới, trong đó có việc tiếp cận vaccine và hệ thống y tế cơ sở của từng địa phương. Ảnh: Phương Lâm.

Theo ông Ngân, Chính phủ hiện nay đã chọn quan điểm sống thích ứng, an toàn với Covid-19, thí điểm cho những người đã tiêm vaccine đầy đủ và có xét nghiệm âm tính được đi lại. Vì vậy, các địa phương phải tạo điều kiện cho việc này để chỉ đạo của Thủ tướng được thông suốt.

Ví dụ với người đã tiêm đủ vaccine và có xét nghiệm âm tính, không cần thiết quy định phải cách ly tập trung mà có thể tạo điều kiện cách ly tại nhà. Người nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để nâng cao ý thức trong phòng dịch.

“Đây là việc quan trọng nên cần có sự thống nhất giữa các địa phương với nhau. Trong giao thông, vận tải cần một đầu mối thống nhất, Chính phủ có thể giao Bộ GTVT được quyền công bố các quy định liên quan đến giao thông và các địa phương phải tuân thủ. Còn khi người dân về địa phương, việc quản lý thế nào sẽ do địa phương quyết”, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý và cho rằng nếu để từng địa phương quyết định vấn đề về vận tải, giao thông sẽ không có sự thống nhất và tiếp tục gây đổ vỡ các chuỗi cung ứng.

Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cần được tạo điều kiện để dần thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

“Nhiều địa phương thận trọng là cần thiết, vì muốn sống thích ứng, an toàn đòi hỏi phải đủ điều kiện mới làm được, tùy khả năng tiếp cận vaccine và hệ thống y tế cơ sở”, ông Ngân nêu quan điểm. Song theo ông, với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cần được tạo điều kiện để dần thích ứng với trạng thái bình thường mới.

“Phải có quy định ràng buộc đi lại giữa các địa phương nhưng cần một đầu mối ban hành thống nhất. Chúng ta chọn cách sống thích ứng an toàn với dịch thì phải nới lỏng dần mọi hoạt động”, vị đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ. Ông Ngân dẫn chứng ngay như ở TP.HCM, chính quyền cũng đang rất thận trọng song vẫn quyết định nới lỏng dần giãn cách.

Ngoài tổn thương về kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất cần có chính sách quan tâm tới những tổn thương, thiệt hại về con người. Đó là việc lo chu đáo cho những người đã mất vì Covid-19 và có chính sách chăm lo cho những trẻ em mất cha mẹ vì dịch, thậm chí có những sinh viên đang đi học phải bỏ học giữa chừng vì cha mẹ mất, không còn kinh phí để học.

Từ thực tế đó, ông Ngân đề xuất các trường đại học tiếp sức cho những sinh viên này, miễn học phí để các em có thể tiếp tục theo học. Cùng với đó, Nhà nước cần có thêm chính sách quan tâm tới những đối tượng trẻ mồ côi vì dịch Covid-19.

Hoài Thu

ZINg

Các tin tức khác

>   Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc (09/10/2021)

>   Việt Nam được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế tại Đông Nam Á (08/10/2021)

>   Cỗ xe tam mã tăng trưởng đối mặt với nhiều rào cản phía trước (08/10/2021)

>   Chủ tịch Quốc hội: Sức khỏe người dân, DN bị bào mòn qua các đợt dịch (07/10/2021)

>   Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 2,7% (07/10/2021)

>   "Giải nén” để nền kinh tế bứt tốc (07/10/2021)

>   Tổng bí thư: Nhiều khó khăn, thách thức có thể kéo dài sang năm 2022 (07/10/2021)

>   Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM đang lấy lại sức sống (06/10/2021)

>   Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Đưa 'cỗ xe tam mã' trở lại (06/10/2021)

>   Ứng phó đại dịch: Việt Nam cần chương trình tài khóa lớn (05/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật