GDP năm 2021: Khó tăng trưởng âm
Do tác động tiêu cực của dịch bệnh, tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu, khiến tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vẫn đánh giá bức tranh kinh tế có điểm sáng, tạo đà cho tăng trưởng quý IV/2021.
Tăng trưởng GDP quý III/2021 âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước khiến tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Có nhiều lo ngại tăng trưởng cả năm sẽ âm, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Đến nay, chúng ta đã đi được 3/4 quãng đường của năm 2021 và đạt mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước được đánh giá ở mức thấp (1,42%). Nhưng, với những gì tôi quan sát và thấy được thì khả năng tăng trưởng âm trong năm nay là khó xảy ra, trừ khi có những đột biến, tác động không lường được của dịch Covid-19. Tôi vẫn tin là Việt Nam có thể kiểm soát dược dịch bệnh và quý IV sẽ có mức tăng trưởng cao nhất có thể, thậm chí có thể cao hơn cả quý I (4,48%) và đạt được mức như quý II (6,61%).
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
|
Nhìn vào bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm, theo bà đâu là những điểm tích cực để chúng ta có thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn vào quý IV/2021?
Mặc dù quý III tăng trưởng âm khá sâu (6,17%) và 9 tháng tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,42%, nhưng bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng, điểm tích cực. Điểm tích cực đầu tiên là khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, trong bức tranh màu xám của kinh tế 9 tháng thì khu vực này vẫn giữ được vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế, với mức tăng trưởng dương ở cả quý III (tăng 1,04%) và 9 tháng (tăng 2,74%). Đây có thể được coi là nền tảng giúp đảm bảo được an sinh, an dân trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng và tác động của dịch bệnh đe dọa đến đời sống, tính mạng của người dân.
Thứ hai, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng vẫn tăng ở mức rất cao, trên 24,4%, với tổng kim ngạch trên 483 tỷ USD, đây là mức khá cao, vượt qua cả giai đoạn trước và khẳng định được sự kết nối giữa Việt Nam với nền kinh tế thế giới, khu vực qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Thứ ba, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư Việt Nam vẫn rất tốt, điều này được thể hiện qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm, 9 tháng đầu năm vẫn tăng lần lượt 20,6% và 25,6% so với cùng kỳ năm trước… Đó là những tín hiệu tích cực giúp chúng ta có thêm cơ sở kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn vào quý IV.
Theo bà, từ tín hiệu trên để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn vào những tháng cuối năm, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
Để đạt được mức tăng trưởng cao hơn vào những tháng cuối năm, chúng ta cần xác định tâm thế sống chung an toàn với dịch Covid-19, muốn làm được như vậy thì cần có khung hướng dẫn y tế kịp thời cho mỗi tổ chức, địa phương, thậm chí từng cá nhân để giúp họ phản ứng nhanh nhất, sớm nhất với dịch bệnh, giảm thiểu những tác động bất lợi mang tính lan tỏa đến các vùng, khu vực và từng lĩnh vực cụ thể. Đây là yếu tố tiên quyết nhằm tạo nền tảng vững chắc, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân khôi phục lại sản xuất và ổn định đời sống.
Bên cạnh khung hướng dẫn phòng, chống dịch, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng cần nỗ lực để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu dùng, giữa mỗi đơn vị với nhau, cũng như giữa Việt Nam với thế giới. Đó chính là điều kiện để huy động sức mạnh tổng hợp, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội cho chuỗi giá trị trong nước xâm nhập vào thị trường thế giới. Làm được như vậy chúng ta mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Hòa
Báo Công Thương
|