Thứ Hai, 04/10/2021 10:23

Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch, phát triển KT-XH

Việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách Nhà nước, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm nay có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và cũng hết sức phức tạp do bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp, biến động bất thường; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, gay gắt và nặng nề hơn so với dự báo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Vấn đề về kinh tế-xã hội năm 2021-2022 là một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 4 lần này xem xét, cho ý kiến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới và khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á và nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng: Nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử...

Kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, không đồng đều, chưa thật sự vững chắc, còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo tiến hành rất thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; sớm kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; khẩn trương xây dựng các chương trình và tích cực tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025.

Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch gây ra.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay, với biến chủng mới - Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt là đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.

Vì vậy, cùng với Tờ trình tổng hợp chung, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024; cũng như việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Nêu rõ, các báo cáo này có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị dành thời gian nghiên cứu thật kỹ các tài liệu đã gửi và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới.

Chú ý tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Đối chiếu, phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước trong tình hình mới.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới; nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính - ngân sách Nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

Nguyễn Hoàng

Báo Chính phủ

Các tin tức khác

>   UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống 3% (04/10/2021)

>   Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp (04/10/2021)

>   Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đã hỗ trợ hơn 15.000 tỷ trong gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 (03/10/2021)

>   Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 3 - 3,5% (02/10/2021)

>   Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: Trọng tâm là công tác phòng chống dịch và các giải pháp phát triển KTXH cuối năm (02/10/2021)

>   Để kinh tế Việt Nam không 'lỡ nhịp' trong trạng thái 'bình thường mới' (02/10/2021)

>   Nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế (02/10/2021)

>   Kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022 sẽ thế nào? (01/10/2021)

>   Mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, kinh tế có thể tăng trưởng 2,1% (01/10/2021)

>   TP.HCM ban hành Chỉ thị 18 về nới lỏng giãn cách và phục hồi kinh tế từ 1/10 (01/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật