Thứ Hai, 04/10/2021 14:18

Kiên định mở cửa nền kinh tế, không nên quá 'sợ hãi'

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng 2021 là một năm mất mát về nhiều mặt, không chỉ về vật chất, mà cả nhân lực, tinh thần, năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ... Lúc nay, để khôi phục kinh tế, cần tăng bội chi ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thêm đầu tư.

“Kiên định mở cửa nền kinh tế, khắc phục nỗi “sợ hãi” từ cả phía người dân, người lao động lẫn chính quyền các cấp”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh khi trao đổi vớichúng tôi về giai đoạn mở cửa “thích ứng” với dịch Covid-19 hiện nay.

2021 - năm có nhiều mất mát

 - Thưa ông, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 2-10, đại diện Bộ KH-ĐT đã thông tin về các kịch bản phát triển kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2021. Theo đó, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng qua, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý 4 cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Ở kịch bản 2, với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý 4 cần tăng trưởng 8,84% trở lên. Ông có bình luận gì?

TS Nguyễn Đình Cung.

- Tôi cho rằng việc đạt được tăng trưởng tới 8,84% quý 4 là khó, nhất là trong bối cảnh mùa sản xuất cao điểm cuối năm đã đến. Bên cạnh đó, không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể đáp ứng đủ điều kiện để mở lại sản xuất, kinh doanh và một lượng lao động không nhỏ lại chuyển về quê... Nếu không có thay đổi đột biến, đột phá thực sự bằng chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển, thì khó đạt mục tiêu đặt ra cho năm nay.

Nhìn thẳng vào thực tế mà nói, 2021 là một năm mất mát về nhiều mặt, không chỉ về vật chất, mà cả nhân lực, tinh thần, năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ… Cơ cấu kinh tế, lao động, phân bổ nguồn lực đang bị đảo lộn. Đặc biệt, 3 vùng động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã bị xói mòn động lực, nay lại thiệt hại nghiêm trọng.

- Đây là năm thứ 2 liên tiếp không đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, việc làm và một số nhiệm vụ cải cách phát triển. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới?

 - Ở các nước phát triển, tốc độ tăng GDP giảm, thậm chí âm, nhưng thu nhập của người dân không giảm, và thu nhập khả dụng tăng. Vì vậy, khi dịch kết thúc hay được kiểm soát thì cầu bùng nổ. Việt Nam hoàn toàn khác vì nền kinh tế của chúng ta đang bị suy yếu cả bên cung và bên cầu, không thể phục hồi nhanh và cao khi mà hàng triệu lao động mất việc làm, mất thu nhập và đã tiêu đi phần lớn, thậm chí tiêu hết tiền tiết kiệm.

Cùng với đó, một số ngành dịch vụ đã tê liệt 2 năm liên tiếp.

-Trong khi hàng triệu lao động mất việc thì lại có dòng lao động chuyển dịch từ các trung tâm kinh tế về quê nhà, thưa ông?

 - Đây thực sự là điều đáng lo ngại. Từ góc nhìn của người lao động và đối với đại đa số người lao động ngụ cư đang quá khó khăn sau nhiều tháng giãn cách và phong tỏa, có lẽ họ không có lựa chọn khác. Tuy nhiên, ở đây cũng có tâm lý từ cả 2 phía: chính quyền và người lao động.

Phương châm chống dịch và hành xử giữa một số địa phương chưa thống nhất, nguồn lực hỗ trợ thì khiêm tốn, chưa đủ để giải quyết cho người lao động những khó khăn rất lớn mà họ phải đối diện trong cuộc sống. Nhiều người lao động có lẽ quá “sợ hãi” nên chấp nhận về quê bằng mọi cách, với tâm lý quê nhà vẫn là nơi “nương náu” an toàn nhất.

Để giải quyết vấn đề này, giữ chân người lao động nói riêng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung, qua đó phục hồi tăng trưởng, chúng ta phải có thêm nguồn lực. Chúng ta cần hàng chục tỷ đô la, muốn như thế phải chấp nhận bội chi ở mức bất bình thường, 6%-8% hoặc thậm chí hơn.

Tiếp thêm nguồn lực cho nền kinh tế

-Với nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay, chúng ta có thể lấy nguồn từ đâu để mạnh tay chi như ông nói?

Chuyên gia kinh tế cho rằng để khôi phục kinh tế, cần tăng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thêm đầu tư.

- Đương nhiên để bù đắp bội chi ngân sách, thì Chính phủ phải vay thêm nợ, phát hành trái phiếu trong nước, nước ngoài và các nguồn khác.

-Dư địa tài khóa có còn không, thưa ông?

 - So sánh với giai đoạn 2009-2011, dư địa chính sách của ta bây giờ tốt hơn rất nhiều và còn nhiều dư địa: Lạm phát thấp và ổn định; hệ thống tài chính, tuy còn rủi ro, nhưng vững và tốt hơn rất nhiều; bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép; cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa lo vượt trần nợ công, do vậy cần tăng bội chi ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thêm đầu tư để phục hồi kinh tế.

- Dự thảo chương trình phục hồi kinh tế của Bộ KH-ĐT mới đây đưa ra 8 nhóm giải pháp. Ông có đồng tình?

 - Dự thảo khá toàn diện, nên quá nhiều giải pháp (78 giải pháp chia thành 8 nhóm). Tuy nhiên, theo tôi, các giải pháp nên có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay, thực hiện quyết liệt trong thời hạn 2-3 năm. Kế hoạch phục hồi cần đưa ra mục tiêu cụ thể hơn.

Nếu nhìn vào mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ, thì rõ ràng chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng phải là yếu tố quyết định để từ năm 2022 hoặc năm 2023 phải đạt mục tiêu cao hơn so với những gì đã đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2021-2025. Những giải pháp trong chương trình phục hồi phải không trùng lặp với các chính sách, kế hoạch, chương trình đã có, mà cần phải khác hơn, mạnh hơn, cao hơn giải pháp đã có.

- Chương trình phục hồi có nói đến phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Liệu đã đến lúc chưa, khi hiện nay, Hà Nội vẫn đang “đóng băng” các chuyến bay thương mại?

 - Quan điểm của tôi là, đã đến lúc mở cửa thị trường du lịch nội địa và thí điểm mở cửa thị trường du lịch quốc tế, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế trong điều kiện “bình thường mới” khi đất nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Với Chương trình phục hồi kinh tế, tôi kiến nghị chia thành 4 nhóm. Thứ nhất, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở lại nền kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua đại dịch. Thứ ba, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, trong đó có kích cầu về du lịch. Thứ tư, hỗ an sinh xã hội và đào tạo lại lao động.

Tất nhiên, cũng không thể thiếu được một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bổ sung vào chương trình phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế 3 năm 2022-2024.

Anh Thư

Sài Gòn Đầu Tư

Các tin tức khác

>   Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch, phát triển KT-XH (04/10/2021)

>   UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống 3% (04/10/2021)

>   Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp (04/10/2021)

>   Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đã hỗ trợ hơn 15.000 tỷ trong gói 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 (03/10/2021)

>   Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 3 - 3,5% (02/10/2021)

>   Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: Trọng tâm là công tác phòng chống dịch và các giải pháp phát triển KTXH cuối năm (02/10/2021)

>   Để kinh tế Việt Nam không 'lỡ nhịp' trong trạng thái 'bình thường mới' (02/10/2021)

>   Nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế (02/10/2021)

>   Kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022 sẽ thế nào? (01/10/2021)

>   Mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, kinh tế có thể tăng trưởng 2,1% (01/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật