Đọc vị thị trường bất động sản hậu giãn cách
Đa phần các chuyên gia đều cho rằng sau khi nền kinh tế được mở cửa lại, thị trường bất động sản sẽ có bước đầu hồi phục nhưng với tốc độ chậm.
Siết chặt giãn cách tại TPHCM và các tỉnh phía Nam trong 3 tháng qua gây ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế là điều chắc chắn. Nói riêng về thị trường bất động sản, càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn do đặc thù giao dịch, mua bán thường phải thực hiện trực tiếp.
Khi các địa phương nới lỏng giãn cách, các chuyên gia đều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phục hồi từ nay đến cuối năm.
Hồi phục bước đầu nhưng còn tùy thuộc vào tốc độ mở cửa
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, đặc thù của ngành bất động sản, khi muốn đầu tư thì phải đến tận nơi để xem trực tiếp dù là đất dự án, hay đất nền. Do đó, các giao dịch bất động sản online trong thời gian giãn cách có tỷ trọng rất thấp, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Những tháng giãn cách rất hạn chế cho thị trường bất động sản, nên việc mở cửa lại là mong mỏi của cả thị trường và công ty kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng, vấn đề còn lại là, nhà đầu tư cá nhân cũng đang gặp khó trong thu nhập, nên việc mở cửa lại chỉ đáp ứng một phần những người đã có nhu cầu mua và chuẩn bị tiền sẵn. Còn lại phần đông vẫn đang gặp khó trong hoạt động làm ăn, kinh doanh, nên việc xuống tiền trong giai đoạn này dù cho kinh tế có mở cửa cũng sẽ phải thận trọng.
Do đó, trong quý 4/2021, việc mở cửa chỉ giúp thị trường bất động sản có thanh khoản một phần, chứ không tạo cho thị trường đà phục hồi tốt.
Còn sang năm 2022, tùy thuộc vào tốc độ mở cửa cũng như đà phục hồi, dự kiến đến hết quý 1/2022, nếu nền kinh tế hoạt động lại bình thường, cũng như đầu tư hạ tầng Nhà nước tiến triển thì mới có thể tạo một xung lực mới cho việc đầu tư bất động sản.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, khi kinh tế phục hồi, rõ ràng nhu cầu về bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và có thể một phần bất động sản bán lẻ sẽ bắt đầu tăng trở lại. Tất nhiên, tốc độ tăng cũng khá chậm, vì còn tùy thuộc vào lộ trình mở cửa của Thành phố cũng như những địa bàn lân cận.
Kinh tế mở cửa cũng sẽ giúp giảm lượng hàng tồn kho của bất động sản (nếu có). Thị trường bất động sản có thể tạo bước đầu phục hồi, tuy nhiên, còn tương đối chậm vì dịch bệnh hiện vẫn còn chưa thuyên giảm hẳn so với giai đoạn trước.
Hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp
Ông Hoàng Công Tuấn -Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô CTCK MB cho biết, thị trường sôi động như phía Nam nếu tiếp tục giãn cách sẽ làm đình trệ thị trường bất động sản. Chưa tính đến giá cả , chỉ tính riêng lượng giao dịch bất động sản thì thời gian qua giảm đi rất nhiều.
Khi mở cửa trở lại, xu hướng giao dịch bất động sản chắc chắn sẽ tăng lên và do đó thị trường bất động sản có thể sôi động hơn.
Từ nay đến cuối năm, ngành bất động sản sẽ phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố.
Đầu tiên, đa số bất động sản đều cần nguồn tín dụng rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế mở cửa lạm phát không cao, đi cùng với Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp này. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 19% tổng dư nợ tín dụng. Do đó, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản rất nhiều.
Thứ hai, nhìn về dài hạn, nhu cầu bất động sản ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, lượng người di cư từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm sinh cơ lập nghiệp cao. Đây là những yếu tố khiến giá bất động sản luôn tăng, nếu có giảm thì cũng chỉ mang tính tạm thời. Khi nới giãn cách, tăng trưởng kinh tế trở lại, những người từ nông thôn sẽ quay trở lại thành thị để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thì thị trường bất động sản lại tiếp tục khả quan.
Tuy nhiên, giá bất động sản ở một số khu vực cụ thể sẽ còn liên quan đến quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng và một số yếu tố khác.
Cát Lam
FILI
|