Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại tại nhiều địa phương
Tại một số địa phương, người dân còn nuôi lợn theo phương thức thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh. Đáng chú ý, khi có lợn ốm chết, người dân không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy mà mổ thịt chia nhau ăn; chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tính đến tháng 10/2021, cả nước đã xảy ra 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.
Trong đó, một số tỉnh có số lượng lợn nhiễm bệnh lớn như Nghệ An 20.196 con, Hà Tĩnh 15.048, Lạng Sơn 10.205 con, Cao Bằng 8.102 con, Tuyên Quang 3.932 con, Hà Giang 6.952 con, Quảng Nam 4.784 con...
Hiện, cả nước có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; với tổng số lợn tiêu hủy là 40.719 con.
Theo Cục Thú y, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn còn cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Tại một số địa phương, người dân còn nuôi lợn theo phương thức thả rông làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch.
Đáng chú ý, khi có lợn ốm chết, người dân không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy mà mổ thịt chia nhau ăn; chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.
Dịch tả lợn châu Phi hiện bùng phát tại 53 tỉnh, thành phố và nguy cơ lây lan rộng là rất cao
|
Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, lơ là trong việc xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện còn chậm gây khó khăn trong công tác quản lý.
Theo Cục Thú y, trong thời gian tới nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát là rất cao. Hiện chưa có thuốc hay vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khiến dịch bệnh càng dễ lây lan.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát lây lan rộng trở lại trên cả nước, bộ vừa ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo ông Đông, do tác động của dịch COVID-19, giá lợn rớt xuống mức thấp kỉ lục khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, dịch tả lợn châu Phi trở lại sẽ khiến người dân càng kiệt quệ hơn.
Cục đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
Các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Dương Hưng
Tiền phong
|