Cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc gây rối loạn thị trường hàng hóa
Các nhà sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc đang bị gián đoạn sản xuất vì tình trạng thiếu điện và các biện pháp kiểm soát sản lượng của Bắc Kinh.
Hoạt động sản xuất kim loại từ nhôm cho tới thép bị gián đoạn trong nhiều tháng qua khi các biện pháp kiểm soát tiêu thụ điện năng được triển khai ở nhiều trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc. Hiện nay, các nhà máy sản xuất hàng hóa chất lượng cao đang bắt đầu “ngấm đòn”, qua đó gây rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chưa hết, cuộc khủng hoảng năng lượng còn lan sang cả lĩnh vực thực phẩm – vốn là đang là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh tại thời điểm này.
An ninh lương thực
Việc đảm bảo có đủ lương thực cho 1.4 tỷ người Trung Quốc đang là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện đã buộc các nhà chế biến đậu nành ở các khu vực phía Bắc phải đóng cửa và đẩy giá phân bón tăng vọt.
Diễn biến giá phân bón và giá than
|
Một số nhà máy xay xát đậu nành của Louis Dreyfus Co., Bunge Ltd. và Yihai Kerry nằm trong số những nhà máy bị ảnh hưởng. Cho đến nay, tác động bị giảm bớt phần nào do nhu cầu về các thực phẩm từ đậu nành – vốn dùng làm thức ăn chăn nuôi – đã suy yếu do giá thịt heo giảm. Tuy nhiên, nếu các nhà máy bị tạm ngừng hoạt động, tình trạng này có thể làm trì hoãn việc mua đậu nành từ người mua lớn nhất và kéo giảm xuất khẩu tới Mỹ.
Hiện cũng có lo ngại cho rằng các động thái chính sách của Trung Quốc có thể làm giảm công suất hoạt động của các nhà chế biến bắp ngô – chuyên sản xuất các sản phẩm như tinh bột, công ty Trung Quốc Huatai Futures cho biết trong một báo cáo.
Vì phân bón đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực nói chung, nên Bắc Kinh cũng tăng cường kiểm soát đà tăng của giá phân bón. Tuần này, một công ty quốc doanh của Trung Quốc cho biết họ đã bị phạt vì tăng giá sản phẩm phân bón. Trước đó, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về việc tích trữ và tăng giá quá mức.
Ngành kim loại
Giữa cơn khủng hoảng thiếu điện tại đất nước tiêu thụ kim loại cơ bản hàng đầu thế giới, các nhà máy luyện kim và chế tạo bị gián đoạn sản xuất trong vài tháng qua. Điều này sẽ tác động tới nguồn cung và nhu cầu từ đồng cho tới thiếc. Cho đến nay, ngành bị tác động nặng nề nhất là ngành luyện nhôm – vốn tiêu thụ điện năng rất lớn.
Theo ước tính của Goldman Sachs, tình trạng thiếu điện khiến công suất sản xuất nhôm giảm 3 triệu tấn (tức 8% tổng công suất của Trung Quốc) và thúc giá kim loại này tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong tháng này. Khả năng siết thêm lượng điện tiêu thụ trong mùa đông (vốn là mùa có nhu cầu sử dụng điện cao) sẽ gây áp lực lên ngành này.
Diễn biến giá nhôm
|
Sản xuất thép bị gián đoạn
Các nhà máy thép – mục tiêu chính của Trung Quốc trong chiến dịch cắt giảm sản lượng – cũng bị tác động bởi các đợt siết lượng tiêu thụ điện và từ đó làm giảm nhu cầu quặng sắt (nguyên liệu chính để sản xuất thép) trong vài tháng gần đây. Giá quặng sắt đã giảm 50% từ đỉnh tháng 5 và có lúc rớt ngưỡng 100 USD/tấn. Hơn 80 nhà máy thép Trung Quốc đã tạm ngưng sản xuất để bảo trì trong tháng 9/2021, theo Mysteel.
Giá nickel cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trong tháng này, nhưng nỗi lo về cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc đã che mờ triển vọng tiêu thụ thép không gỉ. Tại tỉnh Phúc Kiến, trung tâm sản xuất thép không ghỉ quan trọng của Trung Quốc, một số nhà máy đã bắt đầu tạm ngưng sản xuất, với sản lượng thép không ghỉ hàng tháng của Trung Quốc giảm hơn 0.5 triệu tấn, theo Mysteel.
Giá quặng sắt và thép thanh
|
Giá silicon lập đỉnh
Tác động của cuộc khủng hoảng đến tới một số hàng hóa nhỏ hơn thậm chí còn lớn hơn rất nhiều. Trong đó, giá silicon tăng gấp 4 lần lên mức kỷ lục trong tháng này sau khi Trung Quốc áp biện pháp kiểm soát sản lượng. Đà tăng của giá silicon có thể gây thêm khó khăn cho các nhà sản xuất nhôm vì họ sử dụng silicon như thành phần hợp kim trong các sản phẩm chuyên dụng.
Các biện pháp kiểm soát sản xuất cũng có thể ảnh hưởng mạnh tới giá polysilicon – một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, theo công ty nghiên cứu Shanghai Metal Markets.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|