Thứ Hai, 20/09/2021 08:24

Tiêu thụ thép trong nước xuống đáy, xuất khẩu tăng kỷ lục

Trong khi mức tiêu thụ thép trong nước sụt giảm mạnh thì xuất khẩu lại tăng cao.

Xuất khẩu thép tăng kỷ lục trong tháng 8. Chí Hiếu

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 8, tiêu thụ nhiều mặt hàng thép đều có mức giảm do khó khăn từ dịch Covid-19, các hoạt động xây dựng bị đình trệ. Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, giảm 1,9% so với tháng 7, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước, và giảm 8% so với tháng 8.2020.

Theo VSA, tiêu thụ thép giảm mạnh do các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại, chuỗi cung ứng nguyên liệu có nguy cơ bị đứt gãy. Ngoài ra, cước phí vận tải biển tăng cao, các hoạt động logistics tắc nghẽn; việc tổ chức duy trì sản xuất 3 tại chỗ của doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí. Giá thép trong nước tháng vừa qua ổn định do trong nước nhu cầu thấp, ở mức bình quân khoảng 16.200 - 16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép của cả nước lại tăng mạnh trong tháng vừa qua. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước. Xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%. Ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần và sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ xuất khẩu nhiều và mức tiêu thụ các tháng đầu năm tăng cao nên tính lũy kế 8 tháng, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép của doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Cụ thể, sản xuất thép các loại trong 8 tháng đạt hơn 20,6 triệu tấn, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. Một số sản phẩm có lượng tiêu thụ nhiều như thép cuộn cán nóng đạt 4,85 triệu tấn, tăng hơn 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng 36,6% mức cùng kỳ 2020...

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá quặng sắt giảm hơn 20% trong 1 tuần (20/09/2021)

>   Mỹ tiếp tục gia hạn điều tra đối với thép tấm không gỉ của Việt Nam (13/09/2021)

>   Rối loạn về nguồn cung nhôm chỉ mới bắt đầu? (13/09/2021)

>   Giá kim loại công nghiệp đua nhau lập đỉnh mới (10/09/2021)

>   Kiến nghị miễn kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng (09/09/2021)

>   Giá nhôm lập đỉnh 13 năm khi nguồn cung thiếu và nhu cầu tăng (09/09/2021)

>   Trái chiều giá thép xây dựng (07/09/2021)

>   Có thể chưa tăng thuế xuất khẩu phôi thép (07/09/2021)

>   Hai thủ phủ sản xuất thép Trung Quốc cắt giảm sản lượng trong tháng 9 (06/09/2021)

>   Những bước nhảy vọt trên thị trường hàng hóa (02/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật