Những bước nhảy vọt trên thị trường hàng hóa
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, tắc nghẽn trong hoạt động vận tải biển cùng với nhu cầu phục hồi sau đại dịch đã đẩy giá hàng hóa – từ than đá, các kim loại công nghiệp như thép, đồng, nhôm, tới các sản phẩm dầu khí – tăng vọt trong 1 năm qua.
Nguồn: Tradingeconomics
|
Giá than tăng 110% từ đầu năm
Giá than đá thế giới đã tăng từ nhiều tháng nay, nhưng thực sự tăng mạnh từ tháng 5/2021 do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, trong bối cảnh thời tiết ở Trung Quốc nóng nực đẩy nhu cầu điện tăng vọt.
Giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle – mức chuẩn cho thị trường châu Á – đã tăng 110% từ đầu năm lên mức gần 171 USD/metric tấn, theo dữ liệu từ công ty cung cấp giá hàng hóa Argus.
Diễn biến giá than
Chỉ số hàng tuần tại cảng Newcastle từng rơi xuống mức 46.18 USD hồi đầu tháng 9/2020. Hiện, chỉ số này đang từng bước tiến gần hơn tới mức cao nhất mọi thời đại 195.2 USD xác lập vào tháng 7/2008. Chỉ số than nhiệt (thermal coal) ở Nam Phi khép tuần trước ở mức 137.06 USD/metric tấn, tăng hơn 55% trong năm nay.
Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tại Trung Quốc – nước nhập khẩu và tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới – tăng mạnh khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đà tăng của giá than còn đến từ chính sách hạn chế nhập khẩu than từ Australia.
Giá khí thiên nhiên tại châu Âu tăng vọt 1,000%, châu Á tăng gấp 6 lần
Nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung bị gián đoạn đã đẩy giá khí thiên nhiên trên toàn cầu tăng vọt.
Giá khí thiên nhiên tại châu Âu đã tăng hơn 1,000% từ mức đáy hồi tháng 5/2020 (giai đoạn dịch bệnh hoành hành), trong khi giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tăng gấp 6 lần trong 12 tháng qua. Thậm chí, tại Mỹ - nơi cuộc cách mạng đá phiến giúp nâng mạnh sản lượng của loại nhiên liệu này, giá LNG cũng tăng lên mức cao nhất 10 năm qua.
Diễn biến giá khí thiên nhiên
Hiện tại, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên hóa lòng vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Các công ty tiện ích tại châu Âu đang chuyển sang dùng khí thiên nhiên, trong khi các chính quyền Nam Á và Đông Nam Á lên kế hoạch xây dựng hàng tá nhà máy đốt khí thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu điện. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn giảm lượng tiêu thụ than đá và chuyển sang dùng khí thiên nhiên.
Với ít phương án lựa chọn, thế giới được dự báo sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào khí thiên nhiên như một phương án thay thế cho than đá để giúp đạt được mục tiêu giảm khí thải. Thế nhưng, khi các nhà sản xuất hạn chế đầu tư vào nguồn cung mới, giới đầu tư và các Chính phủ nâng cao ý thức về môi trường, giá LNG rõ ràng sẽ duy trì ở mức cao.
Giá nhôm lập đỉnh hơn 10 năm
Giá nhôm trên thị trường quốc tế hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tăng mạnh. Giá nhôm tại Trung Quốc chạm mức cao nhất 10 năm qua, trong khi giá giao ngay tại châu Âu và Mỹ đều lập kỷ lục mới.
Tính từ đầu năm đến nay, hợp đồng nhôm tương lai đã tăng 32% lên mức gần 2,600 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2011. Nhìn xa hơn, giá kim loại này đã tăng gần 80% so với mức thấp vào tháng 5 năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không và vận tải, những ngành tiêu thụ nhiều nhôm.
Đà tăng của giá nhôm trong những phiên giao dịch gần đây chủ yếu do giới đầu tư kỳ vọng nguồn cung nhôm từ Trung Quốc sẽ giảm xuống trong quý 3 tới trong bối cảnh nước này đang siết chặt hoạt động sản xuất nhôm nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng đang khiến hàng loạt nhà máy luyện kim phải hoạt động cầm chừng. Trung Quốc hiện là nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới và hoạt động tinh luyện nhôm tiêu tốn lượng điện năng lớn.
Mặt khác, giá nhôm còn được hỗ trợ bởi sự cố hoả hoạn nghiêm trọng tại nhà máy luyện đồng Jamalco của Chính phủ Jamaica, khiến hoạt động sản xuất tại đây bị đình trệ. Sản lượng alumina của nhà máy này có thể đạt đến 1,4 triệu tấn/năm. Dữ liệu của Viện Nhôm Quốc tế (IAI) cho thấy tổng lượng alumina trên toàn cầu trong năm 2020 đạt 134,4 triệu tấn.
Giá đường lập đỉnh 3 năm
Giá đường trên thị trường quốc tế đang ở mức cao nhất 4 năm rưỡi qua nhờ các quỹ đầu tư tăng mua sau khi sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, được dự báo giảm mạnh trong niên vụ này vì thời tiết hạn hán và sương giá.
Ngày 30/08, giá đường thô giao tháng 10 trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ở New York tăng lên mức 20.27 xu/pound (0.45 kg), mức cao nhất 4 năm rưỡi qua và đã tăng 53% trong 12 tháng qua.
Diễn biến giá đường
Thị trường đường sôi động hơn sau khi giới đầu tư đón nhận các thông tin cho thấy vụ mía ở Brazil chịu thiệt hại nặng do thời tiết sương giá và hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.
Các biến cố thời tiết có thể khiến sản lượng mía ở vùng trung nam Center-South của Brazil trong niên vụ này về mức 490 triệu tấn, giảm 19% so với niên vụ trước, theo dự báo của Unica. Không chỉ vậy, dự trữ [A1] đường ở vùng này cũng suy giảm. Các nhà máy ở Brazil đang đẩy mạnh thu hoạch mía sớm để tránh bị hao hụt dự trữ đường nhưng mức độ tổn thất vẫn có thể lớn hơn dự báo.
Giá thép Mỹ lên mốc 1,940 USD
Nhu cầu thép tăng mạnh cùng với các đợt cắt giảm sản lượng tại Trung Quốc đã thúc giá thép tăng mạnh trong 1 năm qua. Ngoài ra, việc Trung Quốc xóa bỏ các khoản hoàn thuế với xuất khẩu thép cũng góp phần khiến giá thép tăng mạnh.
Tuy nhiên, sau những bước tăng mạnh từ đầu năm 2021, giá thép đã có sự chững lại và phân hóa giữa các khu vực trong thời gian gần đây. Tại châu Á, giá thép cuộn cán nóng đang duy trì ở mức 860-1,000 USD vì nhu cầu thép đang khá ảm đạm giữa bối cảnh dịch bệnh. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ vẫn chứng kiến nhu cầu tiêu thụ khá mạnh và giá vẫn ở mức cao. Tại châu Âu, giá HRC lên tới 1,300 USD, còn Mỹ hiện ở mức 1,940 USD. Bối cảnh phân hóa trong giá thép tạo điều kiện thuận lợi cho những công ty nhập khẩu, sản xuất tại châu Á và xuất khẩu thép qua châu Âu và Mỹ.
Diễn biến giá thép tại Mỹ
Giá Lithium tăng gần 100% nhờ nhu cầu xe điện bùng nổ
Giữa đà bùng nổ của nhu cầu xe điện, các kim loại Lithium, coban, niken được dùng trong sản xuất pin xe điện được cho là sẽ có nhu cầu tăng vọt trong những năm tới.
Lithium Cacbonat ở Trung Quốc, vốn được xem là tiêu chuẩn cho thị trường Lithium toàn cầu, đang dao động quanh mức 92,500 Nhân dân tệ/tấn (13.500 USD)/tấn, tăng gần 100% từ đầu năm 2021 và tăng 120% so với 1 năm trước đó.
Diễn biến giá Lithium Cacbonat
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính nhu cầu toàn cầu về lithium sẽ lớn hơn 42 lần vào năm 2040 so với năm 2020, với giả định mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2 độ C. Nhu cầu coban dự kiến tăng 21 lần, trong khi mức sử dụng niken tăng 19 lần.
Đây là nguồn cơn thôi thúc các công ty xe điện và pin đổ xô đầu tư để phát triển nguồn cung các kim loại này. Tuy nhiên, việc tăng đầu tư sẽ không dẫn đến nguồn cung lớn hơn ngay lập tức. Các dự án phát triển mỏ mới trung bình cần hơn 10 năm để bắt đầu sản xuất, các nhà quan sát ngành cho biết. Do đó, trong ngắn hạn, thị trường vẫn sẽ đối mặt sự thiếu hụt nguồn cung về Lithium.
Vũ Hạo
FILI
|