Chiến lược phát triển dài hơi để ngành cá tra vượt "cơn sóng dữ"
Hơn 30% số doanh nghiệp cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phải ngừng sản xuất. Vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương bị đứt gãy. Vì vậy, cần phải vực lại con cá tra, xây dựng lại chiến lược phát triển cho con cá tra dài hơi...
Ngành cá tra lao đao trong đại dịch Covid-19.
|
“Khi con tôm, con cá còn đang quẫy dưới nước thì chưa thể nói được chuyện gì thành công, mà còn cả một chuỗi đường đi đến nhà máy chế biến rồi vận chuyển ra đến cảng xuất khẩu như thế nào?". Đó là nỗi niềm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiều 25/9/2021.
DIỆN TÍCH THẢ NUÔI CÁ TRA GIẢM MỘT NỬA
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội, đến giữa tháng 9/2021 đã có 176 doanh nghiệp trong tổng số 449 doanh nghiệp ngành cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ.
Riêng tại 5 tỉnh trọng điểm cá tra (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long) có 106 nhà máy chế biến cá tra, thì hiện có 52 nhà máy phải tạm dựng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
“Chính vì thế dẫn đến việc giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Bên cạnh số lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, thì số lượng tương đương cho các lực lượng lao động liên quan trong chuỗi sản xuất cũng bị tác động theo”, ông Luân chia sẻ.
Khâu nuôi trồng cũng gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn thủy sản tăng, thiếu công nhân thu hoạch. Vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương bị đứt gãy, phát sinh chi phí test covid, nguy cơ thiếu nguyên liệu trong những tháng cuối năm cao.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
|
Theo ông Luân, diện tích thả nuôi cá tra trong quý 3 cũng đã giảm 50 - 55% so với quý 2. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9% và nửa đầu tháng 9 giảm 77% so với các tháng và nửa tháng tương ứng của năm 2020.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2021 đã giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 9 có thể giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời trước tình trạng hồi phục rất chậm của các doanh nghiệp cá tra thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận đơn hàng mới cho đầu năm 2022.
Theo bà Lan, vấn đề đáng lo ngại là chất lượng cá nguyên liệu trong ao hiện nay đang giảm thấp khi cá quá size, cá thịt vàng... cùng với việc người dân giảm thả nuôi sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu vào dịp cuối năm nay và đầu năm tới.
Do đó, bà Tô Tường Lan đề xuất Bộ Y tế cần có bộ quy tắc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để làm "kim chỉ nam" trong thực hiện phục hồi sản xuất.
Bộ quy tắc này cần có những quy định thống nhất về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại doanh nghiệp, ứng phó với sự cố khi có ca F0 hay công nhân đã tiêm vaccine mũi 1 hay mũi 2 thì sẽ ra sao...
"Do chưa có bộ quy tắc thống nhất, mỗi địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chống dịch khác nhau, thiếu sự phối hợp đồng bộ đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển nguyên liệu, thu hoạch và vận chuyển cá tra giống, cá tra nguyên liệu", bà Lan phản ánh.
CẦN PHẢI GIẢI CỨU NGÀNH CÁ TRA
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo những cấp độ khác nhau, từ đó có độ vênh nhất định. Bộ Y tế sẽ tham gia tháo gỡ vướng mắc của các địa phương và doanh nghiệp, đồng thời xác định: Chúng ta không thể “Zero Covid-19”.
Bộ y tế đề xuất không nên áp dụng tiêu chí phân định “vùng đỏ” cho địa bàn tỉnh, huyện, xã, mà đưa xuống đơn vị dân cư, đơn vị hành chính nhỏ hơn để mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và dễ kiểm soát dịch.
|
Vì thế, Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn mới để đảm bảo sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” với phiên bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam phản ánh, dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư yêu cầu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa được giảm lãi suất, một số chỉ được giảm 0,5 - 1% lãi suất. Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra, giám sát và xem xét giảm lãi suất tới 2% mới giúp DN vượt qua giai đoạn hiện nay.
Ông Quốc cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ giảm tiền điện sản xuất cho doanh nghiệp, nâng tỉ lê giảm tiền điện lên 20-30% thay vì giảm 10% như hiện nay.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp bình ổn giá thức ăn đang tăng cao, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kênh phân phối thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, vì cá tra hiện đang còn tồn đọng khá nhiều.
Đây là dịp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp ngành cá tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khẳng định bất cứ ai cũng đang bị tác động của dịch Covid-19. Đáng nói là không một nhà khoa học nào khẳng định được khi nào dịch bệnh này chấm dứt.
“Tôi xem như là không gian kinh tế từ địa phương này đến địa phương khác, từ nhà máy đến công nhân, từ ao nuôi này đến ao nuôi khác, nó như dòng chảy, là mạch máu trong cơ thể con người, nên chỉ cần một mạch máu nào bị đứt thì cũng bị gãy chết. Không gian kinh tế, chuỗi ngành hàng nó không chỉ riêng của tỉnh nào, mà nó từ công nhân nhà máy và người nuôi của các tỉnh đưa lên TP.HCM đến các cảng, ra đến thị trường nước ngoài…”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
“Khi con tôm, con cá còn đang quẫy dưới nước thì chưa thể nói được chuyện gì thành công, mà còn cả một chuỗi đường đi đến nhà máy chế biến rồi vận chuyển ra đến cảng xuất khẩu như thế nào. Một miếng philê xuất khẩu ra nước ngoài cần bao nhiêu khâu, bao nhiêu công đoạn sản xuất thì chúng ta cần phải hiểu. Chúng ta cần phải vực lại con cá tra, xây dựng lại chiến lược phát triển cho con cá tra dài hơi”, Bộ trưởng Hoan khẳng định.
Chương Phượng
VnEconomy
|