Doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng mới, xuất khẩu gạo khó hoàn thành mục tiêu
Trong 8 tháng qua, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ. Doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng...
Xuất khẩu gạo gặp khó do dịch Covid-19.
|
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 440 nghìn tấn gạo, đem về 210 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn, với kim ngạch 2,1 tỷ USD.
XUẤT KHẨU GẠO ẢM ĐẠM
Xét về thị trường xuất khẩu 8 tháng qua, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 36,4% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước; Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18%; Bờ Biển Ngà đứng thứ 3, chiếm trên 7%.
Đáng lưu ý, xuất khẩu gạo sang Malaysia giảm rất mạnh, giảm 59,7% về lượng, giảm 50,5% về kim ngạch, khiến thị trường này chỉ chiếm gần 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta.
Về giá, sau chuỗi tăng giá gạo xuất khẩu vào đầu năm, thì trong tháng 7 và tháng 8, giá gạo xuất khẩu lao dốc mạnh.
Từ giữa tháng 8/2021 trở đi, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn 385 USD/tấn, thấp nhất từ giữa năm 2019 đến nay. Tình trạng này không chỉ diễn ra với gạo Việt Nam, mà cả với xuất khẩu gạo của các nước khác, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan.
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2021 chỉ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tháng 8/2021 tiếp tục xu hướng giảm từ tháng trước đó, là bởi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài chậm, cước phí vận chuyển cao, dịch Covid-19 tái bùng phát. Ngoài ra, việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm cũng tác động đẩy giá gạo Việt Nam giảm theo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch VFA, cho biết doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.
"Giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, trong khi tàu hàng vào cảng lâu, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn", ông Nam nêu thực tế.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phản ánh, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, một số công ty, nhà máy rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời… khiến khả năng giao hàng doanh nghiệp hạn chế.
Công ty Trung Anh cũng không ngoại lệ. Theo dự kiến, sau ngày 16/8/2021 công ty sẽ nối lại các đơn hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, song do các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách đến hết giữa tháng 9/2021 đã khiến công ty thay đổi kế hoạch, đồng thời phải gửi thư xin lỗi đối tác và xin giao các đơn hàng của tháng 8 sang tháng 9, còn tháng 9 sẽ kéo dài đến tháng 10, với tổng số lượng gạo cần giao lên đến hơn 22.000 tấn.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) lo lắng, hiện hàng tồn kho của công ty còn nhiều nên chưa dám ký các hợp đồng mới với đối tác. Trong khi hàng loạt chi phí mới phát sinh do dịch bệnh, đặc biệt là chi phí vận chuyển ở mức quá cao, giá gạo xuất khẩu thấp đang ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty.
GIÁ TĂNG NHƯNG XUẤT KHẨU VẪN KHÓ
Trong 2 tuần đầu tháng 9/2021, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức từ 358-363 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 280-402 USD/tấn (tùy loại). Riêng giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 385 USD/tấn trong hai tuần trước lên 400 USD/tấn trong tuần này.
Theo các nhà phân tích, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong thời điểm nay là nhờ nhu cầu tăng cao sau khi Chính phủ tăng cường dự trữ và các nhà buôn ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Ngày 7/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước ta đã ban hành Nghị quyết số 296/NQ-UBTVQH15 về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thông tin về việc Nhà nước tăng mua bù gạo dự trữ ngay lập tức đã tác động làm tăng giá lúa gạo nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long và đẩy giá gạo xuất khẩu lên.
|
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua bù 172.889,47 tấn gạo dự trữ quốc gia đưa vào dự trữ quốc gia theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 30/TTr-CP ngày 4/9/2021.
Trong khi đó, giới thương nhân tại Bangkok cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan chưa có dấu hiệu tăng trong nửa đầu tháng 9, không phải do nhu cầu tiêu dùng gạo trên thế giới giảm, mà do chi phí vận chuyển cao có thể khiến các nhà nhập khẩu hướng tới mua gạo Việt Nam.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan hiện nay vẫn khó ký được hợp đồng mới, bởi người mua rất thận trọng đối với các giao dịch mới do họ vẫn kỳ vọng giá gạo xuất khẩu sẽ thấp hơn nữa trong thời gian tới với tình hình dịch bệnh Covid-19 leo thang tại hai nguồn cung lớn là Việt Nam và Thái Lan.
Thông tin từ Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA-FAS) tiếp tục khiến thị trường gạo thế giới tiếp tục ảm đạm. Theo cơ quan này, sản lượng lúa Philippines năm 2021 dự báo sẽ đạt mục tiêu 20,4 triệu tấn, cao hơn mức kỷ lục cũ là 19,4 triệu tấn.
Số liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) Philippines cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng gạo nhập khẩu của nước này đã giảm khoảng 11% so với nửa đầu năm 2020.
USDA cũng dự báo, nguồn cung gạo Ấn Độ sẽ tiếp tục dồi dào, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 122 triệu tấn, tăng 2,6% giúp duy trì giá gạo ở mức thấp.
Trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan, nhưng hiện nay, gần như toàn bộ gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ các quốc gia Nam Á, bao gồm Pakistan và Ấn Độ.
|
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gạo của Trung tăng 2 lần về lượng và tăng 74,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam giảm sâu.
Đặc biệt, cuối năm 2020, Trung Quốc đã cho phép sự tiếp cận của gạo non basmati Ấn Độ và nước này đã nhanh chóng trở thành một trong những các nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Trung Quốc.
Giá gạo hạt dài của Ấn Độ thấp hơn 25% so với gạo Việt Nam, cũng là nguyên nhân giúp Ấn Độ chiếm thị phần gạo của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Với Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu năm 2021, sẽ xuất khẩu khoảng 6 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, xuất khẩu gạo trong những tháng tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khiến mục tiêu này không dễ đạt được.
Chu Khôi
VnEconomy
|