Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xem xét gói 10.000 - 20.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang xem xét, tham mưu cấp có thẩm quyền một số gói hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 28-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan này đang xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền một số gói hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong giai đoạn hiện nay, để đưa ra một số gói hỗ trợ, có thể chấp nhận việc bội chi ngân sách tăng lên. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã đi vào ổn định và phát triển, sẽ giảm tỉ lệ bội chi ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
|
Thông tin cụ thể về một số gói hỗ trợ đang được thảo luận, thiết kế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách tài khoá, gói kích cầu như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, xem xét gói từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định, một số công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, có thể phát hành công trái, trái phiếu.
Ngoài những giải pháp nêu trên, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng thu trên nền tảng số; chống chuyển giá, trốn thuế. Ngoài ra, thắt chặt chi tiêu cũng là giải pháp quan trọng thời gian tới, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị...
Về quy mô của các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết chưa có con số cụ thể vì đang tham mưu, đưa ra nhiều phương án để cấp có thẩm quyền xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, Chính phủ đang xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội.
Theo ông Cường, các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay và điều kiện thực hiện phải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hôm qua 27-10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92 hướng dẫn chi tiết việc miễn, giảm thuế cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 406 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị định số 92 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III, quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Cùng ngày, Bộ Tài chính cho biết, các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách Nhà nước của năm 2021 khoảng gần 20 ngàn tỉ đồng. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, địa phương thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN, triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Thế Dũng - Văn Duẩn - Minh Chiến
Người lao động
|