Vụ mì Hảo Hảo có 'chất cấm': Bộ Công thương nói Việt Nam chưa quy định
Bộ Công thương cho rằng Việt Nam hiện chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng chất Ethylene Oxide (EO) trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Sản phẩm mì Hảo Hảo trong lô bị châu Âu thông báo thu hồi Ảnh chụp màn hình
|
Trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trước 7.9 phải báo cáo Thủ tướng liên quan đến các thông tin “về việc mì Hảo Hảo có chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm”, Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công thương) vừa cho biết, Việt Nam hiện chưa quy định cho phép, cấm sử dụng chất Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng trong thực phẩm.
Đã có gần 700 cảnh báo liên quan chất EO
Sáng nay, 3.9, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương đã đăng bài viết có nhan đề “Kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm khi xuất khẩu”, dẫn nguồn từ Vụ Khoa học - Công nghệ của Bộ này.
Bài viết đăng tải sau khi Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản yêu cầu Bộ Công thương trước ngày 7.9 phải báo cáo Thủ tướng liên quan đến các thông tin “về việc mì Hảo Hảo có chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Chất cấm ở đây cụ thể là chất Ethylene Oxide (EO) bị châu Âu cấm dùng trong thực phẩm bán tại lục địa này, và Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền, miến từ Việt Nam bị thu hồi do có sử dụng chất này.
Vụ Khoa học - Công nghệ cho hay, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Trong đó, các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ ca cao... Trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.
Vụ Khoa học - Công nghệ nhấn mạnh, hiện nay nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi, một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
“Mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu”, Vụ Khoa học - Công nghệ khuyến nghị.
Châu Âu thu hồi cả mì của Hàn Quốc, Trung Quốc
Chia sẻ thêm với Thanh Niên, nguồn tin từ Vụ Khoa học - Công nghệ cho biết, vừa qua, FSAI không chỉ thông báo thu hồi với riêng lô mì và miến của doanh nghiệp đến từ Việt Nam, mà còn cả sản phẩm mì Yato Seafood của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc cùng với lý do có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu.
“Và đây không phải là lần đầu châu Âu thu hồi các sản phẩm tương tự. Ví dụ, tháng 8.2020, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki (thương hiệu Paldo của Hàn Quốc) vì có hàm lượng EO cao. Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về sản phẩm mì ăn liền hải sản được sản xuất tại nhà máy Busan ở Nongshim và mì ăn liền bánh gạo xào được sản xuất tại nhà máy Paldo Icheon”, nguồn tin này dẫn chứng.
Theo vị này, thời điểm đó, Hàn Quốc chưa có quy định giới hạn EO trong thực phẩm, nhưng qua sự cố này, Hàn Quốc đã quy định tiêu chuẩn giới hạn tạm thời dưới 30 mg/kg; thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 10 mg/kg.
“Đây có thể sẽ là một hướng mà chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, xây dựng quy định, đưa ra tiêu chuẩn giới hạn EO trong thực phẩm”, vị này nói thêm.
Chí Hiếu
Thanh niên
|